Tây Nguyên trong lòng Hà Nội
Trong không khí của những ngày tháng Tám lịch sử, mừng Quốc khánh 2-9, người dân thủ đô Hà Nội được đón chào sự hiện diện của những sắc màu Tây Nguyên tại đây.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh chiêng khai mạc "Những ngày Văn hóa Tây Nguyên" tại Hà Nội. |
“Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ II năm 2012” diễn ra từ ngày 28-8 đến 2-9 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức với sự tham dự của các tỉnh: Dak Lak, Dak Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và TP. Hà Nội là chương trình có quy mô lớn nhằm tiếp tục giới thiệu với nhân dân thủ đô, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế những giá trị văn hóa và sức sống mãnh liệt, sự trường tồn của văn hóa Tây Nguyên trong nền văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đồng thời tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc Tây Nguyên, khai thác và phát triển kinh tế, du lịch trên nền tảng văn hóa truyền thống. Một bức tranh văn hóa Tây Nguyên đa dạng, đặc sắc, toàn diện hiện diện giữa lòng thủ đô trong những tháng ngày mang dấu ấn lịch sử này, từ Tây Nguyên cội nguồn, Tây Nguyên đổi mới và phát triển, đã thể hiện tình đoàn kết của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa nhân dân thủ đô với các dân tộc Tây Nguyên trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.
Với chủ đề “Tây Nguyên - Truyền thống và phát triển”, những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội hội tụ khoảng 500 nghệ sĩ, nghệ nhân đại diện cho 5 tỉnh ở khu vực Tây Nguyên với các thành phần dân tộc như J’rai, Ba Na, Êđê, M’nông, Xê Đăng, Cơ Ho, Mạ, Giẻ Triêng, Brâu... tham gia nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc. Đầu tiên phải kể đến khu vực triển lãm “Tây Nguyên - Bản sắc văn hóa truyền thống”. Những đặc sản văn hóa Tây Nguyên được quảng bá, giới thiệu như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng – Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại; những nét kiến trúc truyền thống, trang phục, công cụ lao động; tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa dân gian, âm nhạc cổ truyền, nghệ thuật tạo hình... Một khu vực triển lãm “Tây Nguyên - Hội nhập và phát triển” lại giới thiệu một Tây Nguyên phát triển toàn diện, bền vững, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái của đất nước cùng những thành tựu của các dân tộc Tây Nguyên đạt được trên lĩnh vực văn hóa. Bà Nguyễn Thị Hoa – Phó Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho biết, điểm nhấn của chương trình là không gian trưng bày triển lãm. Không gian triển lãm sẽ truyền tải đến công chúng cái nhìn tổng thể về văn hóa Tây Nguyên trên tất cả các khía cạnh, từ đời sống vật chất tới đời sống tinh thần, các giao lưu và lễ hội cộng đồng. Đến với triển lãm, lần đầu tiên, người xem tiếp cận được với 100 bộ sử thi Tây Nguyên của các dân tộc Ba Na, Êđê, M’nông, Xê Đăng, quyển mỏng nhất là 500 trang, dày nhất lên tới 1.400 trang. Đây là thành quả trong nhiều năm nghiên cứu của các chuyên gia, nghệ nhân Tây Nguyên. Bên cạnh sự thể hiện những nét đẹp của Không gian Văn hóa Cồng chiêng, việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO tiếp tục công nhận về di sản văn hóa của thế giới cho sử thi của Tây Nguyên cũng được trưng bày và trình diễn tại không gian triển lãm.
Trình diễn trang phục các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: T.L |
Các khu vực triển lãm riêng của 5 tỉnh như là một sự cụ thể hóa thông qua hiện vật, hình ảnh, âm nhạc, trang phục, sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Với chủ đề “Dak Lak truyền thống và phát triển”, Bảo tàng tỉnh Dak Lak đã trưng bày giới thiệu rộng rãi những giá trị văn hóa của các dân tộc Êđê, M’nông, J'rai… đến du khách trong và ngoài nước. Đó là những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong sản xuất nông nghiệp, nghề thủ công, săn bắt, thuần dưỡng voi, nghi lễ đến hình ảnh một Dak Lak ngày nay với những thành tựu nhiều lĩnh vực của đời sống. Tại triển lãm, các hoạt động trình diễn nghề thủ công dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác nhạc cụ của nghệ nhân dân gian càng làm bức tranh văn hóa Dak Lak trong du khách được hình dung, tái hiện sinh động và đầy sức hút.
Phần hội chợ của “Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội” tập trung giới thiệu về ẩm thực, các đặc sản, nông sản, sản vật, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm du lịch đậm chất Tây Nguyên như thổ cẩm, đồ mây tre, cà phê, trà, mật ong, hoa, trái cây... Trong phần nghệ thuật sắp đặt, đó là sự độc đáo của không gian lễ hội với cây nêu và sắp đặt cồng chiêng, không gian tượng và hoa, không gian âm nhạc và hoa, không gian rượu và hoa.
Chương trình văn hóa nghệ thuật có chủ đề “Tây Nguyên mở hội” được xây dựng ấn tượng, giới thiệu tới đông đảo công chúng kho tàng nghệ thuật truyền thống đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên gồm dân ca, dân vũ, diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống, trình diễn trang phục dân tộc, lễ hội, trò chơi dân gian ... Tham dự chương trình, Dak Lak mang tới các tiết mục độc đáo như diễn tấu cồng chiêng, biểu diễn nhạc cụ Đinh Buốt, Đinh Tăk Tar, Cing Kram…, chơi đẩy gậy, đi cà kheo, đi cầu khỉ…
“Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội” khép lại với chương trình bế mạc “Tạm biệt Tây Nguyên”. Ấn tượng về một Tây Nguyên giàu bản sắc văn hóa vẫn còn dư âm và lưu giữ mãi trong lòng Hà Nội…
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc