Multimedia Đọc Báo in

Những người cao tuổi mê hát dân ca

05:42, 07/07/2012

Hội Người cao tuổi xã Dliêya (huyện Krông Năng) hiện có 21 chi hội với hơn 1.000 hội viên, chiếm 84% số người cao tuổi trong toàn xã. Số lượng người cao tuổi tham gia sinh hoạt đông như vậy bởi trong những năm qua Hội Người cao tuổi xã đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đặc biệt là việc thành lập các đội văn nghệ dân ca với mục đích giữ gìn các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền của  dân tộc.

Các cụ cao tuổi thôn 1 trong bài hát Then cùng cây đàn Tính trong đêm giao lưu văn nghệ kỷ niệm ngày truyền thống NCT xã Dlieya 6-6-2012.
Các cụ cao tuổi thôn 1 trong bài hát Then cùng cây đàn Tính trong đêm giao lưu văn nghệ kỷ niệm ngày truyền thống NCT xã Dlieya 6-6-2012.

 Vừa qua, Hội Người cao tuổi xã Dliêya đã tổ chức giao lưu văn nghệ  với chủ đề “Để làn điệu dân ca còn mãi” với sự tham gia của 21 chi hội trong toàn xã. Mỗi chi hội đã đem đến buổi giao lưu một nét văn hóa riêng, đặc sắc qua những làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền của dân tộc mình. Xã Dliêya có 6 dân tộc anh em cùng chung sống nên những làn điệu dân ca rất phong phú. Các cụ ở thôn Trung Hòa dẫu tuổi đã cao song mỗi khi giao lưu văn nghệ, những liền anh liền chị xứ Kinh Bắc vẫn rất duyên dáng khi cất giọng hát cùng điệu múa bài quan họ “Mời trầu”: “Trầu này trầu tính trầu tình, ăn vào cho đỏ môi mình môi ta”. Cụ Đỗ Thị Thùy ở thôn 2 cho biết, tỉnh Bắc Giang nổi tiếng  với làng Then vốn có truyền thống văn nghệ từ xưa, nhiều cụ cao tuổi của làng đàn giỏi, hát hay khi vào Dak Lak lập nghiệp đã mang vào vùng đất mới niềm đam mê hát Then cùng cây đàn tính của mình với hy vọng có thể truyền tình yêu dân ca cho các thế hệ nối tiếp. Các cụ người Mông cũng tham gia sinh hoạt văn nghệ với điệu múa kiếm cổ truyền, tái hiện những cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Bắc Tổ quốc. Đáng mừng là một số cụ người Êđê của xã cũng đã bắt đầu tham gia văn nghệ do Hội NCT tuổi chức bằng những câu hát Ayrei nồng nàn.

Cụ Đào Duy Thùy, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Dliêya cho biết: Là một địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế song Hội người cao tuổi xã đã thành lập mỗi thôn 1 đội văn nghệ. Đến nay 21 thôn của xã có 21 đội văn nghệ, luôn tham gia tích cực, sôi nổi các hoạt động giao lưu văn nghệ có chủ đề chủ điểm do Hội tổ chức vào các ngày lễ lớn hằng năm. Các chi hội đã tự nguyện đóng góp tiền để mua trang phục và tự sáng tạo đạo cụ để tập, như nón làm vành bằng sắt rồi phủ vải, ô dù gửi mua ở tận ngoài Bắc để đúng với truyền thống, còn gùi của người Êđê thì các cụ tự làm bằng các giỏ nhựa cuốn giấy rồi dán hoa... Việc tập luyện văn nghệ hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm của từng cá nhân song do niềm đam mê văn nghệ mà các cụ đã tìm mua những đĩa hát có nội dung phù hợp, dựa vào đó cùng nhau tập luyện. Những làn điệu hát múa dân ca luôn là một trong những sinh hoạt văn hóa tinh thần được đa số người cao tuổi yêu thích bởi nó luôn là tiếng nói của tâm hồn của trái tim. Vì thế,  các cụ tham gia rất tích cực, cụ thì trực tiếp tham gia luyện tập, cụ thì làm đạo cụ, cũng có cụ chỉ đến các buổi luyện  tập văn nghệ để góp vui.  Lời ca, tiếng hát của người cao tuổi trong xã không chỉ mang lại niềm vui đến cho mọi người, góp phần đưa phong trào văn nghệ quần chúng của xã đi lên mà còn truyền tình yêu dân ca đến thế hệ trẻ ở địa phương. Sắp tới, Hội Người cao tuổi xã Dliêya còn dự định thành lập một câu lạc bộ dân ca của xã để tham gia thi văn nghệ với CLB dân ca huyện Krông Năng.      

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc