Multimedia Đọc Báo in

Người giữ hồn cho chiêng

09:03, 16/08/2010

Văn hóa cồng chiêng là nét đặc thù của các dân tộc Tây Nguyên. Từ bao đời nay, cồng chiêng đã gắn bó mật thiết với các dân tộc Tây Nguyên. Cồng chiêng cùng người dân các dân tộc Tây Nguyên bước vào lễ cầu mùa cúng thần linh để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, khoai lúa tốt tươi, mùa màng bội thu; trong lễ mừng cơm mới; lễ ăn trâu; lễ nhập voi về buôn; lễ cúng bến nước hay các lễ hội đầu năm khi xuân về tết đến… Cồng chiêng không chỉ có mặt cùng người dân các dân tộc Tây Nguyên trong các lễ hội vui tươi mà còn cùng con cháu đưa tiễn người thân đã quá cố về với tổ tiên. Có thể nói, cồng chiêng gắn bó với người dân các dân tộc Tây Nguyên như hình với bóng và trở thành biểu tượng tinh thần và là nét đặc thù của văn hóa Tây Nguyên.

Là một người con của dân tộc Êđê, lại được ông cha dạy cho nghệ thuật đánh cồng chiêng, Y Hiu Niê Kđăm ở buôn M’Druk, phường Ea Tam (Buôn Ma Thuột) đã có ý thức gìn giữ nền văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, ông cùng các nghệ nhân khác cùng nhau góp sức bảo tồn và gìn giữ nét đẹp sinh hoạt văn hóa cồng chiêng và đã góp phần xây dựng 35 đội cồng chiêng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

 

Từ khi các loại nhạc nước ngoài du nhập vào Việt Nam và ngày càng thịnh hành đã cuốn hút nhiều thanh niên say mê với nhạc ngoại, không còn gắn bó với cồng chiêng. Đó là điều khiến ông trăn trở, nhiều đêm không ngủ. Y Hiu day dứt suy nghĩ: “Chẳng lẽ một cái chiêng trước đây có được là phải đổi biết bao nhiêu trâu bò giờ đây lại thành vật vô hồn để con người đem bán cho những kẻ đi mua đồng nát? Làm sao cho lớp trẻ bây giờ biết quý trọng cồng chiêng? Không giữ được hồn cho chiêng là mình có tội với cha ông, có tội với buôn làng lắm!...”. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa cồng chiêng, thành phố Buôn Ma Thuột đã triển khai tổ chức các lớp dạy đánh cồng chiêng trong các buôn dân tộc trên địa bàn thành phố. Điều này làm cho Y Hiu vô cùng phấn khởi. Thế là nỗi băn khoăn của ông giờ đây đã được giải đáp và ông có cơ hội đem tài nghệ của mình truyền lại cho con cháu. Vì vậy nên, mặc dù rất bận với công việc nương rẫy, nhưng đêm đêm, Y Hiu lại đạp xe đến các buôn của đồng bào dân tộc có lớp dạy cồng chiêng để truyền nghề cho lớp trẻ, giúp các em hiểu được giá trị văn hóa cồng chiêng mà cha ông để lại, biết đánh cồng chiêng và thưởng thức cái hay, cái đẹp của văn hóa cồng chiêng. Từ năm 2000 đến nay, Y Hiu đã truyền dạy cho trên 20 đội cồng chiêng trẻ với hàng trăm thiếu niên theo học các lớp đánh cồng chiêng. Nhờ sự tận tình dạy bảo của ông mà sau 3 tháng tham gia lớp học này các em đã biết đánh cồng chiêng thành thạo. Từ các lớp học này, sinh hoạt cồng chiêng trong các buôn đồng bào dân tộc trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột dần được hồi sinh trở lại. Tiếng cồng, tiếng chiêng giờ đây lại ngân nga trong các sinh hoạt thường ngày của từng buôn làng và tích cực tham gia các lễ hội văn hóa do TP. Buôn Ma Thuột và tỉnh Dak Lak tổ chức. Nhiều tiết mục của các em tham gia học lớp đánh cồng chiêng do ông truyền dạy trong các năm qua đã đoạt huy chương vàng, huy chương bạc trong các kỳ Hội diễn. Với sự đóng góp trong việc giữ gìn và phát huy nền văn hóa cồng chiêng, ông đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian; được Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương Vì sự phát triển các dân tộc; được thành phố  Buôn Ma Thuột tặng nhiều giấy khen về bảo tồn văn hóa dân tộc.

Y Hiu còn là người có lối sống giản dị, hăng say lao động sản xuất, góp phần xây dựng buôn làng nên đã được TP. Buôn Ma Thuột tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm (2005-2009) và được Thành ủy Buôn Ma Thuột công nhận là cá nhân điển hình trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong 3 năm liền (2007-2009).

Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột gọi ông là người giữ hồn cho chiêng. Còn Y Hiu lại tự hứa với lòng mình: mặc dù bây giờ tuổi đã gần 60, nhưng còn sức thì vẫn còn đến các buôn đồng bào dân tộc thiểu số truyền dạy nghệ thuật đánh chiêng cho lớp trẻ để tiếng cồng, tiếng chiêng Tây Nguyên luôn mãi vang xa.

 

 Lê Anh Chới

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.