Multimedia Đọc Báo in

Bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa: Yêu cầu cấp thiết với doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế

06:50, 09/05/2021

Khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, nguy cơ các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam bị “đánh cắp” thương hiệu ngày càng cao. Mới đây, thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” ST25 của Việt Nam có nguy cơ bị mất ở thị trường Mỹ (do các doanh nghiệp Mỹ đang trong quá trình làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu này), cho thấy vấn đề đầu tư cho sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên cấp thiết.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN VĂN KHOA, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về vấn đề này.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Khoa.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Khoa.

°Sau bài học về nước mắm Phú Quốc, chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, thì mới đây là thương hiệu gạo ST25 đã bị doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ tại nước ngoài, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Câu chuyện nhiều sản phẩm Việt khi ra nước ngoài bị "đánh cắp" thương hiệu không phải mới và để lại khá nhiều bài học của việc chưa nhận thức đầy đủ và còn lơ là trong bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

Đó là nước mắm Phú Quốc cũng từng bị Công ty Viet Huong Fishsauce (Mỹ) đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Mỹ, EU, Trung Quốc và Australia. Để tìm lại tên cho nước mắm Phú Quốc, Hội các nhà nước mắm Phú Quốc đã thực hiện các thủ tục pháp lý cùng sự hỗ trợ của đại sứ quán, thương vụ tại EU, Bộ Công thương... Sau nhiều năm chứng minh quyền sở hữu của mình, nước mắm Phú Quốc mới được EU chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Tương tự, mặc dù được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân từ năm 2005, song thương hiệu này đã bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ. Mặc dù, Việt Nam đã giành được thắng lợi quan trọng trong việc hủy bỏ hiệu lực các đăng ký nhãn hiệu Buôn Ma Thuột cho cà phê bị đăng ký trái phép ở Trung Quốc, nhưng cũng mất thời gian rất dài và cũng khá gian nan.

Ngoài ra, các thương hiệu khác như cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi... đều mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để đi tìm lại tên trên các thị trường quốc tế.

Rất may, sản phẩm gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua (Sóc Trăng) đã được đăng ký bảo hộ về mặt giống. Ðây là căn cứ pháp lý quan trọng để chúng ta bám vào nếu buộc phải có những tranh chấp trong bảo vệ thương hiệu sau này.

°Từ đây cho thấy cần lưu tâm thế nào đến vấn đề xây dựng thương hiệu hàng hóa và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản nói chung và tỉnh ta nói riêng, thưa ông?

Tính đến hết năm 2019, có 1.096 nông sản tại Việt Nam được đăng ký bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, trong đó Đắk Lắk có 7 sản phẩm. Đến cuối năm 2020, Đắk Lắk có 11 sản phẩm được bảo hộ, trong đó có một số sản phẩm mới như: nhãn hiệu chứng nhận Gạo Krông Ana, Mắc ca Krông Năng, nhãn hiệu tập thể Tinh dầu sả Java Ea Tir - Ea H’leo...

Câu chuyện thương hiệu gạo ST25 xảy ra vào đúng thời điểm Việt Nam tham gia năng động sân chơi toàn cầu với hàng loạt Hiệp định thương mại FTA để doanh nghiệp bước chân ra thương trường quốc tế càng cho thấy đây là một bài học đắt giá cho sự chủ quan và chậm trễ trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Điều đó cho thấy không ít doanh nghiệp hiện vẫn chưa tự trang bị cho mình những kiến thức pháp lý cần thiết trong hoạt động thương mại, đặc biệt trong giao dịch thương mại quốc tế cũng chưa có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý cho các hoạt động của mình.

Cùng với sự hội nhập kinh tế, tham gia ký kết các hiệp định thương mại; việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu các sản phẩm/dịch vụ đặc sản địa phương gắn với các địa danh là cần thiết nhằm chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, chất lượng, uy tín của sản phẩm. Là tỉnh sản xuất nông nghiệp, với nền kinh tế mở như hiện nay, Đắk Lắk nếu muốn xây dựng nền sản xuất hàng hóa thì chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cần có sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho sở hữu trí tuệ và bảo vệ thương hiệu, nhất việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại thị trường ở nước ngoài, đặc biệt là đối với những thị trường xuất khẩu tiềm năng. 

°Qua những vấn đề vừa trao đổi, ông có khuyến nghị gì đối với các tổ chức, doanh nghiệp?

Việc đăng ký nhãn hiệu để được bảo hộ gắn liền với sản phẩm/dịch vụ kinh doanh có ý nghĩa và mang giá trị to lớn đối với tổ chức, doanh nghiệp. Vì vậy, đối với thị trường trong nước, các doanh nghiệp nên tiến hành đăng ký nhãn hiệu ngay sau khi thành lập doanh nghiệp; tiến hành các biện pháp ngăn chặn các hành vi xâm phạm nhãn hiệu của các cá nhân, doanh nghiệp khác làm phương hại đến lợi ích của mình. Còn ở thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu rõ để bảo đảm rằng sản phẩm của mình tuân thủ các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường xuất khẩu và không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác trên thị trường đó (bởi mỗi một quốc gia đều có một hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khác nhau). Tham vấn ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực để lựa chọn cách thức bảo hộ một cách hiệu quả nhất, tránh tình trạng các đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc làm giả sản phẩm, thậm chí cấm ngược lại việc mình sử dụng sản phẩm của chính mình tại thị trường đó.

°Xin cảm ơn ông!

Lê Hương (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.