Bài thơ viết bằng máu về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi
Tháng 5-1964, khi được tin chính phủ Mỹ sẽ cử một phái đoàn chính trị, quân sự cao cấp sang Sài Gòn để nghiên cứu tình hình miền Nam Việt Nam, với lòng yêu quê hương và căm thù giặc sâu sắc, Nguyễn Văn Trỗi (lúc này đang hoạt động trong tổ chức Biệt động vũ trang nội thành thuộc Đại đội Quyết tử 65, cánh Tây Nam Sài Gòn) xin Ban Chỉ huy Quân sự biệt động tiêu diệt phái đoàn cao cấp của Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Robert Macnamara dẫn đầu. Được cấp trên đồng ý, Nguyễn Văn Trỗi cùng đồng đội của mình tiến hành gài mìn tại cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) - nơi phái đoàn cao cấp của Mỹ dự kiến sẽ đi qua. Giữa lúc đang tiến hành nhiệm vụ thì Nguyễn Văn Trỗi không may bị địch bắt vào lúc 22 giờ đêm ngày 9-5-1964.
Anh Trỗi hiên ngang tại pháp trường. Ảnh: T.L |
Trong lao tù, mặc dầu chịu rất nhiều đòn tra tấn, cực hình dã man cùng với những cám dỗ ngon ngọt của kẻ thù nhưng Nguyễn Văn Trỗi vẫn một mực không khai báo, một lòng trung thành với Đảng, với tổ chức và lý tưởng mà anh đã lựa chọn. Biết không thể nào moi được thông tin gì từ anh, chính quyền Nguyễn Khánh đã đưa anh ra tòa án quân sự kết án tử hình nhằm thị uy và uy hiếp tinh thần chống Mỹ đang sục sôi trong nhân dân miền Nam lúc bấy giờ. Lúc 9 giờ 45 phút ngày 15-10-1964, chúng đưa Nguyễn Văn Trỗi ra xử bắn tại vườn rau nhà lao Chí Hòa - Sài Gòn. Khi ra pháp trường, anh Trỗi rất bình thản, đàng hoàng. Anh hùng hồn vạch trần tội ác xâm lược của giặc Mỹ trước các nhà báo. Trước lúc xử tử, bọn địch định bịt mắt anh, nhưng anh giật chiếc băng đen ra, nói: “Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi”. Trước khi chết anh còn hô vang: “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”. Câu “Hồ Chí Minh muôn năm” anh hô đến ba lần. Tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng của anh Trỗi tại pháp trường đã trở thành biểu tượng của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ chống Mỹ. Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta đã ghi trên tấm ảnh của anh Trỗi: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.
Bìa cuốn sổ của Lê Nhân Liên viết về anh Trỗi. Ảnh: T.L |
Sau khi anh Trỗi hy sinh, vợ anh là Phan Thị Quyên hết sức đau buồn và thương tiếc người chồng trẻ. Trước tình cảnh đó, tổ chức quyết định đưa chị ra vùng giải phóng. Trong thời gian ở vùng giải phóng, chị Quyên đã nhận được rất nhiều sự động viên của bạn bè, đồng chí của anh Trỗi và đồng bào khắp cả nước từ Bắc chí Nam; thậm chí từ những người bạn quốc tế xa xôi như Liên Xô (cũ), Hungari, Tiệp Khắc (cũ), Cộng hòa Dân chủ Đức... Mặc dầu chiến tranh trong giai đoạn này đang diễn ra hết sức ác liệt nhưng hàng trăm lá thư động viên, chia sẻ, an ủi vẫn đến được với chị. Và lá thư dưới đây được gửi cho chị Phan Thị Quyên nhân dịp kỷ niệm hai năm ngày anh Trỗi hy sinh (15-10-1964 – 15-10-1966). Chính nhờ những tình cảm nhiệt thành và trong sáng này đã giúp chị Quyên vượt qua nỗi đau riêng, vững vàng hơn trong cuộc sống. Từ một cô gái quyết đi làm cách mạng vì tình yêu với anh Trỗi và để trả thù cho anh, chị đã vượt qua nỗi đau lòng để trở thành một nữ chiến sĩ giải phóng gan dạ, dũng cảm cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu đến ngày thắng lợi cuối cùng...
Bức thư được viết bằng máu của một người công nhân quê ở Hải Phòng có tên là Lê Nhân Liên. Bức thư được viết trên 15 trang giấy của một cuốn sổ nhỏ có 32 trang, kích thước cuốn sổ là 5x8cm và được khâu lại bằng chỉ đỏ, ngoài bìa ghi dòng chữ: “Lê Nhân Liên -Viết về anh bằng máu của tôi – 15-10-1966”.
“15-10-1966
Nguyễn Văn Trỗi
Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, người anh hùng trẻ tuổi của dân tộc Việt Nam. Anh đã biết đem giác ngộ cách mạng của mình hòa vào truyền thống vẻ vang của dân tộc để nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Anh đã thiết thực đem thứ vũ khí sắc bén mà Bác và Đảng đã trao cho thanh niên, đó là “tinh thần cách mạng” và “tri thức cách mạng” trong khi chiến đấu với kẻ thù, bảo vệ chân lý và lý tưởng tuyệt vời của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Học tập anh, tôi gởi hương hồn anh mấy câu thơ và đây cũng là nguồn cảm xúc của trái tim tôi:
Tôi muốn đem những dòng máu nóng
Góp phần vào sự nghiệp đấu tranh
Bầu máu nóng trong tim tôi sôi bỏng
Đang chảy theo chân lý đời anh!
Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, bằng xương máu và chiến thắng của mình, anh đã viết thêm những trang sử vàng chói lọi cho dân tộc. Cuộc chiến đấu của anh với kẻ thù đã làm cho dân tộc ta đã anh hùng lại thêm anh hùng.
Anh đã nêu cao gương sáng vì dân, vì nước quên mình, trước bạo lực của kẻ thù không mảy may run sợ, luôn luôn biểu lộ khí thế hiên ngang của những người đã nhìn thấy chân lý, của những người có chính nghĩa và chiến thắng. Việc làm của anh cũng là những bài học vĩ đại về con người biết sống và biết làm người.
Nguyễn Văn Trỗi trước lưỡi lê gươm súng của kẻ thù, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, của nhân dân và giai cấp công nhân miền Nam đã nêu cao tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, gây nên sự chấn động dư luận trong nước và thế giới.
15-10-1966
Hôm nay là ngày 15-10-1966, kỷ niệm lần thứ hai ngày anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh!
Cũng là ngày, tháng này hai năm về trước - ngày cuối cùng của đời anh, của người thanh niên đang tuổi yêu đương trong tuần trăng mật. Tính đến nay đã tròn hai năm - hai năm nấm mồ anh xanh cỏ. Giờ đây nơi chín suối chắc linh hồn anh đang hướng về Tổ quốc, về Đảng, về quê hương nơi sinh ra anh, về xóm làng và bà con thân thiết - nơi đang có ngọn lửa đấu tranh không mệt mỏi chống đế quốc Mỹ xâm lược, bắt chúng và bọn tay sai gây ra nợ máu phải trả bằng máu.
Để tưởng nhớ đến anh, tôi thắt chặt chiếc khăn tang vào cánh tay và gởi hương hồn anh bài thơ Mặc niệm người đồng chí mà tôi sáng tác trong phút thắt chiếc khăn tang này:
Tôi viết bài thơ mặc niệm anh
Ngày này năm ấy giữa Sài thành
Anh hiến tuổi xuân cho Tổ quốc
Đem đổi thịt xương lấy hòa bình
Kẻ thù sợ tên anh từ đấy
Những người con đất Việt anh hùng
Giữa súng gươm vẫn hô vang dậy
Đạn nổ rồi còn gọi: “Bác muôn năm”.
Hai năm nấm mồ anh xanh cỏ
Nhưng vẫn không yên giấc ngủ dài
Phải vì nhắc tên anh đây đó
Chín phút cuối cùng buổi sáng mai!
Cả nước nhớ tên người liệt sĩ
Đã gây nên chấn động địa cầu
Máu của anh, của người đồng chí
Viết tiếp vào trang sử đời sau.
Tôi nhắc tên anh - anh hùng Trỗi
Tôi viết bài thơ tự chốn này
Gởi tới hồn anh nơi chín suối
Gương anh sáng ngời muôn
vạn người soi.
8 giờ sáng ngày 15-10-1966
Lê Nhân Liên
Đúng 9 giờ 59 phút ngày 15-10-1966
Tôi đau đớn nghiêng mình mặc niệm hương hồn anh, người con của dân tộc đã hiến dâng mình cho sự nghiệp cách mạng!
Gương hy sinh cao cả của anh đáng để chúng tôi học tập.
Tinh thần Nguyễn Văn Trỗi bất tử!
Lê Nhân Liên”
Hồng Lâm (st-bs)
Ý kiến bạn đọc