Multimedia Đọc Báo in

Liên hoan Giọng hát hay toàn tỉnh lần thứ III-2011: Hy vọng ở những cuộc thi sau

11:31, 23/10/2011

Liên hoan Giọng hát hay toàn tỉnh lần thứ III- 2011 do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức trong 2 ngày 17 và 18-10 đã quy tụ được 45 giọng hát qua tuyển chọn từ những cuộc thi của 14 huyện, thị xã, thành phố và cơ sở. Đây là lần đầu tiên (ngoài giải Sao Mai của Đài Truyền hình Việt Nam và các địa phương), các thí sinh phải lựa chọn một trong ba phong cách âm nhạc: hát thính phòng, dân gian và nhạc nhẹ. Vì vậy nên hầu hết đều là những giọng hát đẹp. Lứa tuổi có khác nhau, nhưng sự đam mê và  hết mình với âm nhạc mà họ mang về liên hoan thì đều nồng nhiệt như nhau.

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh trao giải B cho các thí sinh tham dự liên hoan. Ảnh: Hữu Hùng
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh trao giải B cho các thí sinh tham dự liên hoan. Ảnh: Hữu Hùng
Có 15 thí sinh chọn dòng âm nhạc thính phòng, 8 thí sinh dự thi dòng âm nhạc dân gian và 22 thí sinh dự thi dòng nhạc nhẹ. Đã có 5 giải A, 15 giải B, 14 giải C và 11 giải Khuyến khích được trao cho các giọng ca sau khi kết thúc một ngày làm việc hào hứng và không kém phần căng thẳng.

Những thí sinh lựa chọn dòng âm nhạc  thính phòng và dân gian – những ca khúc thuộc loại “xanh mãi với thời gian” -  không chỉ đòi hỏi phải có một chất giọng đẹp mà còn phải hát có hồn và truyền cảm. Nói đến phong cách dân gian có nghĩa là giọng hát phải mềm mại, ngọt ngào, sự rung động trong tâm hồn và trái tim người hát phải đến được với người nghe qua từng câu nhạc, từng nốt luyến láy. Bên cạnh đó, phát triển từ dân ca vùng nào, phải mang được đặc trưng ngôn ngữ vùng đó. Những giọng hát của Thu Thảo (đoàn M’Drak ) với “Trên đỉnh Phù Vân” (nhạc sĩ Phó Đức Phương), hay Kim Ngân (đoàn Ea H’leo) với “Từ làng Sen” (nhạc sĩ Phạm Tuyên), hoặc Hoàng Tám (Lak) với “ Về quê” (nhạc sĩ Phó Đức Phương) đã làm được điều ấy.

Dòng âm nhạc thính phòng, bên cạnh giọng hát hay còn đòi hỏi một kỹ thuật thanh nhạc vững vàng, để khi lên cao âm thanh không bị xòe, bị vỡ, xuống thấp không bị mất tiếng. Đặc biệt, để tạo được sự đối lập, không chỉ mang tính trữ tình mà còn đôi lúc cần có thêm chất “thép” trong một vài đoạn nhạc. Giọng hát Trung Hiếu (M’Drak) với ca khúc “Bình Trị Thiên khói lửa” (nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương) đã làm mới lại được một khúc ca bất hủ thời kháng chiến chống Pháp. Chỉ hơi tiếc anh sử dụng chất trữ tình sở trường của mình quá nhiều, mà quên mất một vài câu nhạc lẽ ra phải chuyển sang mạnh mẽ, để gây được hiệu quả cao hơn cho toàn bài. Nguyễn Văn (Krông Bông) với ca khúc “Đàn T’rưng” (tác giả Nguyễn Viêm – Huy Cận) nếu đừng dùng sức quá nhiều có lẽ đã thành công hơn với hồn nhạc thấm đẫm trong mỗi câu hát anh cất lên. Tương tự như thế, Bùi Chiến Thắng (Krông Năng) với “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” (nhạc sĩ Hoàng Hà), H’Huyền Mlô (Ea Kar) với “Người lái đò trên sông Pô Cô” (tác giả Cầm Phong - Mai Trang), hoặc Lê Viễn Trí (Krông Ana) với “Chào sông Mã anh hùng” (Xuân Giao) đều đã có thể đạt hiệu quả cao hơn nếu đừng quá căng thẳng hoặc nhầm lời, vì giọng hát đều rất nhạc cảm. Đáng tiếc cho Anh Vũ (TP. Buôn Ma Thuột) vì phần phối khí của ca khúc “Hồ trên núi” (nhạc sĩ Phó Đức Phương) không đúng với phong cách nhạc thính phòng mà Vũ muốn thể hiện (một số thí sinh khác cũng bị cách phối khí của nhạc đệm không phù hợp như thế).

Nhạc nhẹ vẫn được các thí sinh trẻ tuổi và đặc biệt các bạn  người dân tộc thiểu số ưa thích chọn lựa bởi phù hợp với tâm tư, tình cảm, lẫn sức sống sôi nổi của tuổi thanh niên. Tuy nhiên, là thể loại nhạc “thời trang” nên nhạc nhẹ rất cần không chỉ sự sáng tạo, mà còn sự biểu cảm và phong cách biểu diễn của ca sĩ, để tự vượt lên, “đóng dấu ấn” giọng hát của mình trong “rừng” ca khúc lẫn người thể hiện.

Nổi lên trong liên hoan lần này là ba giọng hát, chưa phải thật sự xuất sắc nhưng đã biểu đạt được tính chất đặc trưng của nhạc nhẹ là các thí sinh Mỹ Linh (Cư M’gar) với bài “ Quê hương tuổi thơ tôi” (nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện), Tuấn Nam ( Buôn Hồ) với “Đâu phải bởi mùa thu” (nhạc sĩ Phú Quang) và Y Thim (Krông Ana) trong “Nồng nàn cao nguyên” (K’Ra Zan Đích).

Một số bạn trẻ người dân tộc thiểu số cũng tạo được ấn tượng cho người xem như H’Thảo (Lak) hát rất rõ lời, phong cách biểu diễn và sự chắc nhịp của H’Ly Sia (Cư Kuin), Y Sol (Cư M’gar) làm mới mình trong bài hát quen thuộc, hoặc H’ Huyền (Ea H’leo), mặc dù giọng mảnh nhưng rất tự tin với một ca khúc cách mạng thuộc loại khá khó như “ Người lái đò trên sông Pô Cô”…

Cho dẫu đều là những giọng ca hàng đầu, đã vượt lên từ những cuộc thi ở cấp huyện nhưng do bản lĩnh sân khấu chưa vững vàng, nên hoặc là hát… sai chính tả (trái tiêm, đi tiềm, cuột đời...), hoặc hát không chính xác giai điệu, hay tiết tấu… nên nhiều bạn đã không đạt được kết quả như mong muốn.

Tiếc rằng Liên hoan chỉ trao 5 giải A cho Trung Hiếu (M’Drak) dòng nhạc thính phòng; Thu Thảo (M’Drak), Kim Ngân (Ea H’leo) dòng nhạc dân gian và Tuấn Nam (Buôn Hồ), Mỹ Linh (Cư M’gar) dòng nhạc nhẹ. Nếu có vòng chung khảo, để tiếp tục “cọ xát” đua tài tranh thứ bậc, chắc hiệu ứng của cuộc thi sẽ còn cao hơn. Tuy nhiên, Ban tổ chức cho biết, từ nay Liên hoan Giọng hát hay toàn tỉnh sẽ được tiến hành  thường niên 3 năm một lần. Chúng ta hy vọng sẽ gặp lại không chỉ những giọng hát chưa đạt giải hôm nay, mà sẽ còn nhiều gương mặt mới. Bởi Dak Lak vẫn luôn là “cái nôi” nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho sự phát triển của nhiều ca sĩ đạt tới đỉnh cao mơ ước, như đã từng có NSND Y Moan, ca sĩ Siu Black, Y Zăk, Y Zoen Knul, H’Zi Na Byă, Mai Trang…

Linh Nga Niê Kdăm

Ý kiến bạn đọc