Multimedia Đọc Báo in

Mỹ thuật Dak Lak – Hành trình tự khẳng định mình

08:42, 01/06/2012
Trong các chuyên ngành văn học - nghệ thuật ở Dak Lak, có lẽ chuyên ngành Mỹ thuật là chịu sự thiệt thòi nhất về tính kế thừa cũng như môi trường để hoạt động.
Họ không có sự kế thừa cũng như thiếu môi trường hoạt động bởi Dak Lak vốn là một tỉnh miền núi còn nhiều hoang sơ, ngay cả trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị của tỉnh là thành phố Buôn Ma Thuột thì vẫn còn non trẻ; bên cạnh đó các tụ điểm văn hóa chủ yếu sử dụng pa nô, áp phích với mục đích tuyên truyền và cổ động; ngay cả các tượng đài, phù điêu… đa số cũng bị rơi vào tình trạng “bụt chùa nhà không thiêng” nên phải mời người từ nơi khác đến, các họa sĩ Dak Lak không có cơ hội phản biện. Họ cũng chưa có thị trường tranh, cả Buôn Ma Thuột cho tới nay chỉ có một gallery để các họa sĩ trưng bày tác phẩm của mình. Thị hiếu thẩm mỹ của người dân ở vùng đất này cũng ít có phần dành cho hội họa. Mỗi năm một đôi lần tổ chức triển lãm mỹ thuật nhưng ngoài những người làm công tác quản lý văn hóa - nghệ thuật thì hầu như chỉ có “ta với ta” đến tham dự…
       Những cuộc Triển lãm Mỹ thuật  là cơ hội  để các  họa sĩ  Dak Lak  có dịp  giao lưu,  cọ xát,  thể hiện và thử sức mình  qua các  tác phẩm.
Những cuộc Triển lãm Mỹ thuật là cơ hội để các họa sĩ Dak Lak có dịp giao lưu, cọ xát, thể hiện và thử sức mình qua các tác phẩm.

Với những khó khăn là thế, nhưng Mỹ thuật Dak Lak vẫn đang dần dần bước những bước vững chắc để tự khẳng định mình. Nhìn lại hoạt động Mỹ thuật Dak Lak từ 1975 đến 1990, ngay từ những ngày đầu mới giải phóng, một số họa sĩ được điều động tăng cường vào Dak Lak đã bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ chính trị theo yêu cầu của một giai đoạn lịch sử. Hàng loạt những pa nô, áp phích tuyên truyền và cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc tham gia các phong trào xây dựng cuộc sống mới được trưng lên tại những tụ điểm dân cư, những trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị… dấy nên một khí thế mạnh mẽ của các hoạt động do Đảng và Nhà nước đề ra. Nhưng sau khi thực hiện xong “nghĩa vụ công tác”, đa phần các họa sĩ này đã chuyển về đồng bằng hoặc đến đô thị lớn và thành đạt ở xứ khác. Có thể kể đến một số họa sĩ tiêu biểu như: Nguyễn Văn Tựu, Nguyễn Văn Bỉ, Lê Văn Hòa, Đoàn Ngọc Dũng, Nguyễn Văn Tuấn (lĩnh vực công tác thông tin cổ động), Mlô Hiu (lĩnh vực đào tạo), Chu Thị Thành, Nguyễn Văn Thuần, Lê Đình Sinh (lĩnh vực sáng tác). Trong số những họa sĩ trên, hiện chỉ có Đoàn Ngọc Dũng và Mlô Hiu còn trụ lại với mảnh đất này. 

Năm 1990, Hội Văn học - Nghệ thuật Dak Lak được thành lập, trong số 45 hội viên ban đầu, có 4 hội viên thuộc chuyên ngành Mỹ thuật, gồm: Mlô Hiu, Lê Vấn, Lê Bá Điều, Đoàn Ngọc Dũng. Ngay sau khi thành lập, Hội đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin tổ chức Triển lãm Mỹ thuật toàn tỉnh lần thứ I và lựa chọn được các tác phẩm của 5 tác giả tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc vào cuối năm 1990 với tranh của Lê Vấn, Y Nhi Ksơr, Lê Bá Điều, M’lô Hiu, Trần Thu Hà. Đây là lần đầu tiên Mỹ thuật Dak Lak được tham dự một cuộc triển lãm lớn như thế. 7 bức tranh của 5 họa sĩ ở Dak Lak được treo cùng 200 bức của các họa sĩ thuộc 44 tỉnh thành khác trên cả nước là chiến công đầu của Văn học Nghệ thuật Dak Lak trên lĩnh vực hội họa, đồng thời cũng là sự khích lệ động viên lớn đối với Mỹ thuật Dak Lak nói riêng và hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ Dak Lak nói chung.

Tháng 3-1993 Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp với Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam tổ chức Triển lãm tranh tượng của các tác giả dân tộc ít người, trong số 118 tranh tượng của 49 tác giả tuyển chọn từ 185 tác phẩm của 56 tác giả, Dak Lak có 2 họa sĩ được lọt vào (Mlô Hiu: 1 tác phẩm, Y Nhi Ksơr: 2 tác phẩm) và họa sĩ Y Nhi Ksơr đã đoạt giải Khuyến khích.

Cũng năm 1993, vào ngày 4-11, Triển lãm Mỹ thuật toàn tỉnh lần thứ II được tổ chức. Đây cũng là sự quan tâm rất lớn của tổ chức Hội đối với chuyên ngành Mỹ thuật. Trước khi mở Triển lãm đã có tổ chức Trại sáng tác và mời các họa sĩ Trung ương vào vừa tham dự vừa là “giảng viên” để anh em họa sĩ Dak Lak có dịp tiếp cận học hỏi kinh nghiệm.   

Đến tháng 5-1995, Triển lãm Mỹ thuật Dak Lak lần thứ IV được tổ chức với 48 tác phẩm của 12 họa sĩ chuyên và không chuyên. Đây cũng là năm chuyên ngành Mỹ thuật Dak Lak thực sự nổi lên, được coi như vụ gặt bội thu đầu tiên của Mỹ thuật Dak Lak trong việc “đem chuông đi đánh xứ người”. 18 tác phẩm được treo tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Từ đó chọn được 11 bức gửi tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc và 8 bức đã được treo (về số lượng, Dak Lak là tỉnh có tác phẩm được treo đứng sau Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế). Họa sĩ Lê Vấn đoạt giải Khuyến khích tại cuộc Triển lãm toàn quốc.

Năm 1998, Dak Lak là tỉnh đầu tiên của Tây Nguyên đăng cai Triển lãm Mỹ thuật khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên…

Những năm gần đây, việc tổ chức các hoạt động mỹ thuật của Dak Lak nói riêng và của toàn quốc nói chung đã đi vào kế hoạch thường niên. Hội Mỹ thuật Việt Nam hằng năm tổ chức Triển lãm Mỹ thuật khu vực (Dak Lak thuộc khu vực III, gồm 10 tỉnh Nam miền Trung – Tây Nguyên), có sự luân phiên cơ sở đăng cai tổ chức. Bên cạnh đó, các cuộc thi vẽ tranh cổ động, tranh biếm họa, logo biểu trưng của các địa phương, các doanh nghiệp… cũng được mở ra để các họa sĩ có dịp thử sức mình trong nghệ thuật tạo hình… Cũng từ đó càng nhiều giải thưởng đến với các họa sĩ Dak Lak, mà các giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực V – Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ XV là một ví dụ. Tại Triển lãm này, Hội đồng nghệ thuật đã chấm và trao 2 giải B, 1 giải C, 4 giải tặng thưởng và nghiệm thu 9 tác phẩm cho các tác phẩm xuất sắc; các tác giả Dak Lak đã đạt được nhiều giải khá cao, trong đó tác phẩm Người về cuối rừng (Lê Vấn) và Khoảng trời còn lại (Nguyễn Huy Lộc) đã được trao giải B và C…

Hiện nay Chi hội Mỹ thuật có 22 hội viên, đa số được đào tạo qua các trường lớp Mỹ thuật một cách bài bản, hiện đang công tác giảng dạy tại các trường chuyên nghiệp hoặc công tác tại ngành Văn hóa, hoặc cũng có thể làm nghề tự do nhưng có liên quan đến Mỹ thuật như mở cửa hiệu vẽ quảng cáo, thiết kế và trang trí nội thất…Đặc biệt, sự xuất hiện một thế hệ họa sĩ sinh vào những năm 70, 80 đang sinh sống và làm việc tại TP. Buôn Ma Thuột đã làm trẻ hóa, tươi mới cho lực lượng sáng tác ngành Mỹ thuật. Thế hệ này có những thuận lợi riêng mà thế hệ đi trước không có được. Đó là việc được đào tạo bài bản qua trường lớp về nghệ thuật tạo hình, được giao lưu và học hỏi cũng như kế thừa của lớp người đi trước, được tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin cũng như “công cụ lao động” hiện đại, được quen sống trong môi trường kinh tế mở cửa… nên quá trình sáng tác của họ có nhiều thuận lợi hơn.

Mỹ thuật Dak Lak cũng rất phong phú về thể loại cũng như đề tài sáng tác. Tuy nhiên, đề tài về cuộc sống, văn hóa của một vùng đất vẫn được các họa sĩ ưu ái nhiều hơn cả. Điều đó tạo được dấu ấn rất đặc thù của Mỹ thuật Dak Lak. Các họa sĩ ngoài việc sử dụng những gam màu chủ đạo với phong cách riêng còn có sự lựa chọn chất liệu sở trường hoặc thể loại riêng. Về tranh lụa có Lê Vấn; tranh sơn dầu có Y Nhi Ksor, Mô Lô Hiu, Viết Thắng, Nông Hoàng Chiến, Nguyễn Thành Đồng, Trần Thị Thu Hà…; đồ họa vi tính và Acrylic có An Quốc Bình, Trương Văn Linh…; bột màu có: Nguyễn Công Dị, Đoàn Ngọc Dũng, Mô Lô Hiu, Hồ Tuấn…; khắc gỗ có Y Kô; tượng gỗ và hàn sắt có Đàm Đăng Lại; chất liệu tổng hợp có Nguyễn Huy Lộc…

Yêu nghệ thuật và đam mê với nghệ thuật, bằng tài năng của mình, các họa sĩ Dak Lak vẫn đang tiếp tục bước đi trên hành trình tự khẳng định mình để đóng góp cho đời những giá trị về Chân - Thiện - Mỹ.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc