Multimedia Đọc Báo in

Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên: Đủ “sức” và “tầm” sánh vai cùng các vùng miền khác

07:06, 22/08/2010

Đó là sự khẳng định của họa sĩ ĐẶNG MẬU TỰU, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Triển lãm Mỹ thuật khu vực V, Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ XV khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Dak Lak bên lề Triển lãm.

*Thưa ông, qua quá trình chấm giải triển lãm lần này, ông có đánh giá gì về các tác phẩm tham gia triển lãm?

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu trả lời phỏng vấn.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu trả lời phỏng vấn.

- Để đánh giá về các tác phẩm tham gia triển lãm lần này, phải nói rằng số tác phẩm của 9 tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên gửi đến là hết sức có chất lượng. Chất lượng ở đây thể hiện trong sự tìm kiếm, trong những ý tưởng đạt được của từng tác phẩm và trong các chất liệu thể hiện. Có thể thấy, những điều mà các tác giả muốn đề cập đến, những vấn đề gắn liền với đời sống xã hội hoặc đang được quan tâm… trong từng tác phẩm được thể hiện một cách rõ rệt và không sống sượng mà nó đi vào từng ngõ ngách của đời sống, phản ánh hiện thực một cách đầy đủ qua hình thái nghệ thuật. Chất lượng ở đây còn thể hiện ở chỗ là ngôn ngữ nghệ thuật rõ ràng, khúc chiết, tạo nên những tiết điệu trong nghệ thuật; mỗi tác phẩm đều chứa đựng những giá trị nhân văn cũng như cái nhìn, sự nghiêm túc về nghề nghiệp của từng tác giả trong tác phẩm của mình. Mặc dù Nam miền Trung có những tỉnh nằm ở vùng “rẻo cao”, đặc biệt là ở vùng Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum… có đặc điểm phân bố các họa sĩ không đều; một số họa sĩ là người dân tộc thiểu số, họ đã cố gắng để thể hiện phong cách nghệ thuật của mình, phản ánh đời sống của dân tộc mình trong những tác phẩm, bằng sự hết sức “nên thơ” – tôi không muốn nói “ngây thơ” mà là “nên thơ”. Có thể năng lực làm việc của họ chưa đạt được yêu cầu của bản lĩnh nghề nghiệp, nhưng về cái tình của họ thì ngập tràn và đầy sức sáng tạo thể hiện trên tác phẩm. Chính vì lẽ đó các họa sĩ đã gây được những xúc cảm nhất định trong mỗi tác phẩm của mình.

*So với mặt bằng chung của cả nước, mỹ thuật khu vực này đang đứng ở vị trí nào?
- Hiện nay Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam đi từ Bắc đến Nam để có được một sự xuyên suốt nhằm theo dõi sự phát triển của các tỉnh và so sánh với nhau. Và điều mà Hội đồng nghệ thuật muốn làm, muốn thực hiện được đó là làm sao để nhìn thấu suốt được quá trình làm việc của các họa sĩ trong nước, thấy được mặt bằng chung, một mặt bằng hết sức hợp lý để giải quyết các vấn đề tồn tại (nếu có). Chúng tôi đã từng qua TP. Hồ Chí Minh, miền Tây Nam bộ, rồi đến Tây Nguyên… và có thể nói rằng: Sức vóc của mỗi vùng miền trên một cơ sở mặt bằng chung thì không nơi nào thua nơi nào. Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung – Tây Nguyên đủ “sức” và “tầm” sánh vai với các vùng miền khác, đó là điều đáng mừng. Nhiều khi ở các tỉnh nhỏ cứ có suy nghĩ mặc cảm bởi cho rằng nghệ thuật của mình không bằng các tỉnh thành lớn ở hai đầu đất nước, điều đó là không đúng. Rõ ràng có thể thấy một sự công bằng trong nghệ thuật, anh phát triển đến đâu thì điều đó sẽ được thể hiện và được nhìn rõ, đánh giá bởi sự công tâm của công chúng yêu nghệ thuật.

Đông đảo công chúng yêu nghệ thuật đến xem Triển lãm.
Đông đảo công chúng yêu nghệ thuật đến xem Triển lãm.


*Ông có nhận xét gì về triển vọng mỹ thuật ở khu vực Nam miền Trung – Tây Nguyên?
- Điều này tùy thuộc vào các tác giả. Tôi cho rằng chất liệu sống là điều hết sức quan trọng, nếu anh biết khai thác chất liệu sống ở ngay chính quê hương mình và thể hiện, nói lên được cái hồn của nó, thì chắc chắn, nhất định sẽ thành công. Bởi người ta đến với tác phẩm nghệ thuật, hay nói cách khác, công chúng đồng cảm với tác giả thông qua tác phẩm là bằng cái hồn, chứ không phải bằng những kỹ thuật. Kỹ thuật dùng để thể hiện, đưa tâm hồn bay bổng, đưa tâm hồn gặp gỡ tâm hồn, chứ không phải dùng kỹ thuật đó để “lòe” thiên hạ. Cho nên tôi nghĩ rằng nếu biết khai thác được tính dân tộc, khai thác được mạch ngầm văn hóa của vùng đất mình đang sống, đồng thời kết hợp giữa tính hiện đại của chất liệu và tính dân tộc trong tư duy của mình thì chắc chắn sẽ phản ánh được những đặc trưng riêng của từng địa phương, từng vùng miền, từ đó đưa nghệ thuật sống động, phát triển đi lên. Đó cũng chính là cái đích mà những người làm nghệ thuật muốn khai thác, gửi gắm và hướng đến.

 

Lan Anh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.