Multimedia Đọc Báo in

Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn khai mở văn chương nghìn năm Thăng Long – Hà Nội

15:55, 18/06/2010
Lý Công Uẩn (974-1028) người ở Châu Cổ Pháp, Lộ Bắc Giang. Mẹ họ Phạm, từ 3 tuổi làm con nuôi sư Lý Khánh Văn, sau được sư Vạn Hạnh nuôi dạy. Là người thông minh, nhân ái, có chí lớn và hâm mộ đạo Phật.
Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ được khai mạc tại Vườn hoa Lý Thái Tổ. (Ảnh: T.L)
Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ được khai mạc tại Vườn hoa Lý Thái Tổ. (Ảnh: T.L)

Dưới triều tiền Lê lập nhiều võ công nên thăng đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. khi Lê Ngọa Triều chết (1009) triều thần tôn lên làm vua, sáng lập vương triều Lý kéo dài 215 năm (1010-1225) với 8 đời vua (không kể Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh). Triều đại nhà Lý văn trị, võ hùng như đánh Tống, bình Chiêm, dựng Văn miếu – Quốc tử giám, tổ chức thi cử chọn hiền tài, đắp đê phòng lụt, ban bố Luật Hình thư… mở ra kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Người khai sáng là Lý Công Uẩn với một quyết sách quan trọng là dời đô từ Hoa Lư ra Đại La và đổi tên là Thăng Long, đến nay vừa tròn một nghìn năm. Bài Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô) ra đời trong bối cảnh lịch sử đó.
Mở đầu bài chiếu là câu: Thủ chiếu viết, có ý nghĩa khẳng định là vua tự tay mình viết chiếu chứ không để quần thần viết cho mình đọc.
Chiếu dời đô ngoài ý nghĩa là một văn kiện lịch sử, chính trị vô cùng quan trọng còn là một kiệt tác văn chương, mở đầu 1.000 năm thơ văn viết về Thăng Long – Hà Nội. Thấy được giá trị văn học nên Bùi Huy Bích (1744 – 1818) đã chọn đưa vào Hoàng Việt văn tuyển.
Nguồn sử liệu sớm nhất ghi chép Chiếu dời đôĐại Việt sử ký toàn thư, bộ quốc sử do Ngô Sĩ Liên biên soạn năm 1479 dưới triều vua Lê Thánh Tông.
Nửa trên của bài văn lấy dẫn chứng nhà Thương, nhà Chu đã dời đô nhiều lần: “Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi”.
Từ dẫn chứng xa (thời Thương, Chu bên Tàu) đến liên hệ gần (Đinh, Lê ở Đại Việt vừa mới thay đổi triều đại) lập luận khoa học theo dòng chảy lịch sử và phê phán: “Cứ đóng yên đô thành ở nơi đây khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi”. Từ dẫn chứng trên dẫn đến tiểu kết như một câu cảm thán nhưng lại khẳng định quyết chí, quyết sách: “Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời”.
Nửa sau của bài Chiếu dời đô tập trung ca ngợi địa thế của thành Đại La, nơi Cao Biền (ông tổ thuật phong thủy) đã từng chọn làm kinh đô: “Ở vào nơi trung tâm của trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi, đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi”. Đoạn miêu tả trên rất hùng hồn, nhấn mạnh sự kỳ vĩ, quan yếu của kinh đô tương lai. Đến đoạn văn sau miêu tả sinh động, cụ thể, nghĩ đến dân nên đi vào lòng người: “Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi”. Từ dẫn chứng được miêu tả hết sức thuyết phục dẫn đến kết luận khẳng định: “Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Lý Công Uẩn đã sáng suốt khi dời đô, vì Hoa Lư chỉ tiện lợi về mặt quân sự chứ không có điều kiện phát triển thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa như Đại La mà sau này là Thăng Long – Hà Nội. Lịch sử ngàn năm đã minh chứng.
Câu cuối cùng của Chiếu dời đô lại là câu hỏi, tính dân chủ được mở rộng, dù Lý Công Uẩn đã suy nghĩ thấu đáo, quyết sách đúng đắn để dời đô nhưng vẫn muốn vua tôi đồng lòng, chuẩn bị tâm lý vượt gian khó chuyển kinh đô từ Hoa Lư về Đại La, mở ra nền thịnh trị của Đại Việt, cho đến nay có đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.

Chiếu dời đô

Lý Công Uẩn

Trẫm tự tay viết chiếu rằng:
Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần dời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toàn nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời.
Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương ở vào nơi trung tâm của trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi, đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.
Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định đô. Các khanh nghĩ thế nào?

(Theo Giáo trình Hán Nôm – Nguyễn Đức Vân dịch)

 


Ý kiến bạn đọc