Multimedia Đọc Báo in

Triển lãm nghệ thuật Phật giáo Myanmar

14:30, 11/05/2012

Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác 10 + 3 phát triển nguồn nhân lực văn hóa do Bộ Văn hóa Trung Quốc đăng cai tổ chức, tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã diễn ra những hoạt động quan trọng như hội thảo khoa học, trưng bày hiện vật, tham quan, nghiên cứu bảo tàng. Một trong những sự kiện đáng chú ý là cuộc triển lãm Nghệ thuật Phật giáo Myanmar giới thiệu 3 mô hình đền tháp, tượng, tranh, điện thờ Phật...thể hiện tinh hoa kiến trúc và điêu khắc của đất nước Myanmar.

Mô hình đền Dhammaygyi - Ngôi đền rộng nhất ở Bagan.
Mô hình đền Dhammaygyi - Ngôi đền rộng nhất ở Bagan.

Phật giáo có một lịch sử lâu dài hơn 2.500 năm tại Myanmar, và có đến 89% dân số nước này theo đạo Phật. Đền tháp là nét kiến trúc Phật giáo chung ở đây, là một phần văn hóa đặc sắc của Myanmar. Tuy nhiên, mãi đến năm 1053 sau Công nguyên, Phật giáo Theravada (Phật giáo nguyên thủy) mới được thiết lập chắc chắn ở nơi đây. Văn hóa Phật giáo có liên quan mật thiết đến đời sống của người dân Myanmar và về mặt truyền thống, họ cố gắng bảo tồn và quảng bá Phật giáo Theravada. Mỗi nhà đều có điện thờ Phật và họ niệm Phật hằng ngày. Đàn ông Myanmar đều phải đi tu một lần trong đời, nếu không anh ta sẽ bị người khác xem thường. Có nhiều phong tục, tập quán, lễ hội tôn giáo trên khắp đất nước Myanmar. Những thầy tu rất được tôn trọng. Họ được mời đến làm nghi lễ trong cưới xin, ma chay, khánh thành nhà mới, hoặc xóa đi mọi xui xẻo. Lãnh đạo chính trị có thể mời vị cao tăng đến để nghe thuyết giáo và cúng dường. Hiện nay, việc dạy dỗ ở đền chùa trở thành một phần thiết yếu của toàn bộ hệ thống giáo dục ở Myanmar. Nền văn hóa Phật giáo vững chắc như thế đã rèn đúc nên tính khí hiền hòa, thanh thản, tinh khiết cho người dân Myanmar.

Bagan là thủ đô của Vương quốc Anawrata thống nhất đầu tiên. Cố đô Bagan là điểm quan trọng nhất thu hút khách du lịch đến Myanmar, là một trong những điểm di tích khảo cổ lớn nhất châu Á. Di tích ở đây dày đặc, chỉ trong vòng 42 km2, theo số kiểm kê di sản được bảo vệ của Cục Khảo cổ, đã có tới 2.217 ngôi chùa và đền tháp thế kỷ 11 - 13. Tu viện và đền thờ là nơi chuyển tải nghệ thuật chính của nghệ thuật Phật giáo Myanmar. Hầu hết các đền chùa đều tráng lệ, cao ngất và mạ vàng trên đỉnh và bề mặt của ngôi đền. Kiến trúc Phật giáo Myanmar phát triển từ gỗ đến gạch. Phong cách kiến trúc hết sức đa dạng, mang nét đẹp tinh tế. Một vài công trình ấy cũng được tìm thấy chẳng những ở chốn đô thị mà còn thấy ở vùng nông thôn của đất nước Myanmar. Chúng thường tọa lạc trên các đỉnh núi hay bên bờ sông. Trong cuộc triển lãm Nghệ thuật Phật giáo Myanmar tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc tỉnh Quảng Tây, có 3 mô hình đền tháp và nhiều tượng Phật được trưng bày phục vụ khách tham quan.

Đền Dhammaygyi là công trình kiến trúc đồ sộ nhất, rộng nhất ở Bagan. Tương truyền rằng nhà vua Narathu, năm 1170 khi cho xây ngôi chùa này đã tuyên bố: “Nếu để một cái kim có thể xuyên qua đường nối giữa hai viên gạch thì người thợ xây đó sẽ bị phạt”. Biên niên sử Myanmar khẳng định rằng trong lúc công trình xây dựng chùa đang tiến triển, nhà vua bị ám sát bởi Sinhales nên nó không kịp hoàn thành. Hầu hết những phần chính cửa tò vò, mái vòm của công trình kiến trúc này vẫn còn lành lặn. Đền Dhammaygyi biểu trưng cho ánh sáng của Đức Phật. Do đó, chùa này được hiểu về mặt nguồn gốc như Dhammaramsi, tia sáng của Phật pháp.

Đền Ananda do Kyansittha xây năm 1091 là ngôi đền đẹp và tôn nghiêm nhất Myanmar. Đền này biểu trưng cho sự uyên thâm vô bờ bến của Đức Phật. Ban đầu nó có tên Ananta sau đổi thành tên Ananda, tên người anh em họ của Đức Phật. Toàn bộ dinh thự là điện thờ linh thiêng vừa là một bảo tàng đồ sộ được trang hoàng bởi tượng thạch cao, đá, chạm khắc gỗ, kim loại, đất nung... Tổng số bức tượng bên trong ngôi đền lên đến 1424 bức. Tại các hốc tường ở hành lang hiện hữu những bức tượng minh họa Đức Phật từ lúc sinh ra đến Thời đại khai sáng. Trên tầng cao hơn tô điểm thêm 891 tấm bản tráng men miêu tả những câu chuyện Jataka.

Đền Thatbyinnyu là ngôi đền cao nhất ở Bagan. Thatbyinnyu có nghĩa là “thông suốt mọi sự” là một trong những thuộc tính của Đức Phật. Chùa được xây dựng tại Bagan vào giữa thế kỷ 12 sau Công nguyên bởi vua Alaungsithu - cháu trai và là người nối ngôi vua Kyansittha - người xây dựng nên đền Ananda. Đứng cách 500 thước cách đền Ananda về phía tây nam, đền Thatbyinnyu nổi lên hơn hẳn so với các ngôi đền khác. Công trình có 5 tầng, tầng thứ nhất và tầng thứ 2 là nơi cư trú của các thầy tu,  tầng thứ 5 là nơi chứa các thánh tích, di vật thiêng liêng, một số tầng còn lại là nơi chứa tro cốt của các sư từng trụ trì nơi đây.

Tượng Phật của Myanamar có lịch sử lâu dài và được tạo tác từ gỗ và các chất liệu như đá, bạc, ngọc, đồng. Khoảng thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, tượng Phật bằng bạc với phong cách đa dạng bắt đầu xuất hiện. Và từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 11, tượng Phật bằng đồng đã trở nên phổ biến do ảnh hưởng của triều đại Pala của Ấn Độ. Từ giai đoạn Pagan, Phật giáo Theravada đã hưng thịnh và phát triển mạnh ở Myanamar. Sau đó, việc làm tượng Phật đã được tập trung với sự hăng hái cực độ và sự quan tâm đặc biệt. Các bức tượng có niên đại, phong cách, hoa văn, chất liệu khác nhau được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật, lịch sử, tôn giáo. Một số tượng có kích thước khá nhỏ, trong khi đó một số khác thì cao và lộng lẫy; một số tượng lớn rất hoành tráng. Đa số là tượng Phật ngồi thiền, tay trái đặt trên gót bàn chân phải ở tư thế xếp bằng, tay phải buông xuống chạm những ngón tay trên tòa sen bàn tọa. Hình thức, cử chỉ, diện mạo của các tượng Phật trông rất bình thản, lặng yên, trầm tư và trang nghiêm. Có những bức tượng hết sức giá trị như tượng Đức Phật ngồi thiền trên lưng 3 con voi đực có ngà ngắn, nhỏ. Một con voi đứng giữa làm trục đối xứng cho hai con voi hai bên. Vòi, đầu và chân voi đều khắc hoa văn tinh tế.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc