Multimedia Đọc Báo in

Hoa báo nắng

09:06, 19/05/2012

Khi hoa dã quỳ bắt đầu chớm nở là lúc người ta thở phào nhẹ nhõm vì sẽ không phải khoác trên người tấm áo mưa lục xục lình xình, ướt nhẹp mùi ẩm mốc.

Thường thì ta không để ý đến loài hoa dại này bởi bận trăm công nghìn việc cho cuộc mưu sinh, nhưng khi thấy quanh mình đâu đâu cũng vàng rực sắc hoa dã cúc, trên triền đồi, trong góc sân, chen chân trong bờ giậu… ta bỗng đâm ra nể phục loài hoa có sức sống vô song này.

Thân thảo, lá rộng có nhiều khía, cao khoảng hai, ba mét, chu kỳ sinh trưởng và phát hoa của dã quỳ là một năm. Sau khi hoa tàn, lá rụng, thân dã quỳ gầy khô thì gốc rễ của nó vẫn sống tiềm sinh chờ mùa mưa đến thì đâm chồi nảy lộc. Một thế hệ dã quỳ sẽ tiếp nối. Dã quỳ ở nước ta là cây di thực, được người Pháp đem vào trồng quanh các đồn điền cao su của họ ở Tuyên Đức, Lâm Đồng hàng trăm năm trước. Do dã quỳ chứa nhiều chất P, Ca, Mg nên làm phân hữu cơ khá tốt, dễ hoai mục, thân cũng có thể làm giàn cho nhiều loại dây leo. Trồng bằng cách giâm cành, hạt dễ phát tán nên dã quỳ nhanh chóng chiếm lĩnh các nơi có đất trống ở Tây nguyên.

Tôi sinh ra và lớn lên từ ngôi làng nhỏ cheo leo bên triền núi. Đó là ngôi làng mà cư dân đầu tiên là những người đi phu cho đồn điền chè Cầu Đất. Ở đó, người ta sinh sống bằng nghề trồng su su. Trong ký ức tôi còn lưu giữ hình ảnh mẹ, với bộ đồ cũ và mùi hăng hắc mỗi khi mẹ đi chặt dã quỳ và vác nó về. Nhựa dã quỳ dính áo thì khó giặt vô cùng nên áo mẹ cứ thế mà loang lổ, mà xấu xí làm sao. Mẹ bảo: tuy nó khó ngửi nhưng ghẻ chốc chẳng bao giờ dám mon men tới con ạ.  Mẹ lặn lội suốt mùa mưa để thu hái dã quỳ, rồi băm vụn ra, đào một cái hố thật lớn thả chúng xuống đó cùng với phân gà, phân lợn, nước vo gạo, nước rửa rau… Khi dã quỳ đã hoai thì mẹ lấy lên bón cho từng gốc su su cằn cỗi của mình. Mẹ vất vả thế còn chúng tôi thì cũng có cái để chơi. Sau khi vặt hết lá thả xuống hố cho mẹ, chúng tôi lấy thân dã quỳ chia phe đánh trận giả. Đứa nào bị đánh trúng thì bị bắt làm “tù binh” mà không thể chối cãi được vì có dã quỳ làm nhân chứng, chúng gãy ra nhiều đoạn vì thân non và giòn. Rồi cũng có lần mẹ tét tôi vài roi dã quỳ như thế, nghe phần phật nhưng chẳng đau đớn gì, chỉ tội cho cái đít quần xanh lét xanh lơ…

Vượt qua thời gian, vượt qua bộn bề khốn khó làng tôi bây giờ đã khác xưa. Mái ngói đỏ hồng đã thay cho mái tranh dột nát, lũ trẻ bây giờ cũng không chơi những trò lấm lem đất cát như tụi tôi ngày xưa. Cây dã quỳ và trận giả chỉ còn trong ký ức.

Vượt lên bão lũ, cây dã quỳ tất bật phun hoa đón nắng. Cảm ơn dã quỳ đã đánh thức mặt trời dậy để cho nắng ấm chan hòa khắp thế gian.

Lý Thị Minh Châu


Ý kiến bạn đọc