Những người giữ nhịp phách chèo
Những làn điệu Chèo sâu lắng, thiết tha… vốn là “đặc sản” văn hóa của vùng quê Thái Bình nay lại ngân nga, vang vọng trên những xóm làng vùng quê mới xã Ea Tar (Cư M’gar) góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa trên Cao nguyên Dak Lak.
Một buổi sinh hoạt của Chiếu chèo thôn 2. |
Chiếu Chèo trên quê mới
Trong Chèo, người giữ nhịp (hay còn gọi giữ phách) được coi là quan trọng nhất. Ở Cư M’gar, những người giữ phách cho làn điệu chèo vang xa, vọng mãi lại chính là những cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử như các ông: Trần Văn Mùi, Vũ Đình Chiến, Trần Xuân An… Chiến tranh kết thúc, họ cùng gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới. Năm 1978, hàng chục gia đình từ Thái Bình vào thôn 2, xã Ea Tar (Cư M’gar) lập nghiệp. Những ngày đầu trên vùng quê mới, nhớ quê, mọi người thường tụ tập và ngâm nga những điệu chèo cho lòng vợi bớt… Dần dà, những người hay đàn, thích hát ấy quyết định thành lập một đội văn nghệ của thôn để tự biên, tự diễn những làn điệu chèo thể hiện cuộc sống nơi vùng quê mới, phục vụ, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của bà con trong vùng.
Không chỉ ngân nga trên những chiếu chèo ở vùng quê mới, Đội văn nghệ thôn 2 đã mang “đặc sản” “cây nhà lá vườn” của mình đến với các hội diễn văn nghệ quần chúng ở huyện, ở tỉnh và giành được nhiều giải thưởng cao. Đặc biệt, các tiết mục do đội biểu diễn đều là những ca cảnh, hoạt cảnh, tiểu phẩm chèo do ông Trần Văn Mùi – đội trưởng viết lời dựa trên các làn điệu chèo cổ. Ông Mùi cũng là người biết nhiều các làn điệu chèo nhất trong đội. Chèo cổ có khoảng 100 làn điệu thì ông Mùi biết hát khoảng 40 điệu, đây là một con số rất đáng ngưỡng mộ vì bình thường biết được khoảng 20 điệu đã là nhiều rồi. Những bài chèo hay ca cảnh, hoạt cảnh chèo được viết lời mới là những bài ca ngợi cuộc sống trên quê hương mới, viết về người lính, về những hy sinh của thế hệ cha ông và cả những bài tuyên truyền cổ động phòng chống ma túy, HIV hay sinh đẻ có kế hoạch… tất cả có khoảng gần 60 bài do ông sáng tác. Có thể kể tên các tác phẩm như: Ca cảnh “Làng Văn hóa hôm nay”, “Xây dựng quê hương mới”; “Mừng vui đất nước hôm nay”; “Khúc ca ngày hội”; hoạt cảnh Chèo “Ngọn đồi mang tên đồng đội”, “Lời ru tìm đồng đội”, “Tiếp bước cha ông”. Hay những ca cảnh, hoạt cảnh tham gia các hội thi tuyên truyền cổ động như: “Biết hỏi ở đâu?”, “Chuyện của 2 nhà”, ca cảnh thi hòa giải “Chung dòng nước mát”, “Giúp nhau hiểu Luật Giao thông”, “Kế hoạch hóa gia đình hạnh phúc”… Có những bài hát do ông Mùi sáng tác gây xúc động mạnh cho người nghe như bài “Gửi người chiến sĩ đảo xa” được viết theo điệu chèo cổ “Đường trường bắn chim thước”. Hoặc bài “Thái Bình- Dak Lak hai quê” và bài “Lời ru tìm đồng đội” được viết theo làn điệu “Đào liễu”…
Theo các thành viên chủ chốt của đội văn nghệ, trong chèo quan trọng nhất là dàn nhạc đệm. Để có bài chèo hoàn hảo phải có đầy đủ các loại nhạc cụ. Bộ nhạc cụ của chèo gần cả chục loại, tại đội chèo thôn 2 có 6 loại nhạc cụ được sử dụng, đó là: trống, đàn nhị, đàn líu, đàn tam thập lục, đàn bầu, phách, thanh la. Có 2 loại nhạc cụ được đánh giá quan trọng nhất trong dàn nhạc là trống và đàn líu. Ông Vũ Đình Chiến, nhạc công đàn líu - người nắm giữ “linh hồn” của đội chèo chia sẻ: “Đàn líu có vai trò làm chủ trong làn điệu chèo. Tiếng đàn líu sẽ lấy hơi, giữ hơi và dẫn dắt người hát sao cho đúng nhịp, đúng làn điệu. Tiếng đàn líu thật mê hoặc lòng người nên thời trai trẻ tôi đã quyết tâm học bằng được, để rồi hơn chục năm nay cây đàn líu của tôi đã giữ nhịp cho hàng chục lần tham gia hội diễn, cùng đồng đội gặt hái được một số thành công nho nhỏ, làm vui cho thôn xóm, tự hào cho người dân quê hương mới…”
Ông Mùi cho biết: Thôn 2 chúng tôi có đến 80% dân số là người Thái Bình nên đội chèo rất được bà con quan tâm, ủng hộ. Nhưng vì các thành viên trong đội đều rất bận rộn với công việc đồng áng, nương rẫy nên đội chỉ tổ chức sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 2 buổi. Các thành viên rất tích cực tham gia các buổi sinh hoạt, miệt mài tìm kiếm những điệu chèo cổ để cùng nhau luyện tập và ca hát. Mỗi bài hát mang một sắc thái riêng, song đều mang đậm đặc trưng của chèo Thái Bình, góp phần đưa tiếng chèo quê lúa sống lại trong lòng mỗi người dân xa quê…
“Ươm mầm những hạt giống” chèo trên vùng đất Cao nguyên
Không chỉ chú trọng tới việc sưu tầm, tập luyện, biểu diễn, đội văn nghệ hát chèo của thôn còn đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng, truyền dạy cho các thế hệ sau, kế thừa và phát triển những tinh hoa của nghệ thuật chèo truyền thống, thông qua đó chuyển tải những nội dung mới, sát với cuộc sống hiện tại của địa phương. Trong số 18 thành viên đang sinh hoạt tại đội có 6 cháu độ tuổi thiếu niên nhi đồng. Trong dịp “Ngày hội các làng văn hóa huyện Cư M’gar” vào tháng 4 vừa qua, hai cháu Đào Thị Khánh, 14 tuổi và Nguyễn Thị Thúy, 15 tuổi đã đoạt giải nhất với ca cảnh “Tiếp bước cha ông”. Còn cô gái trẻ Đỗ Thị Yến Hoa, năm nay 18 tuổi, tham gia đội văn nghệ đã 3 năm cũng được đánh giá cao và là niềm hy vọng của đội.
Để có được những hạt nhân trẻ cho đội văn nghệ, những thế hệ đi trước như ông Mùi, ông An, ông Chiến đã phải vận động, sau đó là dành thời gian tập cho các cháu, bắt đầu từ những làn điệu dễ trước để hiểu được cách giữ phách như thế nào, nhả chữ ra sao, nẩy hơi, giữ nhịp sao cho tròn, cho đúng? Có dịp nhìn thấy các ông tập luyện cho các cháu mới thấy hết sự kiên trì của họ vì một thế hệ tiếp nối giữ gìn truyền thống hát chèo.
Đối với các bạn trẻ, để hát được chèo là điều không dễ nhưng có lẽ sự gần gũi và gắn bó với hát chèo trong đời sống lao động, sản xuất, trong sinh hoạt thường ngày đã giúp các bạn dễ dàng tiếp cận, đặc biệt các làn điệu chèo í a với nghệ thuật luyến láy cùng những lời ca đầy tình cảm với ý nghĩa sâu xa. Em Đào Thị Khánh tâm sự: “Từ nhỏ đã được nghe các ông, bà trong thôn hát chèo nên nhịp trống, tiếng phách và những làn điệu ngọt ngào của chèo đã như thấm vào tận trái tim em. Từ đó em có nhu cầu học hát và say mê luyện tập. Hát chèo không phải dễ, để hát hay càng khó vì ngoài chất giọng cần phải có kỹ thuật để tiết chế, điều chỉnh hơi, nhả chữ, đúng âm điệu…Các ông bà đã tận tình dạy chúng em và em rất yêu thích làn điệu hát chèo của quê hương mình”. Đặc biệt, đội văn nghệ có 3 thành viên nhí là: Trần Thị Hằng, Nguyễn Thị Trang đều 9 tuổi và Trần Quang Hiếu 11 tuổi. Đây cũng là các cháu nội và ngoại của ông Trần Văn Mùi. Hè năm nay là mùa hè đầu tiên các cháu tham gia tập hát chèo với các ông, các bác, các anh, chị. Thật khó tả được sự háo hức, chăm chú đến mê say của các em khi được nghe và được tập hát chèo.
Người dân Thái Bình đi xây dựng kinh tế mới đã mang theo những điệu chèo góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tại Dak Lak. Nét đẹp ấy đang được giữ gìn và phát huy nhờ vào các thế hệ trẻ đang tiếp nối. Giờ đây, trên vùng đất đỏ cao nguyên, những làn điệu chèo mượt mà, đặc sản của quê lúa Thái Bình vẫn cất lên ngày ngày để giúp người nông dân thêm tình yêu lao động. Chia tay những người dân Thái Bình trên quê mới khi những làn điệu chèo vẫn đang ngân nga, vang vọng càng thấy trân trọng những cựu chiến binh, những người đã thành lập nên đội văn nghệ, duy trì và phát triển để tô đẹp thêm đời sống văn hóa ở một miền quê.
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc