“Từ sông Krông Bông” – cuốn tiểu thuyết chân thực và xúc động về một thời bom đạn
Krông Bông - Dòng sông của huyền thoại.
Những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi, chiến sự trên chiến trường miền Nam Việt Nam ngày càng diễn ra ác liệt trong tầm ngắm của đế quốc Mỹ. Trước tình hình đó, lớp lớp những người con yêu nước của miền Bắc Việt Nam, vì miền Nam ruột thịt, đã nhanh chóng di chuyển vào Nam, cùng quân dân miền Nam kháng chiến chống Mỹ bảo vệ quê hương, nhằm hướng tới thống nhất đất nước. “Từ sông Krông Bông” của tác giả Trúc Hoài (NXB Công an nhân dân) là câu chuyện về những người chiến sĩ trực tiếp chiến đấu nơi chiến trường miền Nam đầy khói lửa ấy.
Họ là những người dân bản xứ. Họ là những người Bắc vào Nam chinh chiến theo tiếng gọi của con tim, của lý tưởng, vì một mục đích chung. Họ là những ông già, những bậc lão thành cách mạng của lớp thế hệ đi trước như ông Tâm, ông Chín (hay còn gọi là ông Cửu). Họ là anh Hà, anh Quang, là Bắc, Kỳ, là Thanh Xuân, Thu Nguyệt hay Hơ Đrai, Yví. Họ là Nhung, là Đích - những thế hệ tương lai của đất nước. Tất cả đều chung một mục đích, một lý tưởng, cùng chung một dòng máu, một trái tim. Và đặc biệt, cũng chính từ cái nôi bên dòng Krông Bông mà họ có dịp gặp nhau, quen nhau và yêu nhau. Vượt lên giữa những tháng ngày chiến tranh ác liệt, tình cảm trong sáng giữa người với người, tình yêu lứa đôi thắm thiết vẫn nở hoa. Như tình yêu của Hà - anh chàng tri thức người Hà Nội, xuất thân trong gia đình học thức gia giáo, có niềm say mê và có tài năng trong nghiên cứu khoa học nhưng tạm gác tất cả lại tình nguyện vào Nam chiến đấu, đã gặp và kết duyên cùng Thu Nguyệt - cô y tá người Bình Định tại chiến trường này. Đám cưới của họ tuy không đầy đủ về vật chất nhưng vẫn rất trọn vẹn trong những phút giây bình yên hiếm hoi tại chiến trường, gieo vào họ niềm tin về một thế hệ tương lai tươi sáng. Như tình yêu của Quang và Thanh Xuân, họ đã dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp nhất, nhưng không vị kỉ chỉ nghĩ cho mình mà luôn hướng đến lợi ích chung của dân tộc…
Mỗi con người trong đó là một số phận, họ đã đến với nhau, cùng yêu thương đùm bọc nhau. Bệnh tật, thiếu thốn, sự hiểm nguy càng làm bật lên hình ảnh người chiến sĩ anh hùng lạc quan, kiên cường trong chiến đấu. Trong họ nổi bật lên hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân, những chàng dân quân du kích đặc tình… Quang đã không nề hà hiểm nguy, cõng con gái bà Tâm đi cấp cứu; anh trai Kỳ giả làm ông cụ ngày ngày đi bán dạo thu tin tức… Cả Quang, cả Thanh Xuân đều làm rất tốt nhiệm vụ cài sâu vào trong lòng địch nguy hiểm. Thậm chí như Thanh Xuân, nhiều lần vượt qua nguy hiểm vẫn bám trụ trong lòng địch, thay đổi nhiều tên và thân phận khác nhau như khi là Hồng Ánh trong quán rượu, khi lại là Hai Mẫn hay lam hay làm trên đồi chè… Mỗi lần bị phát hiện là một lần tim như nghẹn lại. Dù vậy, xen lẫn vào đó vẫn là những câu chuyện thú vị, thi vị về cuộc sống tạo nên một tâm lý đón nhận rất tự nhiên ở độc giả và gây được cảm tình yêu mến đối với các nhân vật. Khác với những câu chuyện khác, không lý tưởng hóa nhân vật anh hùng, mà qua cách miêu tả đầy hiện thực, nhân vật hiện lên với đúng phẩm chất anh hùng của mình, lại vẫn rất gần gũi, thân thương với những xúc cảm chân thật. Có những cái chết anh hùng bên cạnh những cái chết đầy xót xa… Thanh Xuân che đạn cho Thuần mà hy sinh khi tuổi xuân còn đầy dang dở. Thắm lại vì mọi người mà cố nén nhu cầu cá nhân, cuối cùng ngã xuống mà chết vì cơ thể quá sức chịu đựng. Còn Hà lại bị thương, lại rơi xuống khe núi hẹp khiến mọi người nhìn thấy đấy, trò chuyện được đấy mà đành bất lực… Chỉ một tiếng súng, không miêu tả cụ thể nhưng gợi cho người ở lại bao nỗi xúc động, xót xa. Những chi tiết đỉnh điểm dẫn đến cái chết của nhân vật chính đã tạo nên nỗi xúc động mãnh liệt và sự đồng cảm sâu sắc trong lòng mỗi người tiếp nhận. Cùng với thế giới nhân vật rộng khắp, những hình ảnh thiên nhiên khoáng đạt của núi rừng Tây Nguyên được lồng vào trong những lúc quân ta chiến đấu chạm trán với địch, qua những đợt tản cư của bà con… Tất cả cùng tạo nên những con người đi vào huyền thoại. Những trang văn mang đậm dấu ấn màu sắc sử thi hùng tráng.
Krông Bông, dòng sông huyền thoại, dòng sông mẹ đã chứng kiến biết bao thế hệ Việt Nam lớn lên, trưởng thành và tranh đấu vì lý tưởng cao đẹp. Cũng lại dòng sông ấy dang tay đón nhận những linh hồn bé nhỏ vào lòng, ôm ấp, vỗ về… “Từ sông Krông Bông” thực sự là một cuốn tiểu thuyết chân thực và đầy xúc động về những con người một thời bom đạn của đất nước.
Huyền Thy
Ý kiến bạn đọc