Multimedia Đọc Báo in

Trò chuyện với... tượng nhà mồ

09:35, 08/08/2010

Kpă Thin, một trong những nghệ nhân tạc tượng nhà mồ lâu năm (ở xã Ea Sol - huyện Ea H’leo) nói rằng: Phong tục của người Jrai, Êđê đều rất coi trọng vườn (cụm) tượng trong những khu nhà mồ của dòng tộc mình. Bởi trong quan niệm của họ, tượng nhà mồ được làm ra và đem đặt ở đó được coi như gạch nối giữa người còn sống với người đã mất. Giữa hai thế giới (sống-chết) tưởng chừng như đứt đoạn ấy lại gặp nhau thông qua suy tư nhiều chiều của con người và nhân gian ký thác, gửi gắm trong từng bức tượng. Vì thế tượng nhà mồ là một thế giới sống động, mỗi tác phẩm được tạo nên là một “cuộc trò chuyện” giữa người sống và người chết. Theo Kpă Thin, ngôn ngữ của cuộc trò chuyện ấy được ẩn giấu, “mã hóa” trong từng sắc thái tình cảm của vườn tượng.

Gạt đi yếu tố nghệ thuật xưa nay coi tượng nhà mồ là một loại hình điêu khắc dân gian độc đáo của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, ở đây nó còn hàm chứa khát vọng nhân sinh muôn thuở của con người: vui - buồn, khổ đau - hạnh phúc và hoan lạc… Theo quan niệm của người bản địa, tất cả những cảm xúc ấy không chỉ hiện hữu nơi trần thế, mà ở “thế giới bên kia” cũng vậy, những giá trị nhân sinh đó vẫn tiếp diễn như một mạch sống vĩnh hằng. Bởi thế, khi đến một khu nhà mồ nào đó của đồng bào Tây Nguyên, người ta nhìn vào từng bức tượng và những thông điệp được “mã hóa” trên đó để có thể nhận biết “người nằm xuống” là ai, có tình cảm và khát vọng gì ? Dĩ nhiên, mối dây liên hệ sâu thẳm ấy chỉ có  người trong cuộc mới hiểu hết.

Tượng nhà mồ là nét đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc dân gian Tây Nguyên. Trong ảnh: Các nghệ nhân Dak Lak tham gia trại sáng tác điêu khắc gỗ dân gian Tây Nguyên. (Ảnh: Lê Hương)
Tượng nhà mồ là nét đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc dân gian Tây Nguyên. Trong ảnh: Các nghệ nhân Dak Lak tham gia trại sáng tác điêu khắc gỗ dân gian Tây Nguyên. (Ảnh: Lê Hương)
Kpă Thin bảo: Một bức tượng mẹ bồng con với đôi tay quấn quýt, nét mặt rạng ngời niềm vui hạnh phúc hay một người đàn ông lưng trần, vai mang xà gạc, hoặc ngồi đăm chiêu, suy tư với tẩu thuốc trên môi… được đặt bên cạnh những ngôi mộ trong khu nhà mồ mà chúng ta thường thấy là “phiên bản” được lưu lại cho người đã mất. “Phiên bản” ấy không chỉ là ký ức lắng đọng nhất của người sống dành cho người đã khuất, mà còn chứa đựng cả ý nguyện, khát vọng của những số phận đã chia lìa với cõi nhân gian. Kpă Thin là nghệ nhân tạc tượng nhà mồ lâu năm nên ông cảm nhận được điều đó hơn ai hết. Ông chia sẻ: Trước khi bắt tay tạc một bức tượng nhà mồ, nghệ nhân nào cũng phải nắm bắt trọn vẹn tình cảm, tâm tư của “thân chủ”. Họ và người thân đã mất muốn gì, hay nói đúng hơn là cuộc “trò chuyện” giữa hai phía được gói ghém trong bức tượng diễn ra theo tình cảm của con người. Ví như tượng mẹ bồng con được miêu tả ở trên, Kpă Thin nói chắc rằng, người quá cố là một phụ nữ gặp bất hạnh lúc sinh nở, khiến không được “mẹ tròn, con vuông”, nên người thân tạc tượng và đặt tượng cho họ không ngoài mục đích “tái tạo” sự viên mãn, hạnh phúc cho người sống lẫn người đã mất. Và cái sự tái tạo cuộc sống theo hướng tích cực, nhân văn ấy thông qua những bức tượng nhà mồ của người Tây Nguyên là cả một năng lực thật sự làm nên vốn văn hóa đặc sắc và độc đáo của họ trong nhận thức về sự sống - chết, hữu hạn - vô hạn, hiện thực và mơ tưởng…

Tiếc thay, những yếu tố văn hóa trên chưa được các nhà nghiên cứu chú tâm tìm hiểu nhiều hơn để có thể “văn bản hóa” các giá trị ấy lại dưới nhiều hình thức, qua đó cùng với các thiết chế văn hóa được định ra của cơ quan chức trách giáo dục, kêu gọi ý thức gìn giữ, bảo tồn những khu tượng nhà mồ vốn bị xâm hại nghiêm trọng như hiện nay vì nạn trộm cắp, sự thờ ơ của con người và cả sức tàn phá của thời gian.

 

Phương Đình

 


Ý kiến bạn đọc