Multimedia Đọc Báo in

Cà phê “bệt” – Nét riêng Sài thành

11:19, 07/10/2011

Chọn một chỗ ngồi hợp lý, có bóng mát và tầm quan sát rộng, lấy tờ báo cũ trải xuống nền đất để ngồi "bệt" và cứ thế thưởng thức cà phê mà không cần quán xá. Đó là phong cách uống cà phê mới của một bộ phận giới trẻ Sài thành.

Không biết từ bao giờ, khu công viên 30-4 thoáng đãng và mát mẻ nằm giữa dinh Thống Nhất và nhà thờ Đức Bà đã trở thành điểm thu hút giới trẻ Sài thành, đông nhất có lẽ là vào các dịp cuối tuần. Cà phê “bệt”, đúng như tên gọi của nó, là một kiểu thưởng thức cà phê ngồi bệt xuống nền gạch công viên để vừa uống, vừa trò chuyện rôm rả với bạn bè, vừa tận hưởng cảm giác thảnh thơi giữa lòng thành phố. Ở đây không có bàn ghế sang trọng, không máy lạnh, cửa kính mà thay vào đó là những hàng cây xanh cao vút, những lối đi rộng rãi được lát gạch, thảm cỏ xanh rì, bầu trời lộng gió, để có thể thoái mái lắng nghe tiếng chim ríu rít, ngắm nhìn dòng người qua lại và tiếng xe cộ. Không rõ cà phê “bệt” xuất hiện quanh khu công viên 30-4, đường Hàn Thuyên này đã được bao lâu,  nhưng nó đang dần trở thành một điểm hẹn lý tưởng cho tất cả những ai thích sự nhẹ nhàng, giản đơn và có dịp  đến đây một lần rồi thì lại cứ muốn đến nữa.

Một góc cà phê "bệt" bên Nhà thờ Đức Bà.
Một góc cà phê "bệt" bên Nhà thờ Đức Bà.
Một lần về Sài gòn, tôi được anh bạn đồng nghiệp từng là sinh viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, “tín đồ” cà phê bệt “kéo” tôi phải đi “bệt” cho bằng được cùng mấy người bạn của gã. Gã bảo: “đi cà phê bệt không phải vì lý do cà phê rẻ, mà hãy thử bệt một lần để biết nét văn hóa riêng của một bộ phận giới trẻ Sài thành”. Văn, gã bạn đồng nghiệp của tôi tỏ vẻ am hiểu: "Bệt là nơi không phải đến chỉ để uống cà phê, đó còn là nơi kết nối bạn bè, để trải lòng, và để thấy tâm trí mình tĩnh lại giữa bộn bề cuộc sống...". Gã tỏ ra nắm khá rõ “lịch sử” khởi nguyên “văn hóa bệt” nơi đây. Rằng, văn hóa cà phê “bệt” bắt đầu hình thành khi mà phong trào offline blog của giới trẻ, đặc biệt sinh viên các trường đại học nở rộ, các nhóm này thường tìm những nơi rộng rãi thoáng đãng, yên tĩnh làm nơi tụ họp. Khu vực công viên 30-4 là địa điểm lý tưởng cho việc gặp mặt, tìm ý tưởng cho bài học, trao đổi kiến thức... Đến đây, muốn cà phê hay nước uống giải khát thì chỉ việc chạy sang quán cà phê bên kia đường mua mang qua công viên bên này, ngồi bệt xuống bãi cỏ hay trên nền gạch lát uống, chuyện trò cùng bạn bè. Có cung ắt có cầu, các quán cà phê “dã chiến” cũng bắt đầu hình thành để phục vụ thực khách. Khi cà phê “bệt” mới xuất hiện, không khí tại vỉa hè, công viên này khá ồn ào, một phần do xe cộ, phần khác đây là lối đi của khách bộ hành nên lực lượng trật tự đô thị liên tục tuần tra dẹp quán. Vì thế, cả chủ quán cũng như bệt khách luôn phải chuẩn bị tinh thần… chạy - chạy trật tự đô thị và chạy cả khi trời mưa. Nhưng cũng rất nhanh, khi nhân viên trật tự vừa đi, mưa vừa tạnh, thì lại thấy lũ lượt từng nhóm người kéo đến. Để có thể phục vụ các “tín đồ bệt” và tránh bị trật tự đô thị “hốt”, các chủ quán “dã chiến” mở hẳn quán cà phê ở nhà, rồi sắm bộ đàm cho nhân viên, phân công nhân viên đi vòng quanh công viên để phục vụ khách, mỗi khi có “bệt khách” yêu cầu cà phê hay bất cứ thức uống gì, chỉ cần nhắc bộ đàm lên “a lô”, chưa đầy 5 phút sau, thức uống sẽ được mang đến bằng… xe máy.  Và như thế, cà phê “bệt” hình thành và nghiễm nhiên tồn tại ở khu vực công viên 30-4 và các con đường bao quanh đó. “Tín đồ” cà phê “bệt” cũng dần ý thức được việc phải giữ gìn trật tự nơi công cộng, nên mỗi khi đến “bệt” đều để xe vào lề đường rất gọn gàng, trật tự đô thị cũng không còn thấy đến dẹp nữa. Văn hóa cà phê “bệt” ngẫu nhiên tồn tại giữa lòng thành phố và ngày càng có nhiều bạn trẻ sành điệu chọn nơi đây như một phong cách mới thay cho việc trước đây ngồi “thiền” ở các quán cà phê sang trọng, ồn ào tiếng nhạc, ngột ngạt máy lạnh và khói thuốc. Khu vực công viên 30-4 được giới trẻ nơi đây ví là “quán cà phê lớn nhất Sài Gòn” hay “thánh địa “bệt” của sinh viên”. Mà đúng thật. Sinh viên đến đây nhiều không đếm xuể, tốp này đi, tốp khác lại đến, đôi khi còn tổ chức rất nhiều sinh hoạt vui chơi sôi nổi, lành mạnh, rôm rả tiếng nói cười. Nhiều người dù đã tốt nghiệp ra trường đi làm, nhớ chốn cũ vẫn thỉnh thoảng hẹn bạn về đây để… “bệt”, đơn giản chỉ để được thoải mái duỗi chân trên nền xi măng nhâm nhi ly cà phê, đọc sách, báo, chuyện trò và được thoải mái cười đùa vui vẻ, hay chỉ để ngắm nhìn thành phố lộng lẫy trong ánh đèn và vô tình tìm lại được những điều giản dị tưởng đã lãng quên…

Lệ Văn

Ý kiến bạn đọc