Multimedia Đọc Báo in

Những sắc màu văn hóa

Hát Xoan trên vùng đất Tổ

22:42, 14/01/2012

Hát Xoan là loại dân ca lễ nghi, phong tục gắn với hội mùa, và hát cửa đình nên còn gọi là “khúc môn đình”.

Hát Xoan được tổ chức vào mùa xuân, mở đầu cho mùa hát đón chào năm mới. Các họ Xoan lần lượt khai xuân ở đình miếu làng nhà sau đó mới đi hát ở các đình làng bạn.

Theo truyền thuyết dân gian ở vùng đất tổ Phú Thọ thì nghệ thuật này có từ thời các vua Hùng dựng nước. Truyền thuyết nói rằng: vợ vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày sinh đẻ cứ đau bụng mãi mà không sinh được. Có cô hầu tâu với vua Hùng về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa hát hay nên đón nàng về múa hát có thể làm cho đỡ đau và sinh đẻ được. Vua Hùng nghe lời, liền cho mời nàng Quế Hoa đến. Bấy giờ vợ vua Hùng đang lên cơn đau dữ dội mới bảo Quế Hoa đứng trước giường múa hát. Quế Hoa vâng lời miệng hát, tay múa, đi qua đi lại trước giường. Giọng hát trong vắt, khi cao khi thấp như chim sơn ca hót, như tiếng suối chảy, tay uốn chân đưa, thân người mềm như tơ, dẻo như bùn ai cũng say mê. Vợ vua Hùng mải nghe hát, xem múa không thấy đau nữa, hạ sinh được ba người con trai khôi ngô, đẹp đẽ. Vua Hùng vui mừng khôn xiết và hết lời khen ngợi Quế Hoa, bảo nàng dạy múa hát cho các mỵ nương. Quế Hoa hát cầu chúc vợ vua Hùng vào mùa xuân cho nên các mỵ nương gọi lối hát ấy là hát Xoan.

Ngày nay, hát Xoan ở vùng đất Tổ thường diễn ra vào mùa xuân, sau Tết Nguyên đán. Mỗi phường Xoan giữ hát ở một số cửa đình nhất định. Tục giữ cửa đình cũng có ý nghĩa là tránh sự tranh chấp và dẫm chân nhau giữa các phường Xoan. Tục giữ cửa đình đã dẫn đến tục kết nghĩa giữa họ Xoan và người địa phương của đình sở tại. Tình nghĩa ấy rất được coi trọng. Khác với tục kết nghĩa của hát Ghẹo là kết nghĩa giữa hai hay nhiều làng với nhau, hoặc Quan họ chỉ kết nghĩa giữa hai Quan họ thì kết nghĩa của Xoan bao giờ cũng để địa phương làm vai anh, còn họ Xoan làm vai em, dân là con trưởng, họ Xoan là con thứ. Tục kết nghĩa cấm ngặt trai gái hai bên (địa phương và họ Xoan) kết hôn với nhau.

Mỗi phường Xoan hay họ Xoan phải có một ông trùm, bốn đến năm kép và từ mười đến mười lăm đào. Ông trùm thường là người lớn tuổi được dân làng tín nhiệm, thuộc bài bản. Kép có thể là người đứng tuổi, có vợ con nhưng phường Xoan nào cũng có một, hai kép con tuổi trên dưới đôi mươi để múa hát các điệu mở đầu cho cuộc hát Xoan. Đào Xoan là những cô gái chưa chồng xinh đẹp, có giọng hát hay, tuổi từ 15 đến 20; khi các cô đã có chồng thì không còn theo phường Xoan nữa.

Diễn xướng hát Xoan chốn cửa đình (Ảnh: T.L)
Diễn xướng hát Xoan chốn cửa đình (Ảnh: T.L)

Hằng năm, trước khi đi hát, các phường Xoan thường lo tập luyện trước vào tháng Chạp âm lịch. Họ ôn lại các bài bản đã có sẵn và tập thuần thục các điệu bộ, động tác. Hát Xoan phải theo trình tự đã quy định từ trước, gồm: hát phần lễ nghi tôn giáo, phần diễn xướng các quả cách như Xuân, Hạ, Thu, Đông, ngư tiều canh mục, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên hoặc kể chuyện cổ tích… cơ bản là hát lối và ngâm đọc, có thêm phần hát hội mang tính chất trữ tình phản ánh những nội dung yêu đương, giao duyên giữa trai và gái. Cuối cùng là phần giã cá để kết thúc quá trình diễn xướng của hát Xoan.

Khác với hát Ví, hát Trống quân, hát Đúm chỉ có một làn điệu, hát Xoan đã hình thành những ca khúc hoàn chỉnh và rất phong phú về làn điệu. Hát Xoan có những lời hát riêng cũng như là điệu cho riêng mình. Hát Xoan là mội loại hình diễn xướng tổng hợp và có nhiều thể loại: hát khấn nguyện, hát giao duyên, hát ca ngợi lao động, hát diễn tích truyện. Về hình thức hát cũng rất phong phú: hát xen kẽ, đối đáp, đồng ca kết hợp với đơn ca, hát kèm múa, hát kết hợp với trò chơi…

Mùa Xuân trên quê hương đất Tổ, không gì vui bằng đi xem hát Xoan. Và, hát Xoan cứ tiếp tục hát từ đình này sang đình khác khiến cho không khí hội hè, vui xuân cứ kéo dài ra mãi cho đến hết mùa xuân.

Hát Xoan đã được Tổ chức Văn hóa – Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Minh Đạt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.