Multimedia Đọc Báo in

Gần 49 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy di sản - không gian văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2012-2015

08:52, 04/07/2012

Nhằm giữ gìn, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng, từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển văn hóa-du lịch trong thời kỳ hội nhập, mới đây UBND tỉnh đã xây dựng Đề án bảo tồn, phát huy di sản-không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh giai đoạn 2012-2015.

Theo Đề án, tỉnh sẽ giành gần 49 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động bào tồn, phát huy di sản-không gian văn hóa cồng chiêng: tổ chức truyền dạy đánh cồng chiêng; bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng của một số buôn truyền thống; hỗ trợ một số đội chiêng truyền thống có thành tích bảo tồn phát huy di sản văn hóa cồng chiêng; phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa gắn với môi trường diễn xướng văn hóa cồng chiêng; tổ chức giao lưu văn hóa cồng chiêng giữa các buôn làng trong cộng đồng; tổ chức các hoạt động truyền thống trong nhà sinh hoạt cộng đồng; thống kê, sưu tầm, lưu giữ các bài chiêng trong nghi lễ vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp của đồng bào các dân tộc bản địa bằng phương tiện hiện đại…

Các giải pháp thực hiện được đề ra là tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở về vai trò trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sinh động giúp cho đồng bào ý thức được việc bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa cồng chiêng nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu cồng chiêng; phối hợp với các nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc cho con em đồng bào dân tộc trong cộng đồng. Bên cạnh đó, từng bước đưa văn hóa cồng chiêng vào chương trình chính khóa của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, các trường dân tộc nội trú; đồng thời, vận động các nguồn xã hội hóa để thực hiện công tác bảo tồn, phát huy di sản-không gian văn hóa cồng chiêng.

Kim Oanh


 


Ý kiến bạn đọc