CỬU ĐỈNH HUẾ - Tượng đài văn hóa Việt
11:09, 13/11/2010
Ai đã một lần đặt chân đến Huế hẳn không khỏi tự hào khi được chiêm ngưỡng 9 đỉnh đồng lớn đặt trước Hiển Lâm Các, đối diện với Thế Miếu trong đại nội, trên đó được chạm trổ nhiều hoa văn phong cảnh sông, núi, biển, đèo… rất công phu tinh xảo, và được ví như là “bách khoa thư” về nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX.
Theo sử sách nhà Nguyễn, ý tưởng thiết kế Cửu Đỉnh là của vua Minh Mạng. Ông là người tinh thông văn võ, là kiến trúc sư về ý tưởng cho việc xây dựng Kinh đô Huế, hiện là Di sản Văn hóa Thế giới. Vua dụ rằng “Trẫm xem xét đời xưa, đúc đỉnh theo hình các vật, nhưng đồ cổ còn ít, những người biên chép ghi lại có chỗ không đúng, chép ra toàn là của vạc nấu ăn, còn như đỉnh cao lớn và nặng, thì không những gần đây không có mà đến đời Tam đại cũng ít nghe thấy. Nay bắt chước người xưa mà lấy ý thêm bớt, đúc thành chín đỉnh to, sừng sững đứng cao, nguy nga kiên cố, không chút sứt mẻ, đáng làm của báu, con con cháu cháu, giữ mãi không bao giờ hết”. Các hình ảnh được Vua trực tiếp chọn và giao cho Bộ Công chỉ đạo hàng trăm thợ đúc đồng phường Đúc Huế và thợ giỏi khắp nước về thi công. Mỗi cái nặng trên dưới 2 tấn, được khởi đúc từ cuối năm 1835, hoàn thiện xong tháng 6-1837. Cửu đỉnh là sự kết hợp tuyệt vời giữa bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đúc đồng Việt Nam với ước mơ về một sự trường tồn, vĩnh bền lâu dài của đất nước. Về tên gọi Vua ra Chỉ dụ đặt tên cho từng Đỉnh theo thứ tự: Đỉnh lớn ở giữa là Cao Đỉnh, cao 2,02m, đường kính 1,61m; Nhơn Đỉnh 1,9m - 1,62m; Chương Đỉnh 1,88m - 1,6m; Anh Đỉnh 1,875m - 1,61m; Nghị Đỉnh 2,08m - 1,63m; Thuần Đỉnh 1,88m - 1,60m; Tuyên Đỉnh 1,98m - 1,60m; Dụ Đỉnh, Huyền Đỉnh đều 1,88m và 1,61m. Mỗi cái tên mang một ý nghĩa khác nhau, theo ý tưởng của vua Minh Mạng, mở đầu là Cao - tức người khởi dựng, tượng trưng cho sự vĩ đại; Nhân là lòng tốt, tượng trưng cho đức; Chương là sự gương mẫu, ánh sáng; Anh là tài giỏi vinh hạnh, hiển đạt; Nghị là ý chí kiên cường, cương nghị; Thuần là sự hoàn thiện, phong phú; Tuyên là sự hài hòa, tinh thông; Dụ là nền tảng thịnh vượng; Huyền, ứng với nơi sâu thẳm. Trên mỗi đỉnh có 17 hình chạm khắc, chia thành 3 hàng: hàng trên có chim, hoa quả, ngũ cốc…, hàng giữa (mặt chính Bắc) khắc tên đỉnh và phong cảnh sông, núi, biển, đèo, trên mặt chính Nam có hình các thiên thể, tinh tú trên trời, hàng dưới được thể hiện các hình rùa, ba ba, cá sấu, thuyền, xe cộ, các loại thú… khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. 9 đỉnh có 153 hình ảnh chạm khắc nổi với hàng ngàn đường viền, lượn, hoa văn vô cùng tinh xảo. Để làm được 9 đỉnh này, Triều đình phải huy động hàng trăm nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng khắp nước về Kinh đô làm việc suốt hơn một năm trời. Tổng số đồng để đúc 9 đỉnh là 22.473kg.
Cửu đỉnh là một cuộc triển lãm những tác phẩm mỹ thuật rất tinh tế của những nghệ nhân tài hoa, là biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước và ước mơ triều đại mãi vững bền, hùng mạnh. Tất cả 153 mảng hình trên Cửu đỉnh là 153 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng nước ta, giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học hồi đầu thế kỷ XIX. Cửu đỉnh còn được coi là bách khoa thư về cuộc sống con người Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ XIX, là di sản văn hóa quý hiếm, có giá trị nhiều mặt của văn hóa Huế nói riêng, cả nước nói chung.
Tuấn Anh
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc