Người say mê văn hóa Tây Nguyên
Hơn 30 năm qua, chị Ngô Thị Kim Cúc (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dak Nông) đã đi khắp các buôn làng ở Dak Lak - Dak Nông sưu tầm những hiện vật văn hóa Tây Nguyên để thực hiện ước mong lập một bảo tàng tư nhân đầu tiên về văn hóa Tây Nguyên.
“Từ lúc bắt đầu đi làm, mình đã sưu tầm những đồ dùng quen thuộc của người Tây Nguyên. Trong những chuyến đi về các buôn làng, đồng bào thường tặng mình quả bầu, ống tre, chiếc vòng tay…, mình đem về cất giữ và ghi lại xuất xứ những đồ vật đó”, chị Cúc bắt đầu câu chuyện sưu tầm văn hóa Tây Nguyên của mình như thế. Tốt nghiệp Trường Lý luận và Nghiệp vụ 2, chị Cúc về làm việc ở Phòng Bảo tàng và bảo tồn của Ty Văn hóa - Thông tin Dak Lak (nay là Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch). Công việc của một cán bộ làm công tác bảo tàng, bảo tồn thường phải đi đến tận các buôn làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh nên chị có điều kiện tiếp cận và sưu tầm hiện vật văn hóa các dân tộc M’nông, Êđê, Xê Đăng… Mỗi kỷ vật được đồng bào tặng, chị cất giữ cẩn thận và ghi lại xuất xứ của nó. Chị còn chắt chiu tiền lương để mua lại những hiện vật mà đồng bào không dùng nữa. Đồng bào Tây Nguyên quan niệm mọi vật quanh họ đều có linh hồn nên muốn bán cái gì trong nhà mình, họ phải cúng Yàng (trời) và mổ trâu đãi làng. Như chiếc thuyền độc mộc của người Êđê ở huyện Ea H’leo được bán với trị giá không lớn nhưng chị phải mua 2 con trâu để gia chủ đãi làng ăn uống suốt hai ngày liền. Và không phải lúc nào có tiền cũng mua được vì đồng bào chỉ bán cho những người biết quý trọng hiện vật văn hóa dân tộc mình. Chị từng phải thuyết phục cả năm trời thì một cụ già người M’nông mới nể tình nhượng lại đôi bông tai bằng ngà voi đã “lên nước” như ngọc của mình cho chị.
Chị Kim Cúc bên những hiện vật văn hóa Tây Nguyên mà chị đã sưu tầm được. |
Năm 2004, khi chia tách tỉnh Dak Lak và Dak Nông, chị Cúc được phân về làm Giám đốc Bảo tàng Dak Nông. Một tay anh Tuấn vừa phải lo việc gia đình, vừa phải đi sưu tầm hiện vật cho vợ. Chị Cúc cảm động: “Người ta nói: đằng sau sự thành công của một người đàn ông bao giờ cũng có hình bóng người phụ nữ. Nhưng đối với tôi, đằng sau sự thành công của mình bao giờ cũng có hình bóng của chồng”.
Sau hơn 30 năm sưu tầm, hiện bộ sưu tập hiện vật văn hóa Tây Nguyên của vợ chồng chị Cúc đã đủ để thành lập một bảo tàng tư nhân. Bộ sưu tập gồm 3 nhóm chính: những dụng cụ sinh hoạt, những vật trang sức và các loại nhạc cụ các dân tộc Tây Nguyên. Về dụng cụ sinh hoạt, chị đã sưu tầm được tương đối đầy đủ các vật dụng cần thiết trong cuộc sống hằng ngày như: ghế K’pan, gùi, bát, xà gạc, ché, thuyền độc mộc, dụng cụ săn bắt trên cạn, dưới nước… Trang sức thì có đầy đủ các loại áo quần thường ngày của nam, nữ, già trẻ các dân tộc, trang phục lễ hội và các loại vòng bạc, vòng đồng, khuyên tai bằng ngà voi… Nhưng có lẽ độc đáo nhất là bộ sưu tập nhạc cụ. Ngoài những bộ cồng chiêng truyền thống, chị đang lưu giữ một bộ trống trên 130 chiếc của các dân tộc Tây Nguyên. Phần lớn những hiện vật chị Cúc sưu tầm đã có tuổi đời hơn trăm năm. Thậm chí, nhiều hiện vật ngay cả những bảo tàng các tỉnh Tây Nguyên cũng không có được như: chiếc áo bằng vỏ cây rừng dùng để mặc khi đi săn voi của các thợ săn M’nông xưa, chiếc thuyền độc mộc dài hơn 10m của đồng bào M’nông, đôi bông tai bằng ngà voi của một cụ già M’nông đã “lên nước” sáng như ngọc, chiếc lao săn cá sấu của một thợ săn M’nông ở huyện Krông Nô... Ngoài ra, có nhiều hiện vật mang giá trị lịch sử như chiếc thuyền độc mộc chị đã mua lại của một gia đình M’nông ở vùng biên giới với Campuchia đã từng được dùng chuyên chở nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng vượt sông đánh Mỹ - ngụy vào những năm 1970.
Đã có nhiều người đến tham quan và hỏi mua lại những hiện vật quý giá này nhưng vợ chồng chị nhất quyết không bán đi bất cứ hiện vật nào. Chị cũng cho biết, khi tỉnh Dak Nông xây dựng xong bảo tàng thì sẽ để lại cho tỉnh một số hiện vật quý giá của đồng bào M’nông để trưng bày. Trước đây, hầu hết những hiện vật của chị sưu tầm đều phải cất giữ trong kho nên chưa có nhiều điều kiện để giới thiệu đến mọi người. Cách đây hai năm, vợ chồng chị đã mở quán cà phê “Tây Nguyên điểm hẹn” ngay cạnh nhà (ở số 45Bis Phạm Hồng Thái, TP.Buôn Ma Thuột) để mang một số hiện vật ra trưng bày phục vụ khách uống cà phê và thưởng thức văn hóa Tây Nguyên. Tháng 2-2011, sau khi nghỉ hưu, chị bắt tay vào thực hiện ước mơ xây dựng một bảo tàng văn hóa Tây Nguyên; anh Tuấn đã đặt mua một ngôi nhà dài của người Êđê và một ngôi nhà dài của người M’nông về trưng bày các hiện vật theo văn hóa từng dân tộc. Tuy nhiên, mảnh đất rộng khoảng 5 sào tại đường Trần Quý Cáp (TP.Buôn Ma Thuột) nơi anh chị dự định đặt bảo tàng vừa bị tỉnh thu hồi để xây dựng trụ sở Hội Liên hiệp Thanh niên. Ước mơ xây dựng bảo tàng trưng bày hiện vật văn hóa Tây Nguyên của chị Cúc vì thế đến nay vẫn chưa thành hiện thực…
Ý kiến bạn đọc