Multimedia Đọc Báo in

Về buôn Thái, vui lễ hội mừng lúa mới

11:07, 23/10/2011

Khi mùa màng đã xong, thóc lúa về đầy sân phơi cũng là lúc người Thái ở xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar vui với lễ hội mừng lúa mới, lễ hội vui nhất trong năm… 

Buôn Thái, xã Ea Kuêh được xem như một làng Thái thu nhỏ giữa Tây Nguyên. Vào Dak Lak làm ăn sinh sống gần 20 năm nhưng đồng bào Thái vẫn luôn nhớ về quê cũ và lưu giữ bản sắc, nghi lễ của dân tộc mình. Hằng năm, cứ vào ngày 16-9 âm lịch, Lễ hội mừng lúa mới được tổ chức đều đặn. Năm nay, lễ hội cũng diễn ra rất long trọng, gồm hai phần lễ và hội với các nghi thức cầu mùa, diễn tấu cồng chiêng mừng lễ hội, múa mừng lúa mới; các trò chơi dân gian: giã gạo, chọi đá, bắn nỏ, ném còn, ném cù, bóng chuyền và hội ẩm thực làm các món ăn truyền thống của dân tộc như: khẩu nướng (xôi), khẩu lam (cơm lam), khẩu hàn (cốm), chỉn giáng (thịt bò xông khói), tải pơ cooc (bò tái trộn lá chua), rượu cần… thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách từ các nơi đổ về xem hội. Ở đây, có nhiều tiết mục đặc sắc mà không ít người Tây Nguyên chưa hề được biết đến như: cách chưng cất rượu cần, cách làm các thứ bánh truyền thống của dân tộc, rồi được xem điệu múa xòe của người Thái, thưởng thức điệu múa sạp đầy mê hoặc và xem những người đàn ông mặc áo chàm, ngồi quây quần uống rượu nghêu ngao hát khi men đã ngấm…  Lễ hội là dịp để cảm tạ trời đất, ông bà tổ tiên đã cho một mùa màng bội thu, lúa đầy đồng, cây trái xanh tươi và cầu mong một vụ mùa mới mới mưa thuận gió hòa; người người sức khỏe, xóm làng yên vui; đồng thời cũng là dịp để nam thanh nữ tú gặp mặt, giao duyên…

Điệu múa sạp độc đáo của người Thái.
Điệu múa sạp độc đáo của người Thái.
Khác với mọi năm, tiết trời năm nay nắng ấm hơn và người đi dự hội cũng đông vui hơn. Từ sáng sớm, các cô gái Thái đã xúng sính trong những bộ váy áo truyền thống sặc sỡ, đủ màu sắc, đầu đội khăn đóng, bước đến lễ hội. Từ xa đã nghe trống chiêng nổi lên, không khí của một lễ hội phía Bắc tràn về, làm lâng lâng lòng người. Khi cây niêu - tâm điểm của lễ hội được dựng lên - mang đầy đủ các ý nghĩa với nhiều loại động, thực vật như: chim muông, cỏ cây, hoa lá gồm: lúa, sắn, mía, ngô, bí, trống chiêng, thuyền bè… thể hiện ước vọng của mọi người về sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật, cỏ cây tốt tươi trên cánh đồng, nương rẫy. Trưởng bản Lô Quốc Hội chuẩn bị chu đáo các lễ vật và cất tiếng mời thần linh xuống trần hưởng lộc của người dân thôn bản vụ mùa qua. Đầu tiên, trưởng bản thay mặt dân làng xin lỗi vong linh ông bà tổ tiên vì cuộc sống mưu sinh phải  rời xa quê hương mà ra đi, đến lập nghiệp trên vùng đất mới. Tiếp đó là cảm tạ trời đất, trình lễ vật mời tổ tiên, ông bà có con cháu vào đây làm ăn sinh sống và mời thần thổ ở quê mới về dự lễ. Sau cùng, thầy cúng (trưởng bản) đọc lời khấn vái với nội dung cầu mùa năm sau tốt tươi hơn: “Chúng con cầu mong: Tháng 3 đưa lúa đi gieo, tháng 4, tháng 5 đi cấy, lúa giống ra ngoài cũng mọc, lúa ở trong cũng lên, đẹp bời bời như cỏ tranh ngoài rừng, xanh như mía trong vườn/ người người đi qua muốn xin làm giống/ cầu mong: cuối năm mưa thuận gió hòa/ người người khỏe mạnh, nhà nhà yên vui/ cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa màng tươi tốt bội thu /vạn vật sinh sôi nảy nở, đất nước yên vui, nhân dân ấm no hạnh phúc…”. Lời khấn vừa dứt, trống chiêng nổi lên, các chàng trai, cô gái Thái duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống cùng uyển chuyển trong điệu xòe hoa làm say đắm lòng người. Bà Xênh Thị Lan (tổ 1, buôn Thái) cho biết: “Với chúng tôi, lễ hội mừng lúa mới là ngày hội vui nhất và lớn nhất trong năm, đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu để cầu mong vụ mùa mới nhà nào cũng thóc đầy bồ, lợn gà đầy sân”. Người dân đi trẩy hội mỗi lúc một đông, sau khi được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, chờ đến khi Hội Còn khai hội thì phần hội càng trở nên sinh động, vui nhộn hơn bao giờ hết. Giữa khoảng đất rộng, một cây Còn bằng tre cao hơn 15 mét, ở giữa gắn vòng tròn có tâm màu đỏ, được dựng lên. Những quả Còn khâu bằng vải, bên trong có hạt thóc, hạt bông nén chặt, ngoài có tua ngũ sắc, được người chơi thi nhau ném lên vòng tròn. Ném Còn làm cho người trong cuộc thì hào hứng tung Còn thật cao và chính xác, người đứng ngoài, vây thành vòng xung quanh Hội Còn hò reo, cổ vũ khiến không khí cuộc chơi sôi nổi, hấp dẫn hẳn lên. Gái, trai gặp nhau ở Hội Còn, giành lấy quả Còn, cố trướn người thi nhau tung Còn sao cho có đường đi đẹp nhất, cầu mong cho những quả Còn bay lên như cánh én đón mùa xuân, bay thẳng vào hồng tâm để âm dương được giao hòa, cho cây đơm hoa kết trái, cho trai gái được mối nhân duyên tốt đẹp, hài hòa bền vững. Bên cạnh đó, du khách còn được các chàng trai, cô gái Thái tận tình “dắt đi” vài điệu múa sạp, múa xòe đặc sắc, duyên dáng và thỏa sức tham gia vào trò chơi dân gian: tỏ mạc lẻ (chọi đá), tỏ mạc vang (ném cù), khuơ chày (giã gạo), thi nhinh nà (bắn nỏ)…, được người dân nơi đây mời uống ché rượu cần ngất ngây men say, thưởng thức các loại ẩm thực truyền thống trong ngày hội. Ông Phan Xuân Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Cư M’gar cho biết, buôn Thái gồm 100% đồng bào Thái gồm 176 hộ với gần 800 khẩu, đồng bào di cư đến làm ăn sinh sống tại đây đã góp thêm một nét văn hóa độc đáo cho mảnh đất này. Đồng thời, làm phong phú  thêm cho bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Lễ hội mừng lúa mới là một hoạt động mang đậm văn hóa dân gian. Thông qua các hoạt động này, cộng đồng các dân tộc có dịp được giao lưu, khắc sâu tinh thần đoàn kết và giữ vững những nét tín ngưỡng lành mạnh của dân tộc mình. Để giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa độc đáo của các dân tộc sinh sống trên địa bàn, thời gian tới, huyện sẽ có kế hoạch tổ các lễ hội dân gian toàn huyện, mở các lớp dạy đánh các loại nhạc cụ, dạy chữ viết của các dân tộc…

Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc