Multimedia Đọc Báo in

Phong trào văn nghệ quần chúng ở huyện Cư Kuin

10:17, 10/10/2011

Họ là những người nông dân tay cày, tay cuốc nhưng mỗi khi làng, xã có phong trào văn nghệ là những “nghệ sĩ” không chuyên ấy lại hăng hái tham gia. Giàu nhiệt huyết và sôi nổi trong các hoạt động văn hóa - văn nghệ, chính họ đã làm cho phong trào văn nghệ quần chúng ở huyện Cư Kuin những năm gần đây có nhiều khởi sắc.

Một lần, cùng cán bộ văn hóa xã hội xã Ea Ning tìm hiểu về đời sống văn hóa ở địa phương, chúng tôi ngỡ ngàng trước không khí sôi nổi trong đời sống tinh thần của bà con nơi đây. Tại khuôn viên UBND xã hoặc bãi đất trống cạnh các nhà sinh hoạt cộng đồng, chiều đến đâu đâu cũng rộn ràng từng nhóm thanh niên, phụ nữ luyện tập bóng chuyền sôi nổi. Đêm đến, chỉ cần một cây đàn guitar, một khoảng đất rộng là đủ làm “sân khấu” để họ cùng nhau sinh hoạt văn nghệ, đàn hát vui vẻ. Sau một ngày lao động mệt nhọc, rời ruộng lúa, nương rẫy, tối đến là họ đã trở thành “ca sĩ, diễn viên” với lời ca mượt mà, điệu múa uyển chuyển xua tan đi bao mệt nhọc… Còn với người cao tuổi trong xã cũng có  một sân chơi thể hiện khả năng và niềm yêu thơ của mình. Cứ đều đặn vào chủ nhật gần nhất của ngày rằm hằng tháng, hơn 20 thành viên của Câu lạc bộ (CLB) thơ Cư Kuin lại tập trung về hội trường thôn 8, xã Ea Ning để cùng trao đổi, bình phẩm, đọc những sáng tác mới và sửa cho nhau về vần điệu, câu tứ, lấy đó làm niềm đam mê và “nguồn sống” cho tuổi già của mình. Cạnh xã Ea Ning là xã Ea Hu, những năm gần đây phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng cũng sôi nổi hẳn lên. Anh Nguyễn Văn Dũng, cán bộ văn hóa xã hội xã cho biết:  các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được đông đảo người dân trong xã tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Đặc biệt, người dân ở đây rất yêu ca hát và có niềm đam mê nhạc Trịnh. CLB “Tiếng rừng” được thành lập và duy trì sinh hoạt sôi nổi là sân chơi yêu thích của hầu hết người dân trong xã yêu mến cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Không đợi đến những dịp lễ, hội, một tuần 3 buổi, tối đến, các thành viên tập hợp nhau lại, ôm đàn guitar đàn, hát say mê... Để duy trì phong trào, đội văn nghệ các thôn đã dành nhiều thời gian luyện tập và sinh hoạt, nuôi dưỡng niềm đam mê ca hát trong bà con. Chị Văn Thị Mỹ Liên, người dân xã Ea Hu hồ hởi cho biết: Sau một ngày vất vả với việc nương rẫy, chiều đến tập luyện thể thao và tham gia ca hát vừa nâng cao sức khỏe, tinh thần thêm phấn chấn, vừa xua đi bao mệt mỏi, lo toan thường ngày…

Các đoàn tham dự Liên hoan Giọng hát hay huyện Cư Kuin lần II-2011.
Các đoàn tham dự Liên hoan Giọng hát hay huyện Cư Kuin lần II-2011.
Huyện Cư Kuin có dân số trên 111.000 người, gồm 8 xã, 111 thôn, buôn, với 17 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 27,55%. Đến nay, 22/26 buôn đã có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì và phát triển rộng khắp ở các thôn, buôn, khu dân cư. 8/8 xã đều có các đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền nam, nữ, CLB cồng chiêng và duy trì sinh hoạt có hiệu quả. Ông Nguyễn Đức Hanh, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện cho biết: hằng năm, huyện đều tổ chức và duy trì đều đặn nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi để thu hút, đáp ứng nhu cầu và tạo sân chơi lành mạnh cho người dân trên địa bàn, như: Liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ; Buôn vui chơi – Buôn ca hát, Hội thi giọng hát hay, Tiếng hát Hoa phượng đỏ, Hội diễn nghệ thuật quần chúng, Hội thao dân tộc thiểu số… Dịp đó, bà con các xã trong huyện lại háo hức đi xem, để được nghe những giọng hát, lời ca và được tham gia thể hiện năng khiếu, niềm đam mê ca hát của mình; tham gia các môn thể thao sôi nổi như: bóng đá, bóng chuyền, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, chạy việt dã… trong không khí rộn rã của ngày hội. Có thể nói, đây là những hoạt động thiết thực góp phần khơi dậy phong trào quần chúng tại các xã, giúp bà con ý thức hơn về việc gìn giữ các giá trị văn hóa của dân tộc. Ông Hanh cho biết thêm: phong trào văn hóa, văn nghệ thể thao đã trở thành món ăn tinh thần phong phú, không thể thiếu của người dân địa phương. Việc duy trì các phong trào này có ý nghĩa thúc đẩy lao động sản xuất, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con, góp phần xây dựng đời sống tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Thời gian tới, huyện sẽ chú trọng việc xây dựng đội văn nghệ xung kích, bồi dưỡng những hạt nhân nòng cốt của phong trào…

Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.