Thăm thẳm miền ký ức
Từ Trại Sáng tác Âm nhạc và Múa Dak Lak lần thứ I (năm 1994) đến trại lần thứ III này (2012) đã 18 mùa cây rừng thay lá. Thời gian chưa phải là dài lắm so với một đời người, nhưng cũng đủ làm nên biết bao đổi thay. Một tuần cấp tập cùng các nhạc sĩ trẻ trở lại các vùng miền dân gian, gợi trong tôi biết bao ký ức xa xăm.
Thầy cúng không có trang phục dân tộc. |
1. Xã Cư Pơng (Krông Buk) và thị trấn Liên Sơn (Lak) là hai trong những địa chỉ đầu tiên mà những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX được chúng tôi chọn để sưu tầm văn hóa dân gian Dak Lak. Hôm nay ở đây tôi gặp lại các nghệ nhân Y Ngọc (người Êđê), cựu diễn viên đàn T’rưng của Đoàn Ca múa Dak Lak từ thời kháng chiến chống Mỹ và nghệ nhân Ama Krang (người M’nông), người đầu tiên đã truyền cho cố Nghệ sĩ ưu tú – đạo diễn múa Đinh Long Ta những động tác thổi kèn M’nông Bro và múa rung ngực, để anh sáng tạo nên múa Kong Koh – nay trở thành một trong những tiết mục kinh điển của ngành múa Việt Nam. Năm tháng chất chồng qua bao mùa rẫy khiến mái tóc các nghệ nhân đã mang mang sương núi. Y Ngọc lắc lắc đầu bất lực khi tôi nói anh làm lại động tác múa khil đao để chụp hình “già hung rồi, múa mệt quá!”. Nghệ nhân Ama Krang thì diễn tấu đàn Tlăk tlơ một hồi đã buông dùi vì mỏi tay. Còn bao nhiêu nghệ nhân già nữa khắp Tây Nguyên đã và sẽ “rửa tay gác kiếm” như Y Ngọc và Ama Krang?
Hai cuộc gặp gỡ với các nghệ nhân diễn ra không thật sự như chúng tôi mong đợi. Dàn ching Cư Pơng ngồi bệt trên sàn nhà cộng đồng thay vì ngồi oai nghiêm trên ghế kpan giữa nhà dài. Thầy cúng cầu chúc sức khỏe cho nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trưởng đoàn và ông Trương Bi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao – Du lịch nhưng không có trang phục dân tộc (ô, liệu các Yang có vì thế mà nhận lầm người không nhỉ?). Nhóm diễn tấu Đinh Tút vốn là của sáu chị em cùng nhau tâm sự, lại có những bốn người đàn ông mà chỉ có hai người phụ nữ diễn tấu. Tương tự như thế, ở buôn M’liêng, nơi từ nhiều năm nay được Sở Văn hóa lựa chọn thực hiện dự án đầu tư bảo tồn không gian văn hóa truyền thống của nhóm người M’nông R’lâm, cả đội nghệ nhân M’nông Gar nữa, đều không có trang phục cổ truyền, đoàn ca múa phải mang theo phục trang để cho nghệ nhân mượn mặc. Rồi thì thay vì một chiếc, lại có tới bảy chiếc kèn M’nông Bro dàn hàng cùng thổi như diễn tấu Đinh Tút, những động tác lẫn đội hình múa không phải theo ngược chiều kim đồng hồ, cũng chẳng phải cùng chân cùng tay như phong cách cổ truyền, mà đã có bàn tay dàn dựng cho… “phù hợp với phong trào nghệ thuật quần chúng cả nước”(?). Mới chỉ hai địa chỉ văn hóa dân gian cổ truyền được coi là “còn nguyên” ở Dak Lak mà đã thế, khắp Tây Nguyên sẽ còn những sự đổi thay đến đâu?
Ước giá mà… những phút cuối của đêm, được nắm tay các chàng trai Êđê, M’nông vồng ngực căng sức trẻ kia, lẫn những em gái má hồng vì rượu cần, chung bước trong một vòng xoang quanh ánh lửa, trong sự chở che của vòm đa cổ thụ rì rào (dẫu vẫn biết Êđê, M’nông chẳng có điệu xoang tập thể ấy như tộc người Jrai, nhưng có sao đâu, vẫn là múa tập thể của Tây Nguyên mà), thì mai này ký ức còn trọn vẹn đến thế nào trong các nhạc sĩ trẻ nhỉ?
Nhưng tim tôi bất chợt lỗi nhịp khi nghe dàn ching Êđê Cư Pơng và chưng bo M’nông cất lên những âm điệu đầu tiên. Bởi bất chấp những thách thức của thời gian, hồn dân tộc vẫn còn đó, trong từng nhịp đảo của ching, chưng, trong từng làn điệu k’ưt tâm tình hay arei náo nức, trong tiếng u u của dàn M’nông Bro vang lên bên bập bùng ánh lửa, dưới bóng thẫm đen như bóng đêm của cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Thật tự hào khi tiếng ching Cư Pơng vẫn sầm sập như “thác đổ”, ào ạt như “mưa đá”, đuổi theo nhau xoay vòng như “chong chóng quay” (*). Tôi hớn hở dịch khoe với bạn bè lời ayrei chúc sức khỏe anh chị em trong đoàn, lời k’ưt chào mừng sự trở lại của tôi với Cư Pơng hôm nay đã nhiều đổi thay, không chỉ có chất giọng vang vang trong làn điệu mà còn có vần, dẫu là sự ngẫu hứng, điều mà không phải nhạc sĩ sáng tác nào cũng làm ngay được đâu. Và tôi với nhạc sĩ Y Phôn cũng thú vị biết mấy khi cùng nhau cất lên những câu hát dân gian về nỗi niềm của chính chúng tôi ngày trở lại Cư Pơng…
Ừ! Thì ta vẫn là ta, mà sao lòng lại nao nao làm vậy? Phải chăng vì hai chữ “không gian” đã chẳng còn được như mong muốn. Và tất cả chỉ còn là một trong những lần trình diễn như ở hội diễn đâu đó mà thôi?
2. Giáp ngày tổng kết trại, các nhạc sĩ Hà Nội đi thực tế sáng tác cho tỉnh Dak Nông ghé qua, gặp nhau. Có hai nhạc sĩ đã từng có mặt ở Dak Lak 25 năm về trước là Giáo sư - nhạc sĩ Chu Minh (tác giả ca khúc nổi tiếng “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam”) và nhạc sĩ Ngọc Khôi, nay đã là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong câu chuyện, chúng tôi không khỏi đôi chút bùi ngùi khi nhắc tới những người “muôn năm cũ”, nay đã đi xa. Đó là những nhạc sĩ Văn Tấn, tác giả “Mùa xuân em nhớ Tây Nguyên”, già làng Kpă Púi của ca khúc “Tây Nguyên giải phóng”, Y Sơn Niê với “Wao anei hla” và “Về buôn mới”, là Đức Hùng với “Yêu sao Dak Lak hôm nay”, rồi còn những Ngọc Minh với “Lời gọi Ya Ly”, Đặng Cường, Phạm Cao Đạt ở Kon Tum đều đã rời cõi tạm… Những bài hát của các anh xanh mãi với thời gian và tâm hồn người yêu nhạc. Và các anh vẫn còn đây trong thăm thẳm miền ký ức của bạn bè.
Rồi lại giật mình thêm lần nữa, vì trong cuộc hội tụ ngày ấy, chúng tôi vẫn còn là những “nhạc sĩ trẻ” đầy năng lượng sáng tạo, trại lần I có thêm Y Phôn, trại lần III này gần như tất cả đều đã đi qua bên kia con dốc cuộc đời (đến Nguyễn Cường dường như tinh hoa vẫn phát tiết, mà qua năm cũng đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” rồi). Vậy mà nhìn lại đằng sau, chưa thấy có thêm gương mặt trẻ nào để nối tiếp con đường lớp trước (Gia Lai đã có thêm Thảo Nam Giang và Phi Ưng, dân tộc Bâhnar, Kon Tum sau nhạc sĩ A Đuh cũng chưa thấy “tia hy vọng” nào, Dak Lak – tốt nghiệp sáng tác có Y Vol nhưng đã bị thủ đô níu chân và Y Ghim thì biến mất trong vườn cà phê nào đó…). Trách nhiệm thuộc về ai nhỉ? Có cơ quan chức năng nào nghĩ đến điều ấy không?
3.Ai đó thắc mắc “trại gì có một tuần, làm sao sáng tác được?” nhưng nghệ thuật đâu có phải là thứ ép mà cho ra được? Các nhạc sĩ viết khí nhạc và nhạc múa chỉ mới thu nhận được chất liệu, chắt chiu lấy cảm xúc và nhận “đơn đặt hàng” của các đạo diễn múa, với những “Suối tóc” của Kiều Diễm Mlô, “Khát vọng dương gian” của Tuyết Mai… còn phải chờ hoàn chỉnh kịch bản múa mới theo đó mà phát triển, một tháng nữa hoàn thành là nhanh. Bù lại, một số ca khúc khởi thảo, mới chỉ nghe qua tên bài, chắc chắn đã làm hài lòng Ban Tổ chức, như : nhạc sĩ Lưu Hà An bây giờ mới biết có một “thứ” âm nhạc Tây Nguyên chẳng giống những gì mình từng nghe, nên đã có ngay “Nụ cười Ban Mê” và “Say men đại ngàn”, hay ca khúc “Đêm chiêng” của nhạc sĩ chuyên phối khí Minh Đạo, “Hãy cưới anh đi em” của Sỹ Hùng, “Lời ru Tăk tar” của Y Phôn, “Nhớ” của Linh Nga Niê Kdam… Đặc biệt, Lê Minh Sơn với lời thú nhận “cứ như bị âm nhạc dân gian nơi đây làm cho u u mê mê lôi tuột đi” đã khiến cả trại lặng phắc khi trình bày ca khúc “Voi không đuôi” đầy nỗi niềm về một quá vãng đã xa, rằng: “Ai mà ác thế làm những con voi Tây Nguyên không đuôi/ Ai mà ác thế làm những cánh rừng Tây Nguyên không cây/ Còn đâu đàn chim trắng, trắng giấc mơ già làng/ còn đâu bầy thú hoang ám ảnh giấc mơ già làng”… Thăm thẳm một giấc mơ về quá vãng, đâu chỉ của già làng…
Hay, dở chưa thể nói một lời hôm nay, bởi phải chờ đợi sự cảm nhận của công chúng. Nhưng bằng ấy điều đã kể sẽ là minh chứng cho tình yêu đối với mảnh đất quê hương của dũng sĩ Dam San, dẫu cho chỉ còn 80% những gì của quá khứ, vẫn đủ làm say mê tâm hồn những người sáng tạo.
Chúng ta có quyền hy vọng và chờ đợi ở họ chứ ?
Linh Nga Niê Kdam
Ý kiến bạn đọc