Multimedia Đọc Báo in

Phát triển ổn định, bền vững nguồn năng lượng tái tạo: Phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định

08:02, 21/02/2021

Dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cộng với cơ chế khuyến khích của tỉnh, huyện Ea H'leo đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong phát triển năng lượng tái tạo. Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo NGUYỄN VĂN HÀ về nội dung này.

•Xin ông cho biết về tiềm năng và kết quả đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở địa phương?

Huyện Ea H’leo có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo rất lớn. Kết quả khảo sát cho thấy lượng bức xạ mặt trời trung bình khoảng 5,1 KWh/m2/ngày. Tốc độ gió trung bình tại độ cao 100 m đạt từ 6,9 – 7,5 m/giây có thể khai thác với tổng công suất khoảng 2.000 – 2.500 MW. Với các điều kiện tự nhiên nói trên địa phương có thể phát triển, xây dựng nhà máy điện gió theo kiểu trang trại trên các quả đồi.

Tại huyện có 2 nhà máy thủy điện nhỏ là Thủy điện Ea Drăng, công suất 0,32 MW và Thủy điện Ea Drăng 2, công suất 6,4 MW; Trang trại phong điện Tây Nguyên (giai đoạn 1), công suất 28,8 MW. Các dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả, doanh thu năm 2020 đạt trên 126,5 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 11,5 tỷ đồng.

Hiện trên địa bàn huyện có 21 dự án điện gió được UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát, lập dự án; riêng dự án điện gió Ea Nam công suất 400 MW đã được UBND tỉnh quyết định cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam đầu tư tại các xã Ea Nam, Ea Khal và Dliê Yang với tổng kinh phí 16.500 tỷ đồng; 2 dự án điện mặt trời xin khảo sát đầu tư trên 374 ha, công suất 510 MW, kinh phí 5.500 tỷ đồng; 1 dự án điện sinh khối xin khảo sát với công suất 30 MW, kinh phí 1.117 tỷ đồng… Ngoài ra, còn có 9 trang trại, doanh nghiệp lắp đặt điện áp mái với công suất trên 55 MW, đã được ngành điện đấu nối và đưa vào vận hành.

 •Vậy định hướng phát triển năng lượng tái tạo của địa phương trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Huyện Ea H’leo sẽ khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo sẵn có. Mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn 2020 - 2030 với tổng công suất điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối đạt khoảng 1.000 – 2.000 MW, chiếm khoảng 28,6% tổng nguồn năng lượng tái tạo của tỉnh; phấn đấu đưa huyện Ea H’leo trở thành trung tâm năng lượng vùng Tây Nguyên. Cụ thể: giai đoạn 2021 - 2025 đưa vào vận hành phát điện thương mại đạt quy mô công suất 500 – 1.000 MW điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối; giai đoạn 2025 - 2030 đưa vào vận hành phát điện thương mại đạt quy mô công suất 1.000 – 2.000 MW điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối; tầm nhìn đến năm 2045, tập trung nguồn lực khai thác, sử dụng tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo bằng những công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

 •Việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo đang tạo ra một số bất cập, thách thức. Theo ông, để phát triển ổn định, bền vững nguồn năng lượng này cần phải quan tâm những vấn đề gì?

Để phát triển ổn định, bền vững cần bảo đảm phát triển nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển điện lực được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm an toàn hệ thống truyền tải điện. Các chủ đầu tư phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định về đầu tư nguồn năng lượng tái tạo, ngoài ra cần đáp ứng được những quy định liên quan đến phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường. Về công tác giải phóng mặt bằng và tuyên truyền vận động nhân dân, chính quyền địa phương và chủ đầu tư phải phối hợp nhịp nhàng, thực hiện đúng theo quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho chủ đầu tư và các hộ dân trong vùng dự án. Cuối cùng và quan trọng nhất đó là tầm nhìn, định hướng quy hoạch làm sao để tận dụng tối đa các lợi thế và tiềm năng của huyện để dự án có tính khả thi cao nhất, mang hiệu quả kinh tế.

•Xin cảm ơn ông!

Như Quỳnh (thực hiện)

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.