Bát Tràng - làng gốm nổi tiếng đất Thăng Long
Từ Hà Nội qua sông Hồng đi về phía hạ lưu khoảng 8km là đến làng Bát Tràng. Đây là một làng gốm sứ truyền thống nổi tiếng từ xa xưa nằm ngoại thành Hà Nội.
Bát Tràng có nghĩa là “Tràng làm Bát” nay thuộc huyện Gia Lâm. Không biết đích xác là tràng (trường) này hình thành từ lúc nào, đời nào. Chỉ biết đến thế kỷ 15 Nguyễn Trãi đã ghi trong sách địa lý của ông – Dư địa chí – rằng: “Làng Bát Tràng là nghề đồ gốm. Làng Huê Cầu nhuộm vải thâm…”. Như vậy, vào thời điểm đó Bát Tràng đã là một làng gốm nổi tiếng.
Theo truyền thuyết, người làng Bồ Bát ở Thanh Hóa ra Thăng Long lập nên phường gốm Bát Tràng ven bờ sông Hồng vào thời Lý. Đầu tiên làng có tên là “Bạch Thổ phường”, rồi sau đó đổi tên là “Bát Tràng phường”, mãi về sau mới gọi là làng Bát Tràng. Đã từ lâu, đồ gốm Bát Tràng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Theo các nhà khảo cổ ngay thời Lý, thời Trần, gốm sứ Bát Tràng đã được xuất đi nhiều nơi như Xiêm La, Nhật Bản, Pháp, Bồ Đào Nha… Qua các đợt khai quật ở cửa cảng Vân Đồn, phố Hiến đã gặp nhiều hiện vật gốm sứ Bát Tràng.
Từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, sản phẩm gốm Bát Tràng đã trở nên nổi tiếng gần xa. (Ảnh: T.L) |
Thời Lê – Mạt (thế kỷ 17,18), nghề gốm Bát Tràng đã phát triển rộng, tại Thăng Long đã có riêng hai phố phường chuyên bán các sản phẩm của làng này, đó là phố Bát Đàn và phố Bát Sứ.
Sang thời nhà Nguyễn (thế kỷ 19) vua quan chuộng hàng Tàu và đến thời Pháp thuộc thì chuộng hàng Tây, hàng Nhật tràn vào nước ta nên nghề gốm Bát Tràng bị sa sút. Cho đến khi Thủ đô được giải phóng thì nghề này mới được phục hồi, làm ăn tập thể và cuối cùng xí nghiệp gốm Bát Tràng ra đời. Giờ đây ngành gốm sứ Bát Tràng đã làm ra trên vài, ba chục mặt hàng vừa dân dụng vừa nghệ thuật. Hình dáng thanh thoát, màu men nhã, óng ả, những họa tiết hoa văn đẹp… Tất cả đã nói lên sự hòa hợp giữa cổ truyền và hiện đại.
Chính sắc thái cổ truyền và tạo hình hiện đại đã làm cho mặt hàng gốm sứ Bát Tràng thêm đẹp, thêm xinh. Các mặt hàng gốm men ngọc, men hoa lam, men rạn Bát Tràng rất đặc biệt, như bát, đĩa, đèn, chậu, chân đèn… của Bát Tràng từ xưa đã có một phong cách riêng, không lẫn lộn với gốm sứ Hương Canh, Phù Lãng, Thổ Hà…
Là một làng ven sông, nguồn đất là gốm phải đi khai thác từ Phúc Yên, Hải Dương, Đông Triều… chở về. Chỉ cần nói đến công đoạn xử lý đất sét để làm gốm sứ Bát Tràng đã thấy lắm công phu. Đất sét mang về được đổ ngâm vào hệ thống bể chứa, bể lọc. Đất sét được ngâm trong nước vài tháng cho phân rã, đánh tơi, nhuyễn trong bể chứa. Sau đó tháo xuống bể lọc cho lắng tạp chất hữu cơ và loại bỏ dần. Phần đất sét nhuyễn, sạch lắng bên dưới chuyển sang bể phơi, bể ủ. Tới đây đất sét trắng mịn mới đem sản xuất gốm sứ được.
Dụng cụ sản xuất chính của lò gốm cổ là cái bàn xoay. Bàn xoay chôn xuống đất, người thợ ngồi, châm đạp bàn xoay, tay bắt từng thỏi đất, chuốt lên thành bình, thành lọ, thành bát đĩa. Dù là thủ công như độ giống nhau khá cao khi thành phẩm. Mãi sau này mới dùng đến khuôn thạch cao để tạo nên sản phẩm gốm mộc. Ngày nay, số hàng gốm chuốt tay ở Bát Tràng còn duy trì song rất ít. Đa số là hàng rót khuôn vì thế năng suất rất cao.
Khi gốm mộc được phơi khô, chuyển qua công đoạn vẽ và tráng men. Men gốm Bát Tràng từ xưa đã được xếp hàng nhất so với các vùng gốm khác ở nước ta. Bí quyết pha men ở đây không dễ gì thợ gốm các nơi khác bắt chước được.
Qua từng giai đoạn sản xuất, người thợ gốm Bát Tràng lại cải tiến và tạo nên nhiều kiểu lò nung cho thích hợp. Từ kiểu lò cổ truyền như lò ếch, sang lò đàn, lò bầu, lò hộp… mỗi loại lò nung lại thích hợp với loại sản phẩm khác nhau. Nguyên liệu để đốt lò bằng cỏ khô, củi, rồi tiến đến than đá, nay có lò thì đốt bằng ga, bằng điện đã dần nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành.
Ngoài các mặt hàng gốm sứ gia dụng thông thường đã nói ở trên thì gạch Bát Tràng cũng nổi tiếng từ xưa qua ca dao dân gian:
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.
Ý kiến bạn đọc