Multimedia Đọc Báo in

Đưa sử thi Tây Nguyên trở lại với buôn làng

08:59, 05/01/2013

Sử thi của các tộc người ở Tây Nguyên nói chung không chỉ là trường ca hát, kể đơn thuần như tên gọi của nó, mà còn là kho tàng văn hóa, tri thức đồ sộ để mọi người trong cộng đồng các dân tộc bản địa tìm tòi, học tập và cố gắng thực hiện những ước mơ vươn tới giá trị nhân văn cao đẹp từ thực tiễn đời sống của mình…

Sức lan tỏa của sử thi

Nhạc sĩ Y Phôn Ksor tâm niệm: nhờ đắm mình trong những lễ hội của buôn làng, những đêm thức trắng để nghe ông bà kể, hát sử thi… anh mới hiểu được kho tàng văn hóa đa ngành chứa đựng trong đó. Múa, hát và kể sử thi của nhiều nghệ nhân đã dẫn dắt Y Phôn tìm đến với âm nhạc sau này. Và người nhạc sĩ này cũng đã thừa nhận những ca khúc anh viết: “Đi tìm lời ru mặt trời”, “Chim phí bay bề cội nguồn”, “Đôi chân trần”,  “Tăk tà đêm trăng”… từng làm người người nghe thổn thức, say mê cũng nhờ sự thừa hưởng và thẩm thấu một cách chân thực vốn văn hóa từ những đêm nghe hát, kể sử thi đó. Có thể nói, những ca khúc làm nên tên tuổi của Y Phôn luôn gắn liền với nền tảng văn hóa của sử thi được bao thế hệ ông cha kế thừa và chọn lọc. Còn ông Ama H’Dé - nghệ nhân đội cồng chiêng buôn Kô Sia thì cảm nhận: sử thi Êđê nói riêng và các dân tộc khác nói chung là một kho tàng về văn hóa truyền miệng phong phú, trong đó nổi bật là quy tắc ứng xử vô cùng cao quý được tiền nhân thể hiện trong thể loại văn chương độc đáo này. Rằng ngày xưa, xưa lắm rồi… người dân tộc thiểu số sống với nhau trong một cộng đồng xã hội là buôn làng duy nhất, cuộc sống của họ hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên và nương rẫy. Lúc ấy, chưa có trường dạy học và tất nhiên mọi thứ liên quan đến giáo dục hay đời sống tinh thần của người dân không có gì khác ngoài những câu chuyện cổ tích hay sử thi được hát, kể thâu đêm để hướng con người vươn tới khao khát lớn lao trong cuộc sống. Đó cũng là  phương tiện đầu tiên nhằm giáo dục nhân cách, nâng cao nhận thức và hiểu biết cho con người trong các cộng đồng dân tộc cổ xưa. Nội dung của sử thi đề cập rất nhiều điều, trong đó có những quy tắc ứng xử, điều chỉnh mọi ngõ ngách, chi tiết liên quan đến đời sống, sinh hoạt trong cộng đồng buôn làng. Sử thi mô tả một xã hội rộng lớn - từ việc giao tiếp, đối đãi với nhau trong gia đình, cộng đồng… đến chuyện hệ trọng của buôn làng cũng như phong tục, tập quán, luật tục và tín ngưỡng… đều được đề cập đầy đủ và sinh động trong sử thi Tây Nguyên.

Sưu tầm hát kể sử thi qua các nghệ nhân ở buôn Weo (Krông Năng).  Ảnh: Đ.Đ
Sưu tầm hát kể sử thi qua các nghệ nhân ở buôn Weo (Krông Năng). Ảnh: Đ.Đ

Do có tầm quan trọng như vậy, nên hơn mười năm qua, Đảng và Nhà nước đã kịp thời triển khai thực hiện Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên”. Đến nay, dự án trên vẫn tiếp tục triển khai thực hiện với nỗ lực và tâm huyết đáng trân trọng của các GS-TS Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Xuân Kính, Đỗ Hồng Kỳ cùng nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học, văn hóa học về Tây Nguyên…. nhằm đưa sử thi Tây Nguyên đến với đông đảo công chúng. Hiện đã có hàng trăm sử thi đặc sắc và đồ sộ với hai ngôn ngữ Việt - Êđê được xuất bản. Mỗi lần xuất bản xong một vài sử thi, Viện Văn hóa Việt Nam lại chuyển về cho bà con Tây Nguyên - nơi sử thi được sinh thành hàng trăm nghìn bản nhằm giúp thế hệ hôm nay và mai sau gìn giữ, bảo tồn và phát huy kho tàng văn hóa vô giá này. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng: việc mở đường cho sử thi Tây Nguyên sống lại trong bối cảnh xã hội đương đại là vấn đề khá nan giải, bởi phải thừa nhận một điều: sử thi chỉ có thể tồn tại trong những điều kiện xã hội - lịch sử nhất định. Chủ thể của sử thi là cư dân của nền nông nghiệp truyền thống với nghề độc canh lúa trên nương rẫy. Xã hội của những tộc người thiểu số ở đây có những đặc điểm của chế độ công xã nông thôn thời kỳ đầu, nhưng còn bảo lưu rất nhiều dấu vết của xã hội nguyên thủy (như chế độ phụ hệ hoặc mẫu hệ với bình đẳng giới rõ nét, vai trò điều hành toàn diện đối với cộng đồng của già làng và luật tục luôn được coi trọng). Tín ngưỡng vạn vật hữu linh và sự sùng bái, thần thánh hóa các lực lượng siêu nhiên của con người luôn hiện hữu và bao giờ cũng được xác tín và tiếp nhận một cách tự nhiên. Có thể nói tất cả đặc điểm đó là điều kiện không thể thiếu trong môi trường sống (cũng là không gian văn hóa, lịch sử) của đồng bào Tây Nguyên xưa nhằm nuôi dưỡng sử thi. Cũng chính trong không gian ấy thì những gì phi hiện thực nhất trong sử thi do trí tưởng tượng và óc lãng mạn của con người sáng tạo ra mới được tiếp nhận như sự thật hiển nhiên. Thế nhưng, môi trường “thiêng” như trên để diễn xướng sử thi ở Tây Nguyên hiện không còn. Ngày nay, người dân tộc thiểu số ở đây đã quen trồng các loại cây công nghiệp với kỹ thuật canh tác hoàn toàn khác với cây lúa rẫy thuở xưa. Mối quan hệ của họ với thế lực siêu nhiên đang dần bị “giải thiêng” và ranh giới giữa cõi sống-chết, quá khứ-hiện tại ngày càng rõ nét, theo đó niềm tin vào những điều “phi hiện thực” ngày càng phai nhạt… đã khiến sử thi dần biến mất khỏi đời sống của buôn làng.

Nghệ nhân Y Nul (bên trái) ở xã Ea Kênh (Krông Pak) là một trong những người thuộc nhiều sử thi Êđê trên địa bàn Dak Lak hiện nay.                                 Ảnh: Đ.Đ
Nghệ nhân Y Nul (bên trái) ở xã Ea Kênh (Krông Pak) là một trong những người thuộc nhiều sử thi Êđê trên địa bàn Dak Lak hiện nay. Ảnh: Đ.Đ

Những khơi gợi giàu tâm huyết

Sau hơn sáu năm, kể từ khi Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” hoàn thành và được công bố vào cuối tháng 10-2007, đến nay Viện KH-XH Việt Nam đã  phối hợp với Bộ VH-TT-DL tiếp tục xuất bản hơn 20 sử thi còn lại; đồng thời hai cơ quan này  cũng đang hoàn thành Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam” trình Chính phủ phê duyệt (trong đó có sử thi) để đưa về buôn làng nhằm phổ biến, giáo dục và nuôi dưỡng giá trị của sử thi trong lòng thế hệ trẻ hiện nay. Những việc làm ấy được xem là sự nỗ lực của cả cộng đồng, xã hội nhằm gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của các tộc người bản địa Tây Nguyên trước những thay đổi sâu sắc và lớn lao hiện nay.

Tuy nhiên, ý tưởng đưa sử thi sống lại trong đời sống buôn làng đúng nghĩa thì không dễ một chút nào. Hơn ai hết, TS. Tuyết Nhung Buôn Krông-giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên-Linh Nga Niê K’dăm là những người hiểu rõ điều đó và không thể không nhận ra môi trường diễn xướng đặc thù của sử thi Tây Nguyên không còn như xưa nữa, nên họ cho rằng: để đưa sử thi sống lại trong các buôn làng, không còn cách nào khác là tổ chức nhiều lớp học cho thanh thiếu niên người dân tộc để họ được tiếp cận với sử thi của dân tộc mình dưới dạng khuyến khích, rèn luyện kỹ năng hát, kể văn vần có trong sử thi. Bà Linh Nga Niê K’dăm cho biết: từ năm 2009 đến nay, nhóm nữ trí thức dân tộc ở Dak Lak đã mở được 4 lớp dạy văn vần sử thi. Lớp học đã mang lại những hiểu biết nhất định và sự chia sẻ đáng ghi nhận trước sự sống còn của sử thi hiện nay. Bên cạnh đó, những người làm công tác văn hóa, giáo dục cũng nên tổ chức thực hiện các chương trình ghi âm lời hát, kể sử thi từ những nghệ nhân lớn tuổi, sau đó phổ biến trên làn sóng phát thanh - truyền hình của Trung ương và địa phương; đồng thời biên soạn và tóm lược nội dung của sử thi thành giáo trình cơ bản đưa vào giảng dạy ở các bậc đại học, cao đẳng và các trường dân tộc nội trú trên địa bàn Tây Nguyên; tổ chức thường xuyên những buổi  hát, kể sử thi cho lớp trẻ ở buôn làng nghe nhằm tập hợp, tạo môi trường và điều kiện cho thanh thiếu niên tham gia vào hoạt động văn hóa bổ ích này.

Với GS-TS Phan Đăng Nhật (Hội VNDG Việt Nam) thì có những khơi gợi lý thú khác cũng không ngoài mục đích trên. Trong cuộc Hội thảo khoa học quốc tế về sử thi Tây Nguyên tổ chức hồi cuối năm 2007 tại TP. Buôn Ma Thuột, ông cho rằng: nên chuyển hình thức nghệ thuật sử thi sang các loại hình văn hóa, văn nghệ nghe nhìn hiện đại khác. Tương ứng phương thức ấy, GS. Nhật kiến nghị nên khích lệ, động viên và tạo mọi điều kiện để chính người dân bản địa (chủ thể sáng tạo sử thi) kể và hát tác phẩm của dân tộc mình trong môi trường sống và lao động hàng ngày. Theo đó, những cơ quan chức năng từng bước phối hợp với nhiều chuyên ngành khác để chuyển sử thi lên màn ảnh, sân khấu… nhằm phục vụ trở lại bà con. Còn nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ (Bảo tàng Gia Lai) đề xuất: nếu coi sử thi là bộ phận quan trọng trong nền văn hóa truyền thống Tây Nguyên thì nên có nhận thức về sự tồn tại của nó trong đời sống hiện nay một cách thường xuyên, cụ thể hơn. Không chỉ ở Trung ương mà mỗi tỉnh trong khu vực nên có bộ phận chuyên môn làm nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu và phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống (trong đó có sử thi) để giúp người dân bản địa sống đúng với giá trị tinh thần của họ. Ở góc độ khác, TS. Bùi Thị Hòa (Viện văn hóa - xã hội) đánh giá: trong những năm gần đây, đời sống văn hóa của bà con đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư, quan tâm hơn thông qua việc tổ chức thường xuyên các cuộc liên hoan cồng chiêng, diễn xướng và biểu diễn âm nhạc truyền thống… Vậy thì tại sao không đưa sử thi vào kết hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ kể trên, vì trong bản thân sử thi đã hàm chứa những yếu tố văn hóa ấy? GS-TS KH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam cũng đồng tình với những ý kiến trên, và ông cho rằng đó cũng là một cách nuôi dưỡng sức sống cho sử thi. Nếu những nỗ lực và tâm huyết ấy được thực hiện thì chắc chắn sử thi Tây Nguyên sẽ có một đời sống mới. Một đời sống mà theo vị giáo sư khả kính này nhận định là các giá trị văn hóa trong đó: bao gồm những hình tượng kỳ vĩ, những sự kiện và cuộc sống được mô tả trong sử thi sẽ được lớp trẻ tiếp nhận, kế thừa, phát huy một cách tự nhiên, gần gũi và đầy ước vọng… tựa như ngày nay họ vẫn mê say múa hát, đánh cồng chiêng, tham gia các lễ hội đâm trâu, bỏ mả vậy…Và đây cũng chính là cơ sở để phục hồi lại sinh hoạt cho sử thi Tây Nguyên tại các buôn làng.

Y Jet-Ma Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.