Multimedia Đọc Báo in

Huệ Nguyên - Vượt lên tật nguyền, tỏa sáng tâm hồn thơ…

15:09, 01/01/2013

Vượt lên khuyết tật không may, Nguyễn Văn Hợp đã khẳng định nghị lực, tình yêu cuộc sống bằng những tác phẩm văn, thơ và hoạt động thiện nguyện dưới bút danh Huệ Nguyên. Hợp đã có hơn 500 bài thơ thấm đẫm ước vọng, khát khao yêu thương và mang hơi thở của miền đất cao nguyên ngập tràn nắng gió.

Mẹ là đôi chân, bàn tay và cũng là độc giả đầu tiên của Huệ Nguyên
Mẹ là đôi chân, bàn tay và cũng là độc giả đầu tiên của Huệ Nguyên

Được cán bộ Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh dẫn đường, chúng tôi về thôn Mê Linh 2, xã Buôn Triết (huyện Lak) thăm gia đình nhà thơ khuyết tật Huệ Nguyên. Qua đoạn đường đê nhỏ hẹp gập ghềnh (mà mùa mưa thì khó khăn lắm mới đi được), chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ trống trơ, trong nhà không có vật dụng  gì đáng giá. Trên giường, Hợp ngồi như một bộ xương khô, mỗi bàn tay chỉ có 1 ngón thẳng ra đủ để Hợp khó nhọc gõ vào bàn phím của chiếc máy tính cũ kỹ màn hình đã chuyển màu xanh và chập chờn mờ mịt. Nhưng đây chính là cầu nối tuyệt vời nhất của Hợp với thế giới bên ngoài, giúp Hợp trải lòng mình bằng những áng văn thơ và giao lưu, sẻ chia với bạn bè khắp nơi…

Sinh ra cũng bình thường như bao người khác, thế nhưng Hợp sớm chịu sự oan nghiệt của số phận khi lên 3 tuổi, chân, tay bắt đầu có hiện tượng teo tóp, chậm phát triển. Người cha đã mang con đi khắp các bệnh viện từ Nam ra Bắc, nhưng mọi thuốc thang vẫn không thể ngăn bệnh phát triển- bệnh Loạn dưỡng cơ Duchenne (y học hiện nay vẫn chưa có phương thức chữa hữu hiệu). Thế là hằng ngày Hợp đành quanh quẩn trên chiếc giường, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ cha mẹ giúp đỡ. Suốt 11 năm học Hợp vẫn tới lớp trên đôi chân của mẹ và người thân. Đến năm lớp 11 thì Hợp nghỉ học vì bệnh bắt đầu giai đoạn nặng. Gia đình Hợp rất nghèo, cha mẹ già với 11 người con (Hợp là con thứ 10) chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng lúa. Cha Hợp từng chiến đấu ở chiến trường Lào, Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1977 ông đưa cả gia đình từ vùng quê lúa Thái Bình vào Buôn Triết lập nghiệp và vẫn thủy chung cùng cây lúa “bảy nổi ba chìm”…

Hợp tâm sự : “Có lúc em cũng đã tuyệt vọng, nghĩ quẩn khi thấy người em song sinh tốt nghiệp đại học đi dạy học, tự nuôi bản thân; còn mình 26 tuổi rồi, không những không tự kiếm sống lại làm khổ thêm gia đình. Bao nhiêu tiền gom góp của bố mẹ, anh chị em trong gia đình đều dồn hết vào việc thuốc thang mà vẫn không đổi được tia hy vọng nào…”. Trong tận cùng nỗi đau vì sự hành hạ của bệnh tật còn có sự dằn vặt bản thân của một người thanh niên vừa mới lớn đã tàn phế, thành gánh nặng cho gia đình. Hiểu nỗi buồn và trăn trở của con, người cha bớt cả tiền ăn ít ỏi hàng ngày của gia đình mua sách báo cho con đọc, động viên con cố vượt lên, hy vọng vào ngày mai. Chính nhờ qua sách báo, Hợp đã tìm được con đường mới tươi sáng cho mình bằng những trang viết. Thương con, cha tự tay đóng một chiếc bàn nhỏ để lúc con bớt đau có thể ngồi dậy viết và từ chiếc bàn nhỏ kê trên giường bệnh, các bài thơ đã ra đời.

Bước ngoặt của cuộc đời Hợp bất chợt đến khi đọc trên báo Dak Lak biết tin Hội VH-NT tỉnh có cuộc “Vận động sáng tác Văn học năm 2006”. Hợp nhờ cha gửi đi một chùm ba bài dự thi và đã đoạt giải. Kể từ đó những sáng tác của Hợp liên tục xuất hiện trên các báo, tạp chí của trung ương và các địa phương cũng như thường xuyên được cập nhật trên các trang web văn học nghệ thuật. Cuộc sống tưởng như vô vọng đã mở cánh cửa đón người thanh niên bị bệnh nan y trở thành tật nguyền có thể sống có ích cho cuộc sống. Chiếc giường bệnh và bốn bức vách không còn là nơi giam cầm, tù hãm mà nó góp phần thi vị hóa, có ý nghĩa hơn với cuộc đời của Hợp. Từ những ý nghĩ tiêu cực về cuộc sống, Hợp đã vươn đến với bạn đọc trong khắp cả nước qua cái tên Huệ Nguyên. Hợp chia sẻ về bút danh của mình: “Được sinh ra trên cuộc đời này và được cha mẹ yêu thương chăm sóc là một ân huệ lớn (ân huệ vẹn nguyên)”.

Trong cuộc sống có những điều tưởng như rất bình thường với người này nhưng lại là một điều khác thường đối với người kia; có những thứ tưởng như ta có thể dễ dàng nắm bắt được trong tầm tay, thế nhưng để thực sự sở hữu được nó thì ta lại phải đánh đổi bằng bao công sức khó nhọc, bao mồ hôi và thậm chí là nước mắt. Với Huệ Nguyên cũng vậy, giá trị đích thực của cuộc sống bằng chính những cố gắng lớn lao trong hoàn cảnh sống, nỗi nghiệt ngã của số phận và trong sự lao động nghệ thuật của mình… Thơ của Huệ Nguyên mang đến cho đọc giả nhiều cảm xúc về tình yêu và cuộc sống từ chính nội tâm tác giả. Năm 2010, Huệ Nguyên cho ra mắt tác phẩm đầu tay: “Thơ và tôi”, đều đặn mỗi năm tiếp theo có thêm một tập thơ mới: “Ngày xa em” năm 2011, “Mùa gọi” năm 2012; tính đến cuối năm 212 Huệ Nguyên đã có thêm năm tập thơ in chung như: Khúc tao ngộ (NXB Thanh Niên 2012), Cây vẫn trổ hoa (NXB Công an Nhân dân 2012), Tam thi nhất mệnh (NXB Hội Nhà văn 2012)…

Không chỉ sống có ý nghĩa bằng dệt cho đời những vần thơ, Huệ Nguyên còn quên đi những bất hạnh mà mình đang phải gánh chịu để chung tay cùng cộng đồng giúp những số phận không may vượt qua khó khăn, bệnh tật. Huệ Nguyên đã cùng một người bạn khuyết tật khác làm quen trên mạng thành lập trang web hoiquantre.info. Diễn đàn Hội quán trẻ nhằm mục đích tạo ra nơi giao lưu, gặp gỡ cho các bạn trẻ yêu thơ, làm từ thiện. Thành lập từ  tháng 1-2012, Hội quán nhanh chóng thu hút hơn 4.000 thành viên đăng ký tham gia - trao đổi thơ ca, tâm sự vui buồn trong cuộc sống, tìm sự đồng cảm và đồng hành với mình. Qua trang web này, Hội quán đã quyên góp và góp phần giúp đỡ nhiều người không may như: xây nhà cho một bạn bị ung thư ở Phú Thọ (21 triệu đồng); Ủng hộ một bạn gái thành viên ở Hà Nội ghép tủy (10 triệu đồng); Hỗ trợ một tác giả khuyết tật ở Nghệ An in tập sách “Như hoa hướng dương”; hỗ trợ tiền hằng tháng nuôi 2 trẻ mồ côi ở Cần Thơ  (mỗi tháng 300.000 đồng); Trao học bổng một trẻ em nghèo ở huyện Lak (Dak Lak) giúp em tiếp tục đến trường…

Chia tay Huệ Nguyên, tôi thật sự khâm phục ý chí của nhà thơ trẻ, người đã vượt qua số phận khắc nghiệt, sống có ích, sống vì mọi người, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn lên bằng chính những trang viết của mình.

Minh Quân

 

Dạ khúc chiều

                           Gửi N

 

Khẽ khàng nghiêng mắt nhớ

Chợt nhói chiều bâng khuâng

Ánh nhìn ai rớt lại

Thơm nét cười tươi trong!...

 

Khẽ khàng lời tiếu táo

Mà ngấm đến bao giờ?

Nửa bông đùa nửa thật

Đan kín ngày, dấu mơ!..

 

Ừ thôi xin đừng nhé

Chật lòng bao nỗi điều

Làm sao ta có thể

Xóa một trời dấu yêu!...

 

27-1-2012

 Huệ Nguyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.