Multimedia Đọc Báo in

Vui, buồn sau một cuộc Liên hoan

09:31, 20/04/2012

Cố nhạc sĩ Trần Hoàn đã từng kể bằng âm nhạc câu chuyện Bác Hồ yêu dân ca Việt Nam. Và những người yêu nhạc, không ai không nhớ câu hát cuối của ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”: “ rằng, muốn yêu tổ quốc mình, càng yêu thắm thiết những khúc hát dân ca”. Liên hoan Thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc do Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh tổ chức 2 năm một lần cũng không ngoài mục đích góp phần cho thế hệ trẻ thêm hiểu và yêu âm nhạc dân gian của quê hương mình.


Tiết mục diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên của đơn vị xã Ea Tiêu  (huyện Cư Kuin).                                                                          Ảnh: T.L
Tiết mục diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên của đơn vị xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin). 

Tuổi trẻ vốn yêu ca hát nên Liên hoan Thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc lần thứ II - 2012 (diễn ra trong hai ngày 17 - 18-4) đã quy tụ được 13 huyện, thị, thành phố với hơn 300 diễn viên của 7 dân tộc anh em tham gia. Một cuộc liên hoan, hội diễn, nếu chỉ có những giải thưởng nhất, nhì, ba… thì đã trở thành những nỗi buồn vui quá quen thuộc, không có gì đáng nói. Nhưng sau cuộc liên hoan lần này, có những điều vui buồn mà không biết có làm ai suy nghĩ hay không?

Vui vì liên hoan quy tụ đông đảo bạn trẻ thích hát và hát hay dân ca các vùng miền. Không chỉ dân ca Êđê (như làn điệu ayrei Êđê qua bài hát đối đáp “Buôn Dur Kmăn” đã trở nên phổ biến sâu rộng khắp trong tỉnh), J’rai, Sê Đăng, quan họ, dân ca ba miền, mà còn cả dân ca Mông, Tày, Nùng… Có những bài dân ca rất ít được biết đến như “Chèo thuyền”, dân ca Thanh Hóa (Krông Pak), “Đi cấy” - dân ca Quan họ (Ea Kar) cũng được các bạn tìm tòi, biểu diễn. Vui khi thấy tận mắt, tận tai nghe nhiều lứa tuổi thanh thiếu niên dân tộc ít người ở trên địa bàn tỉnh đã biết diễn tấu chiêng tre, chiêng đồng một cách thành thục (đoàn Cư M’gar, Cư Kuin...),  thiếu nữ tuổi trăng tròn được bà, mẹ truyền dạy múa chính xác điệu Grứ phiơr (đoàn thị xã Buôn Hồ), tấu rất hay bài chiêng Mường (đoàn TP. Buôn Ma Thuột). Thế đã là góp phần vào việc bảo tồn “Di sản văn hóa phi vật thể truyền miệng của nhân loại” rồi còn gì. Vui nữa, vì hiếm hoi lắm mới “gặp” được một nghệ nhân chưa già (Krông Bông) mà thổi đinh buốt và hát điệu K’ưt Êđê rất hay; hoặc giữa cao nguyên được “chiêm ngưỡng” diễn tấu khèn Mông (đoàn M’Drak) rất điệu nghệ. Giá mà có một hòn đá, để anh ấy vừa thổi khèn – thậm chỉ bằng một tay nữa – vừa trình diễn trên ấy những bước xoay chân chuyển trọng lượng, đá gà, vờn khèn, đập chân điêu luyện như  ở miền núi Nghệ An quê anh thì tuyệt biết mấy. Cũng hiếm hoi lắm mới có được một cô gái trẻ hát Then hay (đoàn Krông Pak) , một thanh niên biết làm cho cây đàn tính Tày (Ea Kar)  cất lên những âm thanh chính xác như thuở nào đàn hát giữa núi rừng Việt Bắc… Và thích thú với những chiếc gùi rất xinh của nghề đan mây tre truyền thống dành cho những cô gái nhỏ (Krông Bông); lại còn biết thêm rằng trang phục nam của người Mông ở Nghệ An giống hệt trang phục người Dao đeo tiền (thậm chí cả điệu múa gậy tiền của các em gái Mông rất xinh xắn, cũng y như múa của người Dao nữa ?).

Còn buồn ư? Trước hết là vì các bạn trẻ Krông Năng và Ea Súp không có kinh phí nên chẳng thể được cùng bạn bè thi thố tài năng, tình yêu và sự hiểu biết của mình với vốn âm nhạc cổ truyền của quê hương. Sau nữa là sự “nghèo nàn” của thể loại. Dân ca Việt Nam và Tây Nguyên đều rất phong phú, tài liệu in thành sách cũng hàng trăm bài, rất nhiều. Vậy mà trừ một, hai bài mới, còn chỉ quanh đi quẩn lại có vài làn điệu quen thuộc. Đoàn nào cũng thế thì đơn điệu lắm. Buồn nữa là sao lại đặt tên cho các bài chiêng một cách vô lý thế? Bởi làm gì có cái gọi là “Chiêng mừng ngày hội”, “Chiêng mời rượu”? Chỉ có bài ching trong lễ cầu mưa, lễ cúng bến nước, đón khách, gọi về sum họp…thôi chứ. Bịa ra làm gì, bà con biết cả đấy, có điều không nói ra thôi.

Góp ý thêm hai điều nữa :

Trừ những hoạt cảnh thôi, trình diễn hát mà nhiều đạo cụ quá, không chỉ mua sắm tốn tiền còn làm bận tay, vướng víu, che mất cả hình thể người hát. Tuồng, chèo, cải lương – sân khấu truyền thống của Việt Nam – chẳng mang tính ước lệ cao lắm  đó sao?

Thêm nữa, việc phối khí để hát với CD hiện rất phổ biến và tiện lợi. Nhưng các “nhà” làm nhạc không để ý những điều tưởng nhỏ nhặt mà lại gây ảnh hưởng lớn, ví dụ như hát dân ca Êđê mà nhạc đệm lại giai điệu J’rai; hoặc dân ca thường đơn giản, mang tính trữ tình lại được phối ồn ào theo kiểu nhạc nhẹ. Thiếu tính thẩm mỹ của nhạc đệm có thể làm hỏng cả phần trình diễn của người hát. (Kể cả múa gậy tiền của các em gái Mông, nguyên gốc chỉ có tiếng những đồng tiền gắn trong cây gậy làm nhịp điệu. Đâu có nhạc giần giật như thế?).

Buồn, rồi lo. Trang phục diễn tấu ching , múa phụ họa cho chiêng mà không phải là nguyên gốc, hay chí ít là trang phục thổ cẩm cải tiến (kiểu áo khoác, áo ngắn tay, váy dệt không hoa văn…) mà lại thuê những váy, áo, khố lòe loẹt của văn nghệ quần chúng về cho các cháu mặc? Chẳng lẽ nghề dệt truyền thống vắng vẻ ở các buôn làng đến thế sao? Lỗi ấy thuộc về những người làm công tác văn hóa, lãnh đạo thanh niên không tìm tòi hay không am hiểu, thậm chí là không mấy ưa thích công việc này mà làm cho qua loa, cho có chăng? Hay tại một bộ phận thanh niên bây giờ không thật sự yêu mến những gì của chính mình nữa?

 Còn nữa, sao các cháu gái Mông lại hát và nhảy bài ca Trung Quốc mà giới thiệu đó là dân ca Mông? (Dân ca Mông đa phần thuộc thể hát nói, giai điệu chậm, buồn, mang tính tự sự, chứ có làn điệu nào theo kiểu “disco Mông” như các cháu hăng hái trình diễn thế đâu?). Hát Then và cây đàn tính của người Tày hay thế (ngành văn hóa đã chẳng tổ chức hẳn những cuộc liên hoan hát Then, đàn tính toàn quốc đó sao),  nhưng đa phần các em  đến với liên hoan lần này hát không đúng điệu, hoặc không thể lên dây chính xác được cho cây đàn tính. Rồi các giọng hát quan họ trẻ rất trong sáng, vang nhưng thiếu hẳn sự mềm mại, luyến láy hột lẫn nảy, rền đặc trưng. Liệu rồi di sản quý báu ấy có mai một đi, khi thóc lúa, cà phê đầy bồ không?

Giá mà Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh hay các Nhà văn hóa hằng tuần có chương trình truyền dạy dân ca cho những người yêu thích, thì hay biết mấy ? 

Linh Nga Niê Kdam    


Ý kiến bạn đọc