HUYỆN KRÔNG NĂNG:
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa: Nhìn từ các phong trào văn nghệ quần chúng
Từ những năm tháng mới vào lập nghiệp, người dân các tỉnh phía Bắc và khu vực miền Trung ở huyện Krông Năng đã có ý thức trong việc bảo tồn nét đặc trưng của văn hóa quê hương mình. Đó là sự duy trì hoạt động các đội ngũ văn nghệ quần chúng trên vùng đất cao nguyên nhiều gian khó, để hôm nay nó trở thành bản sắc riêng của mỗi miền dân tộc.
Huyện Krông Năng có 23 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 31,24%. Cùng với đời sống, hoạt động văn hóa của các dân tộc thiểu số tại chỗ, các dân tộc anh em khác sống trên địa bàn hết sức phong phú. Ngoài các lễ hội đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa như lễ hội cầu mùa, lễ cúng bến nước, lễ hội cồng chiêng, hát đối, kể khan, lễ hội ném còn, lễ cúng heo quay, lễ hội cầu mưa… thì các hoạt động văn nghệ quần chúng cũng được duy trì và tổ chức thường xuyên qua các hội thi, hội diễn. Tất cả thôn, buôn, xã đều có những đội văn nghệ đặc trưng cho văn hóa vùng đất, quê hương của mình, có thể là những làn điệu chèo, câu hát quan họ vùng kinh Bắc, câu hát ca trù, hát bài chòi của miền Trung, hay đội cồng chiêng của đồng bào Êđê.
Nói đến các đội văn nghệ quần chúng ở đây có thể kể đến Câu lạc bộ (CLB) dân ca - quan họ ở thôn Phú Xuân (xã Phú Lộc), thôn Bắc Trung (xã Ea Tân), thôn Tân Hiệp (xã Ea Toh); CLB đàn tính - hát then ở xã Ea Tam; CLB ca trù, hát bài chòi ở xã Phú Xuân; CLB cồng chiêng ở buôn Wiâo (thị trấn Krông Năng), buôn Ngoan (xã Ea Hồ) và hầu hết các thôn, buôn đều có đội văn nghệ tự phát. Các đội văn nghệ này xuất hiện từ những năm 90, khi những người dân này vào Dak Lak làm kinh tế mới, họ “đem theo” câu hát quê hương để làm niềm vui cho cuộc sống ở vùng đất mới. Lâu dần, những điệu hò, câu hát này trở thành đời sống tâm hồn của họ. Làn điệu dân ca – quan họ Hưng Yên đang được người con quê hương họ ở xã Phú Lộc lưu truyền cho thế hệ mai sau. Chị Trần Thị Hải (thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc) vui vẻ nói: “Chúng tôi thành lập lập CLB dân ca – quan họ vừa là một hình thức giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc, vừa để lưu giữ nét văn hóa của quê hương nơi vùng đất mới. Không những thế, đây còn là dịp để cho thế hệ trẻ kế tục và phát triển bản sắc của quê hương mình”. Hiện nay, trên địa bàn xã Phú Lộc hầu hết các thôn tập trung dân miền Bắc đều có các đội văn nghệ quần chúng và thường xuyên tham gia vào các hội thi, hội diễn dân ca – quan họ do xã, huyện tổ chức. Không riêng gì ở xã Phú Lộc, mà các xã như Ea Tân, Ea Toh, Phú Xuân, Ea Tam, Dliê Ya… đều có các đội văn nghệ đặc trưng cho vùng đất quê hương họ đã từng sinh sống.
Câu lạc bộ dân ca - quan họ thôn Bắc Trung (xã Ea Tân) trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng đợt I-2007 của huyện. |
CLB đàn tính, hát then ở xã Ea Tam trở thành nơi gặp gỡ, tâm tình của những người dân tộc Tày, Nùng, Thái và cũng là dịp để truyền dạy cho con cháu tiếp nối truyền thống cha ông, làm phong phú đời sống tinh thần. Mỗi khi có hội diễn nghệ thuật quần chúng ở địa phương, CLB lại sôi nổi, nhiệt tình tập luyện, mặc dù bận với mưu sinh hằng ngày, nhưng niềm yêu thích và đam mê hát then, đàn tính chưa bao giờ vơi cạn trong họ. Cũng không kém phần sôi nổi, CLB ca trù, hát bài chòi (xã Phú Xuân) trở thành một sân chơi đầy hứng khởi sau giờ làm việc mệt nhọc. Hát ca trù kết hợp với một số nhạc khí: phách, đàn đáy, trống chầu đã bộc lộ được sự quyến rũ, thanh tao và độc đáo. Đến những câu hát bài chòi vừa mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống hiện đại, vừa chứa đựng vẻ dịu dàng, duyên dáng của một nét văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa.
Trong khi lớp trẻ đang thờ ơ với các loại hình ca hát dân gian thì việc phát triển các đội văn nghệ quần chúng trở thành một phương thức tuyên truyền, gìn giữ và tiếp nối truyền thống dân tộc hiệu quả, thiết thực nhất. Riêng với đồng bào thiểu số, ở huyện Krông Năng cũng đã phát triển các CLB cồng chiêng từ người già đến trẻ nhỏ, cả trong cộng đồng dân cư đến các trường học. Đội chiêng buôn Wiâo được thành lập từ năm 1987, gồm 8 người chơi giỏi nhất buôn. Người cao tuổi nhất là già Y Brut Niê, 80 tuổi, những người còn lại cũng đã già. Hầu hết họ đều có thâm niên chơi chiêng từ 40-60 năm. Trẻ nhất là nghệ nhân Y Wơn Niê, 49 tuổi, chơi chiêng đã 40 năm nay, dù lưng hơi còng, nhưng tay chân vẫn còn rắn rỏi. Già Y Ơn Mlô, 75 tuổi, đội trưởng đội chiêng buôn Wiâo tâm sự: “Đánh chiêng nó ngấm vào máu thịt của mỗi đứa trẻ Êđê, già thì biết đánh chiêng từ lúc lên 10 tuổi, để đánh được chiêng đòi hỏi phải để ý nhìn và nghe người già chơi. Giờ trong buôn cũng đã có 2 đội chiêng trẻ để tiếp nối các già”.
Krông Năng hiện có gần 200 nghệ nhân đàn, hát dân ca,... 100% xã, thị trấn có Đội văn nghệ quần chúng, 80% số thôn buôn có đội văn nghệ; hằng năm tổ chức được 4 đợt công diễn văn nghệ quần chúng phục vụ nhân dân. “Mặc dù mang tính tự phát, nhưng các đội văn nghệ quần chúng ở địa phương ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều đơn vị thường xuyên tham gia các hội thi, hội diễn mang tầm khu vực, quốc gia, quốc tế như đội chiêng buôn Wiâo, CLB dân ca – quan họ thôn Bắc Trung...”, anh Trương Quang Huy, chuyên viên Phòng văn hóa huyện cho biết. Từ đây tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ; góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân địa phương.
Ý kiến bạn đọc