Multimedia Đọc Báo in

Những nghề thủ công độc đáo ở khu vực châu Á

22:04, 11/05/2012

 

1. Nghệ thuật cắm hoa Ikebana của người Nhật Bản


 

Ikebana là nghệ thuật cắm hoa của Nhật Bản hay còn có tên gọi khác là kado (hoa đạo). Sản phẩm của trường phái nghệ thuật này được bài trí khá công phu, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật hài hòa, biểu tượng cho ba yếu tố của vũ trụ là trời, đất và con người. Nghệ thuật Ikebana ra đời cách đây hơn 6 thế kỷ, có nguồn gốc từ một nghi thức tế hoa linh hồn người đã khuất của Phật giáo. Giữa thế kỷ 15, cùng với sự nổi lên của những phong cách cổ điển, Ikebana trở thành một môn nghệ thuật tôn giáo độc đáo, cho dù nó vẫn tiếp tục giữ lại được tính tượng trưng và ý nghĩa triết học. Ikebana ra đời dựa trên niềm tin cho rằng hoa chỉ bị ngắt chứ không mất đi sự sống, Ikebana là ước muốn nắm bắt được cái tâm của hoa. Bộ môn nghệ thuật này được ra đời và giới thiệu bởi một môn sinh đạo Phật tên là Senmu. Theo Senmu thì nghệ thuật Ikebana là sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, mỗi khóm hoa được cắm đều phải bao gồm 3 phần chính là shin (phần cao nhất), soe (phần thân giữa) và hikae (phần thấp nhất). Mỗi bông hoa phải được cắm làm sao cho chúng trở thành nền tôn hình dáng hoặc mùi hương các bông còn lại. Thông lệ, các nghệ nhân Ikebana sử dụng hai loại hoa khác nhau cho một tác phẩm nên rất đơn giản song lại rất sinh động và hài hòa.

2. Nghề cuốn giấy xếp theo hình tổ ong


 

Nghề cuốn giấy xếp theo hình tổ ong (Quilling hay Paper filigree) là hình thức nghệ thuật rất độc đáo và cổ truyền của người dân châu Á có liên quan đến việc sử dụng chất liệu giấy cuộn, có hình dạng và dán với nhau để tạo ra các sản phẩm trang trí. Tên gọi nghề này bắt nguồn từ việc tạo ra các cuộn giấy tròn để chế tác ra các sản phẩm mang tính trang trí. Trong thời kỳ Phục Hưng, nữ tu sĩ Pháp và Italia đã sử dụng kỹ thuật Quilling để trang trí bìa sách và các mặt hàng tôn giáo. Về sau, nghề này phát triển mạnh tạo ra những sản phẩm nghệ thuật có giá trị mạ vàng hay còn gọi là đồ kim tuyến giấy với những hình dạng và kích thước khác nhau. Thậm chí có những sản phẩm được làm hoàn toàn từ nguyên liệu giấy nhưng lại có chất lượng cao, màu sắc trang nhã, chất lượng tốt, đanh mặt, dai, không xơ, phù hợp với điều kiện thời tiết gió mùa và được khách hàng gần xa mến mộ.

3. Nghề đúc đá nghệ thuật


 

Đúc đá nghệ thuật là nghề truyền thống có từ lâu đời tại khu vực châu Á. Các công đoạn chính của nghề này là cắt, đánh bóng đá và điêu khắc trên đá, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật từ chất liệu đá, phục vụ cho việc xây dựng, đặc biệt là cho những kiến trúc về tôn giáo, đền chùa hay các công trình lịch sử . Nghề mài đá nghệ thuật có từ thời tiền sử, bằng chứng là con người đã sử dụng các công cụ và vũ khí làm từ đá. Ngày nay nghề này phát triển rất mạnh, không những tạo ra sản phẩm có giá trị mà nó còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

4. Nghệ thuật gấp giấy Origami của người Nhật


 

Nghệ thuật gấp giấy Origami của người Nhật Bản là kết hợp cách gấp đơn giản để biến miếng giấy hình chữ nhật, hình vuông thành đồ vật phức tạp mà không cần cắt dán, nhất là xu hướng Origami hiện đại. Các quy tắc origami truyền thống của Nhật Bản bắt nguồn từ triều đại  Edo (1603-1867) đơn giản hơn, có thể là hình tròn, tam giác, và cắt dán trong quá trình gấp. Origami là một bộ môn nghệ thuật, một nghề truyền thống có từ khoảng thế kỷ thứ nhất hay thứ 2 ở Trung Quốc, sau đó lan sang Nhật vào thế kỷ thứ 6 và dần dần trở thành một nghệ thuật độc đáo của xứ sở hoa Anh Đào. Origami truyền thống Nhật Bản là để phục vụ lễ nghi, như lễ hội noshi (triều Muromachi 1392) và qua nhiều thế kỷ, ngày nay đã trở thành một nghề thủ công để làm đồ trang trí, tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích như rồng, phượng, các tòa tháp mô phỏng cho đến những mẫu origami phức tạp có thể dùng lá kim loại mỏng thay cho giấy. Một trong số những sản phẩm origami được biết tới nhiều nhất là con hạc, biểu tượng tốt lành trong quan niệm của người Nhật. Tương truyền, ai gấp được 1000 con hạc giấy có thể biến được điều ước thành sự thật. Ngoài ra hình ảnh hạc giấy còn là biểu tượng của hòa bình. Origami là một nghệ thuật có tác dụng chữa bệnh, làm êm dịu thần kinh, chữa chứng mất ngủ và xua tan stress. Với đại đa số người Nhật, Origami là thứ giải trí rất hữu hiệu "chơi mà có tác dụng", đặc biệt khi sáng tác một mẫu mới người ta cảm thấy hưng phấn bởi nó mang màu sắc riêng và tạo ra cảm giác vui thích, dễ chịu. Ngoài ra, Origami còn liên quan đến toán học, đặc biệt là hình học. Không phải ngẫu nhiên mà các nghệ nhân cao thủ Origami được tôn vinh bởi họ là những người có bộ óc sáng tạo cao và rất giỏi toán, phương châm của họ là "bạn nhìn thấy gì, tôi tưởng tượng được; bạn tưởng tượng điều gì, tôi sẽ gấp được cái ấy".

5  Nghề rèn dao


 

Mặc dù khoa học ngày nay rất phát triển nhưng ở nhiều quốc gia châu Á, người ta vẫn duy trì một nghề khá đặc biệt: nghề rèn dao (knifemaking). Đây là quá trình sản xuất dao hoàn toàn thủ công từ chọn vật liệu, rèn phôi, hàn ghép cho đến khâu hoàn thiện và trang trí. Nguyên liệu chính là thép carbon hoặc thép không gỉ hay kim loại màu. Sản phẩm cuối là những con dao được rèn thủ công, có kích thước kiểu dáng đẹp, đảm bảo độ cứng, độ mềm, độ sắc và không bị ăn mòn, có thể dùng “chém đinh chặt sắt” mà không việc gì. Tại vùng Tây Tạng, Trung Quốc, người  dân ở đây thường mang bên mình một con dao được rèn thủ công hay còn gọi là dao Tạng vừa để  trang sức vừa là vật dụng phòng thân hay sử dụng hằng ngày, riêng chuôi dao, bao đựng còn có những tiết họa giống như bùa hộ mệnh, sát quỷ trừ ma và mang lại nhiều điều may mắn cho con người. Trong lễ thôi nôi của trẻ em Tây Tạng, người ta thường dùng một con dao được trang trí đẹp để làm quà thay cho lời chúc phúc đối với thiên thần bé nhỏ.  Mọi nhà đều biết rèn dao, người người đều biết rèn dao, nhưng chất lượng lưỡi dao cũng như hoa văn, họa tiết thì mỗi nơi một khác, nó thể hiện rõ trình độ của người thợ cũng như gia cảnh, điều kiện của chủ nhân. Để làm được một con dao Tạng đẹp không chỉ mất nhiều thời gian mà còn tốn khá nhiều công sức, thông thường phải do hai hay ba người làm với bí quyết mang tính gia truyền. Bí quyết này chỉ được cha truyền lại cho con trai, không truyền cho con gái và người ngoài.  Có những dòng họ nổi tiếng về nghề làm dao lại chia bí quyết ra cho 2 người có uy tín trong họ nắm giữ, hai người này lại tự chọn ra 2 hậu duệ để truyền lại. Những người này được nhắm từ tuổi vị thành niên, phải qua thử thách mới được chuyển giao bí kíp thông qua một buổi lễ  long trọng.

6. Nghề pyrography


 

Pyrography (tạm dịch: nghề viết bằng lửa), còn được gọi là pokerwork (đốt trên gỗ), bộ môn nghệ thuật trang trí trên gỗ hay các chất liệu tương tự bằng cách dùng ngọn lửa để tạo ra hình ảnh. Pyrography có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là viết bằng lửa, dựa trên nguyên lý của người cổ đại dùng que nóng để vẽ tranh lên tường. Theo nguyên lý này người ta sẽ dùng công cụ đặc biệt có đủ độ nóng kiểu như đầu que hàn để đốt cháy gỗ, hay các loại vật liệu khác như da thuộc sau đó hoàn thiện để tạo ra những tác phẩm đa dạng và phong phú. Về xếp loại, pyrography được coi là một loại hình nghệ thuật dân gian hơn là điêu khắc. Ví dụ,  bầu khô vốn thường được sử dụng làm bình đựng nước trong nhà là một trong những đối tượng phổ biến được trang trí bằng kỹ thuật pyrography. Dần dần, pyrography được trang trí ở mọi chất liệu mà người sáng tác có cảm hứng. Theo nghiên cứu, nghệ thuật pyrography đã được sáng tạo bởi người Pêru vào khoảng năm 700 sau công nguyên. Tuy nhiên, pyrography cũng từng xuất hiện từ rất lâu ở Ai Cập, hay một số bộ lạc châu Phi. Riêng tại châu Âu,  pyrography xuất hiện từ thời trung cổ và phát triển mạnh trong thời Phục Hưng và đặc biệt thịnh hành thời Nữ hoàng Victoria. Lúc đó, người ta hay sử dụng một lò than củi có rất nhiều lỗ xung quanh. Mỗi lỗ cắm một que sắt với những kích thước, hình dạng khác nhau để nung nóng làm bút vẽ. Cho tới nay, pyrography đã được nhân rộng và rất thịnh hành ở nhiều nơi trên thế giới. Để có một tác phẩm đẹp, ngoài tài năng, kỹ xảo, và óc tưởng tượng thì dụng cụ sáng tác pyrography cũng đóng vai trò rất quan trọng. Cùng với thời gian, chúng đã phát triển rất đa dạng, từ những que sắt đến những thiết bị điện áp thấp điều chỉnh được có đầu nhọn hoặc những dây kim loại có đầu hình ngòi bút... đã giúp cho công việc "vẽ bằng lửa" trở nên đơn giản hơn.  Với sự đa dạng về đề tài, các nghệ nhân pyrography đã mang đến cho con người những sản phẩm có tính nghệ thuật cao, giá trị sử dụng lớn và làm cho cuộc sống của chúng ta ngày một thêm sinh động.

7. Nghệ thuật nặn tò he


 

Nặn tò he (toy figurine) là một bộ môn nghệ thuật, một nghề thủ công khá phổ biến ở Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt là ở các vùng quê Bắc Bộ của Việt Nam. Nặn tò he xuất hiện tại miền Nam Việt Nam không rõ từ lúc nào nhưng có lẽ là do các nghệ nhân miền Bắc di cư vào Nam, tuy nhiên, mức độ phổ biến không bằng tại miền Bắc. Ban đầu, tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá... vì vậy, người ta còn gọi sản phẩm này là "đồ chơi chim cò". Một số vùng ở miền Bắc Việt Nam, người ta còn gọi là "con bánh" vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Sản phẩm này có màu sắc tương đối giống đồ thực và có pha thêm chút đường nên có thể ăn được. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh "tò te" thế nên sau này người ta mới nói chệch ra thành "tò he". Nơi có truyền thống tò he lâu đời nhất là làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Theo người dân ở đây thì nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo, trộn ít nếp theo tỷ lệ 10 phần gạo, 1 phần nếp  để giữ được độ dẻo cho sản phẩm nhất là khi thời tiết hanh khô. Tất cả được trộn đều, ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, luộc chín và nhào nhanh tay. Sau đó, người ta nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng từng lô với 4 gam màu cơ bản là vàng, đỏ, đen, xanh. Trước đây, người ta sử dụng màu có nguồn gốc từ thực vật và đun sôi với một ít bột vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc hoặc dành dành, màu đen thì đốt rơm rạ hoặc dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng. Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này. Bây giờ, người ta chuyển sang sử dụng màu thực phẩm công nghiệp vì tiện ích của nó. Giống như tò he ở Việt Nam, ở Nhật cũng có một loại kẹo được tạo thành những hình thù phong phú và đẹp mắt, được gọi là amezaiku.  Amezaiku là một nghề thủ công truyền thống và đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, thường xuất hiện trên đường phố và trong các lễ hội Nhật. Nếu như ở Việt Nam tò he được cho là đồ chơi thì amezaiku của Nhật lại được coi là một loại kẹo, nhưng công dụng và các công đoạn chế tạo của nghệ nhân lại khá giống nhau. Nghề nặn tò he không chỉ là mộ bộ môn nghệ thuật đích thực mà nó còn là một nghề truyền thống tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, tạo thêm việc làm và là chất "xúc tác" giúp cho du lịch phát triển bởi du khách nước ngoài rất ngưỡng mộ tò he do nó đề cập tới những nhân vật trong cổ tích rất gần với văn hóa của họ như Alibaba, Aladin, Đôrêmon, Pokémon, Tề Thiên, Trư Bát Giới hay Na Tra…

Khắc Nam (Theo Net/WP/LV )


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.