Bất ngờ hồn gỗ, đá...
Những thứ tưởng như tầm thường (rễ cây, lũa gỗ, đá các loại…), nhưng dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, nó trở thành những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, có giá từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng. Để làm ra những sản phẩm như vậy, người chế tác - ngoài việc phải đầu tư công sức chăm chút, còn phải có cái nhìn tinh tế, trái tim nhạy cảm để thổi hồn cho từng thớ gỗ, viên đá…
Từ hồn gỗ...
Không kể đến những cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ từ gỗ, đá đã thành danh như Ngọc Đỉnh, Hoàng Hoa… (Buôn Ma Thuột), trên địa bàn tỉnh hiện nay xuất hiện khá nhiều địa chỉ chuyên nghề chế tác sản phẩm trên. Ông Đoàn Thiện ở xã Cư Êbur – TP. Buôn Ma Thuột là người khá nổi tiếng trong lĩnh vực này. Ông không có cơ sở cố định, mà thường xuyên cơ động để hành nghề (có nghĩa là ai có nhu cầu thì mời ông đến). Sau khi ngắm nghía, xem xét tỷ mẩn khối nguyên liệu thô (chủ yếu là gỗ), ông Thiện tư vấn cho khách hàng tạo mẫu: Tượng Phật Di Lặc, Song long chầu Nguyệt, Tứ linh hội điển, Kình ngư vượt Vũ môn, hay những bức Tứ bình, Tố nữ v.v… tùy theo hình thế, vân màu của gỗ để cho ra sản phẩm ưng ý nhất. Ông tâm sự: tiền công làm nghề này khá cao, thường chiếm từ 40-50% giá trị sản phẩm. Chẳng hạn như sản phẩm “Song long chầu Nguyệt” mà ông vừa hoàn thành sau gần 2 tháng miệt mài, do một đại gia ở thị xã Buôn Hồ đặt, có số tiền công được trả lên tới 140 triệu đồng. Có nghĩa “tác phẩm” này phải có giá trên 300 triệu đồng - ông Thiện khẳng định.
Nhiều người cho rằng, giá cả loại hàng hóa trên nhiều khi vô chừng, thấy thích thì các tay chơi “kỳ mộc” sẵn sàng dốc túi để được sở hữu nó. Vì thế, người làm, kẻ bán những sản phẩm gỗ, đá mỹ nghệ ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là các nghệ nhân có trình độ, tay nghề cao như ông Thiện. Tại ngã ba Yang Reh - huyện Krông Bông không ai không biết vợ chồng chị Nguyễn Diệu Thơ chuyên chế tác, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ từ vài ba năm nay. Sản phẩm của vợ chồng chị gồm đủ chủng loại, từ cụm tượng, lộc bình, chim, thú… đến bàn ghế được làm bằng rễ cây, hoặc lũa gỗ lâu năm trong những cánh rừng Cư Yang Sin. Khách hàng không còn bó hẹp trong tỉnh, mà được mở rộng sang Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Anh Hùng, chồng chị, trước đây là dân thợ chạm (tủ bàn) thấy trong vùng nhiều lũa gỗ, nên đã chọn mua vài mẫu ưng ý về chơi. Rảnh rỗi, anh ngồi đục đẽo và tạo ra một số kiểu dáng là lạ để trang trí trong nhà. Không ngờ, nhiều người tìm đến hỏi mua, thế là vợ chồng anh nghĩ đến chuyện sản xuất, kinh doanh mặt hàng này một cách chuyên nghiệp. Anh Hùng cho biết: thu nhập của nghề nhiều khi thật bất ngờ, một gốc cây, lũa gỗ anh mua với giá vài triệu đồng, nhưng đến lúc tạo được hình thù, dù đơn giản nhất như ngọn núi, kệ đỡ, bệ đôn hoa trái… cũng kiếm được cả chục triệu đồng. Còn những sản phẩm tinh xảo, độc đáo và lạ mắt hơn thì phải kỳ công hơn, theo đó giá cũng cao hơn. Là dân trong nghề, nên anh Hùng không lạ gì ông Thiện ở Cư ÊBur - Buôn Ma Thuột. Anh đã từng khăn gói lên đó học nghề và phải thừa nhận rằng, để có con mắt, bàn tay tinh tế khiến gỗ, đá phải “cất tiếng” như “nghệ nhân Thiện” là rất hiếm. Cũng là một cội gỗ vô tri, vô giác thôi, nhưng qua tâm hồn và bàn tay của những nghệ nhân như thế, nó trở thành tác phẩm nghệ thuật thật sự. Anh Hùng quan niệm: những gì có trong tự nhiên là “thiên hình vạn trạng”, để “đọc được” một trong cái “thiên, vạn” kia không phải ai cũng có khả năng. Bất ngờ nhất trong nghề này chính là chỗ đó. Vì thế không lạ gì những người gặp “cơ duyên” với gỗ, chỉ sau một quá trình sáng tạo, họ có trong tay vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Đúng là cái nghề, hay nói đúng hơn là một cuộc chơi ngẫu hứng và đầy thú vị.
Chị Thơ bên gian hàng mỹ nghệ của gia đình. |
Trên địa bàn xã Yang Reh (trên quốc lộ 27 nối Buôn Ma Thuột với Lâm Đồng), cái tên “Hoàng Cội đá” đã trở nên quen thuộc với dân mê đá nghệ thuật. Sản phẩm đá của anh Hoàng khá đa dạng: từ ly, tách, ấm, bình… đến nhiều vật dụng trang trí trong nhà. Nhưng, có lẽ độc đáo nhất là lộc bình và lư hương được chế tác bằng đá. Những sản phẩm này, thông thường từ trước đến nay được làm bằng đồng, hoặc gỗ; thế nhưng giờ đây, nó được làm bằng đá - là điều rất lạ.
Nhờ lạ nên sản phẩm của anh Hoàng ngày càng được nhiều khách hàng đặt mua với giá cả không hề thấp chút nào. Một bộ lư hương (ngũ sự gồm 2 đúc bình, 2 chân đèn và 1 tháp trầm) loại vừa, nặng khoảng 400-500 kg có giá không dưới 200 triệu đồng, thế mà hàng làm ra không đủ để cung cấp. Theo anh Hoàng, khách hàng ưa thích là vì độ cứng và độ lên màu của đá thạch anh, một khoáng sản đặc thù và có trữ lượng rất nhiều ở vùng rừng Cư Yang Sin. Làm hàng đá kỳ công hơn gỗ, có khi cả nửa năm trời mới cho ra một sản phẩm như trên. Ngoài nhiều công đoạn như làm mỹ nghệ: cũng lựa chọn nguyên liệu, cảm nhận hình dạng, đục đẽo chi li… đá còn phải mài và đánh bóng từng chi tiết cho sản phẩm, thành ra chi phí cho ngày công tăng lên. Giá bán một bộ lư hương khoảng 200 triệu đồng, thì tiền công đã ăn đứt hơn một nửa, trừ thêm chi phí mua và vận chuyển nguyên liệu, người sản xuất chỉ kiếm được dăm bảy chục triệu đồng trong thời gian dài vài ba tháng. Vì thế, “Cội đá” của anh Hoàng còn làm thêm nhiều sản phẩm khác. Trong đó, ăn khách và bất ngờ nhất vẫn là những sản phẩm có tính sáng tạo nghệ thuật cao, độc đáo. Chẳng hạn một khối đá thạch anh xù xì, nguyên trạng, anh Hoàng chỉ cần chỉnh sửa một vài chi tiết và trên đó chạm nổi một chữ (Phúc, Lộc, Thọ hay chữ Tâm, Đức, Nhẫn… theo lối đại tự) cũng có thể hút được người mua. Anh Hoàng cho biết: sản phẩm này hiện đang thu hút và hấp dẫn đối với các ông chủ nhà hàng sân vườn, các khu du lịch văn hóa-sinh thái và các khu nghỉ dưỡng.
Có thể nói gỗ, đá mỹ thuật đã có con đường đi vào đời sống, hiển hiện nên những giá trị nghệ thuật sinh động và độc đáo qua bàn tay của những nghệ nhân, người thợ tài hoa. Và hơn thế, nó đang trở thành sản phẩm hàng hóa đúng nghĩa nhằm cải thiện đời sống cho nhiều người, nhất là ở những vùng nông thôn còn nhiều khó khăn như Dak Lak. Tiếc là việc định hướng, quy hoạch (cả về nguồn nguyên liệu, nhân lực, quảng bá và tìm kiếm thị trường…) cho sản phẩm này còn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều người có tâm huyết với nghề hy vọng rằng: gỗ, đá mỹ thuật ở vùng đất giàu tiềm năng này, đến một ngày nào đó sẽ đi xa hơn, gây bất ngờ hơn với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ý kiến bạn đọc