Multimedia Đọc Báo in

Đêm Khan buôn Rào

14:18, 19/07/2010
Y Man- Phó phòng VH-TT huyện Cư M’Gar dẫn tôi vào buôn Rào (xã Cư Dliê M’nông) để nghe già Ama Rý kể khan. Và đây là lần đầu tiên tôi được nghe khan: dòng chảy mang đậm dấu ấn văn hóa - lịch sử của cộng đồng người Êđê lần lượt hiện về…
“... Hỡi các vị thần linh trên ngọn núi Cư Dliê M’nông này! Ta cho con chim Nghiếc đến gọi, chim K’rao đến kêu, chim Kút đến mời và bầy chim Biê đến báo cho mọi người. Đêm nay ta kể khan, cổng làng đã mở then cài… và con gái, con trai, người già, người trẻ đã về đông đủ…”. Lời khấn Yàng (Klei oiu yang) của già Ama Rý mở đầu đêm khan càng làm cho người nghe như được hóa thân cùng thế giới thần linh huyền ảo. Tôi không hiểu đầy đủ lắm lời khan mà già Ama Rý kể trong đêm nay, nên thỉnh thoảng phải quay sang nhờ anh bạn Y Nan dịch hộ. Tuy vậy, tôi cũng cảm nhận được không khí thiêng liêng, sùng kính bao trùm lên khuôn mặt mỗi người, nhất là trong những đoạn khan có lời cúng thần được già Ama Rý xướng lên trong đêm.
Gọi chiều. Ảnh: Đặng Bá Tiến
Gọi chiều. Ảnh: Đặng Bá Tiến
Khan (hay còn gọi là sử thi của người Êđê) luôn chứa đựng những yếu tố văn hóa nguyên hợp. Trong đó không những chỉ có ngôn ngữ giao tiếp, ngôn ngữ ca hát, đối đáp mà còn cho người thưởng thức có cơ hội bày tỏ “thông điệp” của mình gửi đến với thần linh, mà trước hết là Yàng. Và cũng có lẽ trong ý thức của con người Êđê từ cổ đại cho đến bây giờ, Yàng đã ngự trị trong mỗi suy nghĩ, việc làm … thậm chí trong mỗi hạt lúa, hạt ngô, cái chiêng, cái ché đều mang linh hồn của Yàng. “Ơ Yàng ! Tôi đã vào rừng M’rứ, xuống núi M’ rưng, vào đồi cỏ tranh, lau lách, đến nơi con thú chưa biết dấu chân người. Tôi đã leo núi nhiều hoa, xuống suối nhiều cá, nay tôi đã về nhà. Rượu một ché, trâu bảy con tôi cúng thần núi. Rượu hai ché, bò một con tôi cúng thần rừng. Rượu bảy, heo một tôi cúng thần suối. Cầu cho đất người Ê đê luôn nở hoa, cháu con ta luôn mạnh khỏe… ơ Yàng…”. Lời khan ấy của già Ama Rý tái hiện lại trong đoạn khan “Đăm Di” khiến người nghe ngất ngây. Nhờ khả năng khai thác vốn từ, nhịp điệu một cách khéo léo, nghệ nhân kể khan đã hòa nhập tài tình chất huyền thoại vào đời sống sinh hoạt tinh thần của người Êđê trong sử thi một cách sống động. Đêm kể khan ở đây chỉ có ngọn lửa cùng sự im lặng của con người, nhưng hình ảnh cúng Yàng với đầy đủ lễ vật trâu béo, bò mộng, rượu thơm dâng lên trong không gian bao la của đất trời, núi rừng sông suối M’rưng, M’rứ … thì hiện về đầy đủ. Ở đó ta như nghe thấy tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng nói của con người thông đạt với thần linh; mời tất cả trở về thưởng thức hương thơm của lúa và sự nồng nàn của men. Rồi hình như những lời khan ấy của con người trong sử thi được Yàng nghe thấy: “Chàng Xinh M’nga cầu chưa khép miệng thì trên trời đã có những đám mây đen tụ lại, những luồng gió bão bắt đầu thổi xuống trần gian… Trai làng ngồi đánh chiêng, già làng ngồi uống rượu, ăn thịt trâu bò. Giết bảy con bò chỉ ăn trong một ngày, thui bảy con trâu chỉ ăn trong một bữa. Chiêng bằng, chiêng núm cả bộ treo lên cột không bao giờ cởi giây. Tôi trai, tớ gái lên xuống cầu thang không bao giờ dứt…”
Có thể nói, trong lời khan của già Ama Rý kể có trọn vẹn một đời sống văn hóa - lịch sử của người Êđê cổ xưa hiện về, phả vào đời sống hiện tại một sức sống tràn trề. Sức sống ấy mang đầy khát vọng của con người chân chất, dung dị và hiền hậu đang hòa cùng trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam.
Đình Đối



 

Ý kiến bạn đọc