Multimedia Đọc Báo in

Về buôn Tlia ăn cơm mới với đồng bào Êđê

22:44, 14/01/2012

Ăn cơm mới là một nghi thức không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào Êđê. Bởi đó là lúc mỗi gia đình, dòng họ bày tỏ lòng biết ơn thần linh, tổ tiên sau mỗi vụ mùa bội thu.

Về buôn Tlia (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) khi hoa cúc quỳ nở rực rỡ trên các sườn đồi, còn nương rẫy những hạt lúa sớm đã bắt đầu chín tới, khắp núi rừng chim chơ-rao bay liệng như báo hiệu buôn làng bước vào mùa thu hoạch thì cũng là lúc người Êđê nơi đây tổ chức lễ mừng cơm mới để tỏ lòng biết ơn giàng (trời) đã cho mưa thuận, gió hòa mùa màng bội thu, buôn làng được ấm no hạnh phúc và cầu xin giàng giúp lũ làng có nhiều sức khỏe, cho cây lúa mùa rẫy sau tốt tươi nhiều hạt. Với đồng bào Êđê lễ mừng lúa mới là cái “tết” mang nhiều ý nghĩa tâm linh bởi để có cơm mới cúng giàng, người dân phải trải qua những công đoạn hết sức kỳ công trong việc chọn đất, trồng, chăm sóc và bảo vệ lúa thiêng. Theo quan niệm của người Êđê không phải mảnh đất nào cũng trồng được lúa thiêng mà chỉ nơi nào giàng cho phép thì họ mới tiến hành sản xuất, bởi tập tục quy định khi người dân trong buôn đi tìm đất làm nương rẫy nếu nghe tiếng hươu nai kêu thì đó là điềm xấu, phải quay về. Nếu tìm được mảnh đất tốt thì chặt một cành cây cắm xuống đất đánh dấu hoặc cắm xà gạc rồi đi thẳng về nhà. Trên đường về buôn làng, người chủ rẫy không được nói chuyện với bất kỳ ai, làm vậy để sau này chim muông, thú rừng không biết chỗ tới phá hoại hoa màu. Ngày chọn đất làm nương phải kiêng người lạ vào nhà, đến tối ngủ chủ nhà theo dõi giấc mơ của mình, nếu mơ thấy đào nhà, đánh được cá là điềm tốt; nếu thấy máu chảy, heo đuổi cắn, ché vỡ, gặp con culy… là những điềm rất xấu, mảnh đất đó dù có màu mỡ bao nhiêu thì người dân cũng bỏ. Vì vậy hôm đi chọn đất để khai phá nương rẫy, việc khấn và thỉnh cầu sự phù hộ của thần linh được coi là điều cần thiết. Theo người già ở đây cho biết nếu người dân trong buôn làng muốn làm ăn gặp được nhiều may mắn thì trong đám rẫy của mình, người chủ nhà phải chọn một mảnh đất nhỏ thật màu mỡ, tương đối bằng phẳng để gieo lúa sau này làm cơm cúng giàng. Già Ama Phiên cho biết: “Những mảnh đất màu mỡ được chủ nhà chọn trong rẫy của mình được gọi là “đất thiêng”, bởi theo luật tục ngoài chủ gia đình không ai được bước chân vào mảnh đất ấy…”. Giống lúa gieo ở “đất thiêng” phải là giống tốt, gạo ngon và dẻo thơm nhất. Khi lúa chín tới người chủ phải chọn lấy cái gùi mới, đẹp và chắc chắn nhất do đích thân họ đan. Lúc tuốt lúa không được dùng đến bất cứ một dụng cụ gì mà chỉ dùng bàn tay trực tiếp để tuốt, dù có đau đến mấy cũng phải chịu vì người Êđê quan niệm làm như vậy giàng mới thấy được cái tâm chân thành của mình. Trong tất cả các khâu từ khi tuốt lúa đến nấu cơm làm lễ, lúa, gạo, cơm phải để ở những nơi cao ráo, sạch sẽ và không chạm trực tiếp xuống đất. Bởi nếu bất cẩn để lúa, gạo, cơm cúng chạm đất sẽ mất linh thiêng và bị giàng, thần linh, tổ tiên trách tội. Lễ vật cúng cùng với cơm mới thường có rượu cần, heo, gà, thịt trâu, thịt rừng… nhưng hiện nay thì thịt rừng người dân không dùng vì pháp luật quy định không được săn bắn động vật hoang dã. Chuẩn bị xong lễ vật, người được chọn làm chủ lễ thường là già làng có uy tín nhất, ăn mặc trang nghiêm trực tiếp lấy máu con vật hiến tế bôi lên kho lúa, miệng-tai ghè rượu và cần hút rượu. Tiếp đó lấy ít rượu đổ ra rẫy, lên kho lúa, cho cái rẫy, cái kho lúa được ăn uống, chia vui cùng với dân làng. Sau khi bài trí xong, người chủ lễ quỳ xuống dâng chén cơm hoặc nắm cơm mới lên ngang ngực mắt hướng lên trời mời chủ nhà ra nhận lễ rồi tiếp tục cúng khấn giàng. Cúng xong, những người trong gia đình cầm một cành lá nhỏ nhúng vào bát rượu rồi đi vẩy lên người nhau, lên đám rẫy, lên dàn chiêng, bếp lửa, kho lúa, cầu thang... như tỏ ý chúc sức khỏe lẫn nhau và cùng hưởng những phần giàng cho. Lễ cúng cơm mới kết thúc là lúc chủ nhà cùng anh em họ tộc chúc mừng một mùa vàng bội thu. Đây cũng là dịp để họ chia sẻ với nhau những gì đã diễn ra trong vụ lúa mùa đầy khắc nghiệt của thiên tai. Cũng tại lễ mừng cơm mới các gia đình còn bàn việc đôi lứa của con cái, việc khai hoang rẫy mới… Ngày hội không chỉ thu hút cá nhân trong một buôn làng, mà còn thu hút cả cộng đồng lân cận một cách tự nguyện. Trong lễ hội, mọi người cùng gửi gắm những ước mơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi, buôn làng giàu, mạnh.
Thầy cúng đang làm lễ cúng cầu lúa đầy bồ tại gia đình ông Ama Phiên.
Thầy cúng đang làm lễ cúng cầu lúa đầy bồ tại gia đình ông Ama Phiên.

Không biết lễ mừng lúa mới xuất hiện tự bao giờ, nhưng từ bao đời nay trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây lễ mừng lúa mới là sự hòa quyện tâm linh giữa trời và đất, thần thánh và con người nhằm hướng cho con người ta tới một cuộc sống thánh thiện trong năm mới.

Tuấn Anh

 


Ý kiến bạn đọc