14:08, 21/10/2011
Cuối tháng 9 hàng năm, mỗi khi nước lũ tràn về, đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi (An Giang) lại háo hức chờ đợi lễ hội đua bò - một lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Khmer. Lễ hội được chọn tổ chức vào dịp Lễ Sen Dolta là thời điểm kết thúc xuống giống vụ mùa cuối cùng trong năm, đây còn là thời gian nông nhàn để tập trung cho huấn luyện, chăm sóc, mang bò đi thi đấu, tạo một sân chơi thể thao văn hóa lành mạnh.
|
Lễ hội đua bò Bảy Núi luôn thu hút đông đảo người xem. |
Từ xa xưa, người Khmer An Giang đã sống theo phum sóc quanh chân núi. Hầu hết người Khmer đều làm ruộng và bò là động vật cày kéo nên được nuôi nấng, chăm sóc rất kỹ. Lễ hội đua bò của đồng bào Khmer xuất phát từ phong tục: hàng năm vào mùa cấy, trai tráng trong vùng đều mang bò về cày bừa cho đất nhà chùa, để phụ nữ cấy mạ. Dịp này, các trai làng rủ nhau dùng các đôi bò đang cày, bừa để đua với nhau, nhằm tạo không khí vui tươi trong lao động. Sau các cuộc đua, nhà chùa thường thưởng cho các đôi bò thắng cuộc.
|
Nhiều chú bò được lựa chọn kỹ lưỡng và luôn sung sức trong các cuộc đua. |
Bò đua phải là bò ta, có dáng hình cao ráo, chân cứng, móng chân nhỏ vừa thon thả, gân to, thịt săn chắc… Việc chăm sóc rất kỳ công. Những con bò được chọn đua sẽ được nuôi ở nơi thoáng mát, thức ăn phải là loại cỏ đặc biệt, nước uống phải là nước sạch pha cám, vào mỗi buổi tối phải phụ thêm một mẻ cháo loãng, nhất là gần đến thời gian đua khoảng 1 tuần - đây là thời gian nuôi thúc, nên cho chúng uống sô đa hột gà để có sức khỏe tốt.
|
Người dân luôn hồ hởi ngắm nhìn các chú bò đua trước khi vào cuộc đua. |
Muốn tham gia cuộc đua, bò phải được tuyển chọn từ vòng xã, huyện mới được lên thi đấu giải cấp tỉnh. Trước khi vào cuộc đua, các chú bò được trang điểm đẹp mắt với cặp lục lạc vàng sáng cùng những cặp sừng nhỏ nhắn được bọc trong bao vải sặc sỡ, kiêu hãnh bước vào trường đua.
|
Vòng "hô" bắt đầu |
Sân đua là một khoảnh ruộng bằng phẳng có chiều dài 200 m, ngang 100 m, nước xăm xắp, đất được xới nhiều lần cho có độ trơn của bùn, bốn bên có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò. Đoạn đường đua chính chỉ cần 120m theo khoảnh ruộng cặp sát bờ bao. Nơi xuất phát va đích được cắm 2 cây cờ màu xanh, đỏ mỗi cây cách nhau 5m, đôi bò nào đứng ở vị trí cây cờ màu gì thì đích đến cũng theo màu của cây cờ đó.
|
Luôn quyết liệt ở vòng "thả"... |
Thể thức đua bò là bắt thăm chọn ra từng cặp đấu và được sắp theo thứ tự đôi trước đôi sau. Cuộc đua gồm hai vòng: “hô” và “thả”. Vòng “hô” để làm nóng cho bò đi hai vòng quanh trường đua để lấy trớn. Vòng “thả” được xem là vòng tăng tốc về đích.
|
Những bọt nước trắng xóa cả một vùng khi các chú bò tăng tốc về đích |
Trong quan niệm của người Khmer, đôi bò thắng giải mang đến cho cả phum sóc nhiều niềm vui, may mắn để có một vụ mùa bội thu. Sau khi thắng cuộc, người Khmer không giết, cũng không bán mà gìn giữ cặp bò chiến thắng như một tài sản quý báu của gia đình và phum sóc.
|
Quyết liệt tranh chấp... |
Về với lễ đua bò Bảy Núi, bạn không những được chứng kiến một môn thể thao độc đáo, hấp dẫn mà còn có dịp thưởng ngoạn cảnh đẹp Bảy Núi nổi lên giữa một vùng đồng bằng với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, đến lễ đền thờ Bà Chúa Xứ linh thiêng, viếng thăm những ngôi chùa Khmer xinh đẹp.
G.T
Ý kiến bạn đọc