Multimedia Đọc Báo in

Nét đẹp thôn quê trong tranh lụa của danh họa Nguyễn Phan Chánh

11:04, 30/07/2012

Danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) là một họa sĩ bậc thầy mang đậm phong cách hiện thực và dân tộc. Tranh ông (nhất là mảng tranh lụa) đa dạng và phong phú. Một trong những điều lôi cuốn, thu hút nhất là những nét quê, hồn quê trong tranh lụa của ông.

Với Nguyễn Phan Chánh hình ảnh thôn quê luôn in đậm và trỗi dậy trong ký ức. Đó chính là nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của ông. Hình ảnh những cô thôn nữ chân quê trong tranh ông không son phấn, không tô điểm mà sáng trong, giản dị. Có thể nói, hình tượng nghệ thuật xuyên suốt trong tranh danh họa Nguyễn Phan Chánh là những cô gái quê với những chùm sáng tác được thể hiện trong các trò chơi trẻ thơ, như “Chơi ô ăn quan”, “Chơi chim”, “Chơi cá”, “Chơi trốn tìm”; trong các sinh hoạt thường nhật gần gũi, như: “Rửa rau”, “Hái rau muống”, “Ra đồng”, “Đi chợ”…; trong sự cần cù, say mê lao động, như: “Đan mây”, “Rê lúa”; trong tình mẹ con và những sinh hoạt gia đình đầm ấm, như “Rạng ngày cho con bú”, “Chiều về tắm cho con”, “Bữa cơm gia đình”, “Bữa cơm vụ mùa thắng lợi”; và cả trong các mảng tranh “Tắm”, như: “Tắm ao”, “Kỳ lưng”, “Trăng lu”, “Trăng tỏ”, “Tiên Dung tắm”… Những nét đẹp bình dị từ chính cuộc sống sinh hoạt ở làng quê và cả những người thôn nữ chân quê nó vừa là nội dung, vừa là tên tranh khó quên.

Danh họa Nguyễn Phan Chánh sinh ra và lớn lên ở một vùng quê miền Trung nghèo khó nhưng đầy nghĩa, nặng tình. Từng chia sẻ đắng cay, ngọt bùi với mảnh đất quê hương. Với đề tài thôn quê, đồng nội, con người, cảnh vật và các tình tiết của đời sống thôn dã được ông nhìn nhận bằng con mắt ưu ái của một người trong cuộc, nhưng không phải qua lăng kính màu hồng.

Không như các nhà văn hiện thực nước ta hồi đó đã mô tả đồng quê, thôn quê bằng những bức tranh đen tối với những kiếp sống ê chề, sống cũng “mòn” mà chết cũng “mòn”, danh họa đã thể hiện cái nhìn của mình (thông qua những bức tranh lụa) với cảnh xóm làng bình yên, tràn ngập hương đồng gió nội. Cũng vẫn là khóm chuối, bờ ao, bùn lầy nước đọng; cũng vẫn là kẻ chăn trâu, người cày cấy, lam lũ nắng mưa; cũng vẫn là chuyện đồng bóng dị đoan, khói hương nghi ngút …nhưng dưới cành cọ của họa sĩ, bóng tối bị xua tan đi để cho ánh sáng tràn vào. Nhà văn và họa sĩ đều biểu lộ tình yêu, ánh sáng và bóng tối chỉ là phương tiện biểu đạt. Nhưng vào thời điểm đó, giữa cảnh đời u uất, những người phát hiện ra vẻ đẹp thực chất của nông thôn để ca ngợi nó chính là các họa sĩ, trong đó danh họa Nguyễn Phan Chánh là đại diện tiêu biểu. Vậy đó, với Nguyễn Phan Chánh, tấm lòng của ông đối với thôn quê Việt Nam là vô cùng sâu nặng. Ông đã từng thốt lên rằng : “Tôi yêu cảnh, yêu người nông thôn của tôi lắm”. Tình yêu ấy đã theo đuổi ông một đời. Lúc trẻ, vẽ về nông thôn, khi cao tuổi cũng vẽ về nông thôn với những nét vẽ đầy dấu ấn. Tranh ông thường tươi trẻ trong một tâm hồn nhiều cảm xúc. Cảnh quê cũng theo dòng suy tưởng mới, ít lạnh lẽo, nặng trĩu. Nó được thể hiện trong vẻ đẹp đằm thắm, có những màu xanh lan tỏa, những màu phù sa mơn man trên đồng ruộng, những vầng sáng của ánh trăng đọng xuống ao làng. Ta cảm nhận được những vẻ đẹp thanh tao đó ở “Tắm ao”, “Bát nước giải lao”, “Sau giờ lao động”… những bức tranh như cuộc đời hửng sắc, nồng mặn, căng đầy sức sống. Ngoài điều đó, nó còn đọng lại chất thơ. Một chất thơ trong đời sống, một chất thơ trong tranh.

Người nông dân và làng quê thân thuộc của họ trong tranh Nguyễn Phan Chánh như những hình bóng không mờ nhòa, mà từng lúc đã khơi dậy trong mỗi người sự đắm say. Đắm say với cái đẹp lặng lẽ, với thơ mộng, với cả cái khắc khổ, nghèo nàn. Với họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, vùng quê miền Trung của ông đã gắn trong ông bao kỷ niệm. Từ tuổi thơ, cha mất sớm, ông sống bên mẹ, với những thân quen bên dòng Tần Giang, những chuyến đò chở sắn khoai khi sớm, khi chiều. Trên những chiếc cầu gỗ nhỏ, hay cầu tre lắt lẻo, bóng các cô gái áo nâu, trùm khăn mỏ quạ bẽn lẽn đi về. Trong các phiên chợ ngày tết, họa sĩ khi còn là cậu bé lên 10, ngồi bán các bức tranh đồng quê do mình vẽ ra để kiếm tiền giúp mẹ. Làng quê với ông thật thân thương, hòa quyện. Ở ông, làng xóm, quê hương, con người và cảnh vật quá thân thiết, quen thuộc nên tranh ông đẹp giản dị, hồn nhiên pha chút ngây thơ liền mạch thẩm mỹ với nghệ thuật dân gian.

Cái đẹp tranh ông mang sắc thái phương Đông bởi nền lụa tơ óng ả, đằm thắm tình cảm dân tộc và tâm lý nông dân bởi những sắc màu của hương đồng cỏ nội và khác thường bởi một cách nhìn riêng. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung từng bình luận về tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh trên báo Ngày nay số 91/1937 như sau : “Nguyễn Phan Chánh vẫn ngây ngô, vẫn cục mịch, vẫn giản dị nhưng bỗng nhẹ nhàng vô cùng trong màu bút thanh thoát không ngờ. Trong không khí dịu dàng xen với con mắt không ham đời mà cũng không chán, êm ả tìm tòi vẻ thư thái, mơ hồ của những việc chậm rãi và lặng lẽ của những người quê”. Cho đến hết cuộc đời, Nguyễn Phan Chánh vẫn trung thành với khuynh hướng sáng tác mà ông đã xác lập. Ngay cả sau này, khi cả nước trong khí thế hào hùng xây dựng chủ nghĩa xã hội với những công trường, xí nghiệp công nghiệp hóa, ông cũng chỉ vẽ về nông thôn. Hồn quê vẫn đậm trong “Đắp đê”, “Chống hạn”, tất nhiên bút pháp có thay đổi đôi chút cho thích ứng với hoàn cảnh và khí thế cách mạng mới.

Nguyễn Thị Thọ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.