Multimedia Đọc Báo in

Thương nhớ… thổ cẩm

14:34, 11/11/2010
Những cuộc “chia tay” của nhiều nghệ nhân với thổ cẩm đang là một thực tế buồn trên địa bàn Dak Lak nói riêng và cả Tây Nguyên nói chung. Điều đó còn có nghĩa là bản sắc văn hóa của các tộc người bản địa ở đây đang đứng trước nguy cơ mai một…
 
Đầu ra bế tắc (!)
Chỉ cần dạo quanh thành phố Buôn Ma Thuột để tìm hiểu thị trường thổ cẩm, bất kỳ ai cũng thấy đầu ra cho sản phẩm này thật sự gặp khó khăn. Những cửa hiệu bán đồ lưu niệm, trong đó có thổ cẩm của các dân tộc Êđê, J’rai, M’nông… thi thoảng mới được khách phương xa tìm mua một vài món (chủ yếu là túi xách, bóp, khăn choàng), còn những mặt hàng “cổ điển” khác như váy áo, tấm đắp… thì tuyệt nhiên không thấy. Chi H’Lung Niê ở buôn A Kô Dhông (phường Thắng Lợi - TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự: “Mặc dù đã thay đổi mẫu mã, sản phẩm thổ cẩm cho phù hơp với thị hiếu khách hàng, nhưng để tiêu thụ được nó không phải là chuyện dễ dàng”. Được biết, hàng hóa của chị em ở buôn này làm ra đem đi ký gửi tại các Shop trong phố, cũng như tại những điểm du lịch có khi mất mấy tháng trời mời bán được. Tính ra không sống nổi với nghề nên ngày càng có nhiều người đành ngậm ngùi chia tay với thổ cẩm. Và cũng vì thế, không chỉ trong các buôn làng vắng hoe khung cửi, mà ngay cả trong những Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm được thành lập nhiều năm trước đây, giờ cũng lay lắt, eo sèo. Có nơi thì đã giải thể như HTX dệt thổ cẩm AlêA (phường Ea Tam-Buôn Ma Thuột); có nơi đóng cửa suốt cả gần hai năm nay như HTX dệt thổ cẩm Dăm Ye nằm ngay cửa ngõ thành phố Buôn Ma Thuột, cạnh quốc lộ 14. Đến nay chỉ còn lại HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao-Buôn Ma Thuột) là hoạt động cầm chừng. Mỗi tháng một xã viên làm được chừng 1-2 sản phẩm (khăn tay, túi xách), sau đó gom lại đem đi bán dạo, hoặc nhờ người quen tiêu thụ giúp, nhưng vẫn chẳng ăn thua gì. Chị H’Dăm Niê, Chủ nhiệm HTX than thở: Cố chạy vạy ngược xuôi để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, song đã vài năm nay vẫn không cải thiện được chút nào. Trước tình trạng ấy, Chị H’Dăm bảo, đã có nhiều chị em phải rời xa khung dệt để bươn bả trồng trọt, hoặc chăn nuôi kiếm sống.
Xã viên HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao - BMT) trăn trở với sản phẩm thổ cẩm của mình.
Xã viên HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao - BMT) trăn trở với sản phẩm thổ cẩm của mình.
Bây giờ nhiều nghệ nhân bảo rằng, “thăng trầm” theo nghề thổ cẩm không hẳn là để mưu sinh, mà vì thương nhớ một nét văn hóa của cha ông bao đời để lại. Nếu đành đoạn chia tay với thổ cẩm, có nghĩa là phải rời xa, rồi dần mất đi vốn văn hóa đặc sắc đã từng thấm vào máu thịt của các cộng đồng dân tộc ở Tây Nguyên này!
 
Nâng niu văn hóa thổ cẩm
Chị H’Miriam (HTX thổ cẩm Tơng Bông) và Mí Ciu Jim (HTX thổ cẩm Alê A) đã nhiều năm nay không còn làm hàng thổ cẩm để bán nữa,  thỉnh thoảng nhớ nghề, nhất là nhớ màu sắc, hoa văn trên tấm thổ cẩm của dân tộc mình phai nhạt, không còn ai biết nữa nên thỉnh thoảng họ lại ngồi bên khung dệt để làm một vài mẫu, vừa tặng cho người thân, vừa bày vẻ cho con cháu khỏi quên cái nghề truyền thống của ông bà.
 
Theo nữ Tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông (Trường ĐH Tây Nguyên) thì chị H’miriam và Mí Ciu Jim là hai trong nhiều nghệ nhân thuần thục và am tường về thổ cẩm nhất hiện nay ở Buôn Ma Thuột. Họ không những dệt giỏi, mà còn nắm vững các kỹ năng chắp sợi, phối màu tạo ra những mẫu hoa văn đích thực của dân tộc Ê đê bản xứ. Chị Tuyết Nhung cho rằng, mất đi thổ cẩm không bằng mất đi vốn văn hóa thấm sâu trong đó, để cùng với những sắc thái khác như ăn mặc, hát múa, kiến trúc… hình thành và định danh nên một đời sống văn hóa đặc thù và đầy bản sắc. Vì thế gần đây, rảnh rỗi lúc nào là chị cất công tìm gặp những nghệ nhân có vốn hiểu biết sâu dày về văn hóa thổ cẩm như H’miriam, Mí Ciu Jim… để lưu giữ lại cho mai này. Tiến sĩ Tuyết Nhung khái quát rằng,  thổ cẩm là một loại vải thô được dệt thủ công bằng tay của các dân tộc thiểu số. Ở đó, tùy vào óc tư duy nghệ thuật và trình độ phát triển kinh tế mà mỗi dân tộc có mỗi cách phô diễn khác nhau về kỹ thuật dệt, màu sắc và đường nét hoa văn…nhằm đạt đến một giá trị văn hóa nhất định trên nền thổ cẩm của chính mình
 
So với các dân tộc ít  người ở Tây Nguyên, người Ê đê có truyền thống và bản sắc thổ cẩm khá ấn tượng. Trong kỹ thuật dệt của họ chủ yếu dùng phương pháp chắp vải để tạo hoa văn. Và việc bố cục màu sắc đối với các nghệ nhân là hết sức quan trọng. Màu sắc truyền thống của người Ê đê thể hiện trên những sản phẩm thổ cẩm (váy, khố, áo, tấm đắp…) là những màu đen, đỏ và trắng. Tuy phổ màu của dân tộc này không phải là phong phú lắm, nó rất hạn chế cho nghệ nhân khi tung hứng trên khung dệt, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, không vì thế mà thổ cẩm của họ không “bắt mắt” bởi họ biết cách phối màu hợp lý, tạo ra những đường nét sống động và tinh tế, đạt đến phong cách ổn định và riêng biệt. Nhất là hai màu đen, trắng được người Ê đê (và các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung) sử dụng nhiều nhất. Hầu như nó được dành riêng để làm nền cho mặt trang trí, chính nhờ sự tương phản mạnh mẽ đó mà thổ cẩm ở đây rất khỏe khoắn, ấn tượng. Các họa tiết hoa văn trên thổ cẩm đều được biểu diễn dưới dạng hình học (như hình tròn, tam giác, hình thoi, răng cưa, hồi văn, kỹ hà và đường song song…) trùng lắp. Tất nhiên cũng theo thời đại, khu vực mà những họa tiết hoa văn này có sự biến chuyển và thay đổi khác nhau. Nhưng nhìn chung, từ trước đến nay, hoa văn trên thổ cẩm của người Ê đê đã đạt đến một phong cách nhất định về mặt hình học hóa trong tư duy nghệ thuật. Hoa văn hình học của họ được liên tưởng đến các con vật và những sinh hoạt dễ thấy trong đời sống như: người giã gạo, gùi nước, săn thú… Dù là hình học hóa trong hoa văn thổ cẩm, nhưng vẫn bảo đảm tính trong sáng, rành mạch và hiện thực. Có nghĩa là trong tư duy nghệ thuật của họ luôn bám sát tự nhiên, chứ không đi vào khuynh hướng hình học phi lý, hay thách đố. Nhờ thế mà tính độc đáo trong bản sắc thổ cẩm của tộc người Ê đê luôn đậm đà, hấp dẫn.
 
Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc đầu tư cho thổ cẩm sống được và sống lâu là vấn đề nan giải, bởi một điều quá cũ là những người làm nên thổ cẩm đang thiếu vốn và điều quan trọng hơn là họ không thể “chung thủy” với nghề này bởi thị trường đầu ra quá thăng trầm và lận đận. Những cuộc “chia tay” với thổ cẩm của nhiều nghệ nhân đang là hiện thực bức xúc, mặc dù ai cũng biết, để phát triển một ngành nghề truyền thống như thế thì không thể không có họ - những người luôn nặng lòng về thổ cẩm.
Nguyễn Đình
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.