Nam Phương Hoàng hậu - một tấm lòng nhân ái và tình yêu dân tộc
Nam Phương Hoàng hậu - Người duy nhất được phong Hoàng Hậu khi còn sống và cũng là vị hoàng hậu duy nhất theo đạo Thiên chúa của triều đại nhà Nguyễn.
Khi lấy chồng là người theo đạo Phật, bà tôn trọng tín ngưỡng của chồng nhưng cũng không từ bỏ tôn giáo của mình. Cuộc đời của bà là một tấm lòng kính Chúa yêu nước, một tình yêu tha thiết với cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Hoàng hậu Nam Phương |
Nam Phương Hoàng hậu tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan. Bà sinh ngày 4-12-1914, tại Gò Công, Tiền Giang, trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, giàu có bậc nhất miền Nam lúc bấy giờ, bà có tên thánh là Marie Thérèse.
Năm 12 tuổi, bà sang Pháp học tại trường Couvent des Oiseaux, một trường nữ danh tiếng ở Paris do các nữ tu điều hành. Năm 1932, bà thi đỗ tú tài.
Nguyễn Hữu Thị Lan là người nổi tiếng xinh đẹp, từng ba năm liền đoạt giải Hoa hậu Đông Dương. Vua Bảo Đại say mê bà Nguyễn Hữu Thị Lan, ông đã viết: “Lan có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê”.
Kết quả cuộc tình của vua Bảo Đại và người đẹp Nguyễn Hữu Thị Lan là cuộc hôn nhân của cặp trai tài gái sắc mà hai người theo hai tôn giáo khác nhau. Họ tôn trọng, yêu thương nhau trên tinh thần tự do tín ngưỡng.
Hôn lễ được tổ chức 20-3-1934 ở Huế. Khi ấy Bảo Đại đúng 21 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan 19 tuổi. Ngay ngày hôm sau, tại điện Dưỡng Tâm lễ tấn phong Hoàng hậu được diễn ra rất trọng thể. Nhà vua phong cho Hoàng hậu tước vị Nam Phương Hoàng hậu.
Sự kiện Nam Phương Hoàng hậu được tấn phong ngay sau khi cưới là một biệt lệ đối với các vợ vua triều Nguyễn. Vì những đời vua Nguyễn trước đó, các bà vợ vua được phong tước Vương phi, chỉ đến khi qua đời mới được truy phong Hoàng hậu.
Tháng 8-1945, phong trào cách mạng dâng cao. Trong những ngày nước sôi lửa bỏng đó, Nam Phương Hoàng hậu đã khuyến khích ông Phạm Khắc Hòe tìm cách liên lạc với cách mạng để tìm kiếm lời khuyên. Bà khuyên giải, nài nỉ Bảo Đại thoái vị, tránh chống đối cách mạng để không xảy ra cảnh máu đổ, đầu rơi. Đạo dụ mà trong đó vua Bảo Đại bày tỏ sẵn sàng giao chính quyền cho Việt Minh, muốn làm “người dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ” là do ông Phạm Khắc Hòe soạn thảo và có sự bàn bạc chu đáo với Nam Phương Hoàng hậu.
Bảo Đại thoái vị, được Bác Hồ mời ra Hà Nội làm cố vấn cao cấp cho Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nam Phương Hoàng Hậu ở lại Huế.
Sau khi giành được độc lập, nước nhà vừa trải qua nạn đói với hơn hai triệu người chết. Ngân khố quốc gia nghèo nàn, kho bạc chỉ còn khoảng 1 triệu đồng tiền cũ nát. Bác Hồ phát động “Tuần lễ vàng”, kêu gọi nhân dân cả nước ủng hộ tiền, vàng, của cải cho Chính phủ.
Ngày 17-9-1945, thành phố Huế phát động “Tuần lễ vàng” bên bờ sông Hương. Ngày hôm ấy, Nam Phương Hoàng hậu, mười ngón tay đeo đủ 10 nhẫn vàng, đeo hoa tai vàng, vòng vàng, mặc trang phục Hoàng hậu màu vàng như đi dự hội. Tại buổi lễ, bà là người đầu tiên đến bên một cái bàn trải khăn đỏ rồi từ từ cởi hết số đồ trang sức bằng vàng đang mang trên người đặt lên bàn hiến cho Chính phủ. Hành động của Hoàng hậu được nhân dân và các cấp chính quyền hồi bấy giờ nhiệt liệt hoan nghênh và thán phục. Sau đó bà được gắn một huy hiệu in cờ đỏ sao vàng.
Noi gương Nam Phương Hoàng hậu, nhiều nhà giàu ở Huế đã hiến cả chục lạng vàng. Trong “Tuần lễ vàng” nhân dân thành phố Huế đã đóng góp 925 lạng vàng cho Chính phủ.
Quân Pháp dựa vào thế lực của quân Anh để gây hấn ở miền Nam với ý đồ tái chiếm thuộc địa Việt Nam. Lúc đó vua Bảo Đại đã thoái vị, bà Nam Phương đang ở tại An Định Cung bên bờ sông An Cựu. Đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền Nam, quê hương của bà đang trực tiếp gánh chịu, cựu Hoàng hậu Nam Phương đã gửi một thông điệp cho bạn bè ở Á châu yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), thực dân Pháp trở lại chiếm đóng thành phố Huế. Nam Phương Hoàng hậu cùng Bảo Đại và các con rời Việt Nam sang Pháp năm 1947. Ở Pháp nhưng bà vẫn luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Bà luôn quan tâm tới cuộc sống của những người nghèo, những hoàn cảnh éo le.
Nam Phương Hoàng hậu đã mất vì bệnh đau tim ngày 16-9-1963 tại Pháp nhưng cả cuộc đời bà là một tấm gương sáng về lòng yêu nước và tự tôn dân tộc của người công giáo. Bà là người góp công đoàn kết các tôn giáo và tôn trọng tự do tín ngưỡng. Bà kịch liệt phản đối việc lợi dụng tôn giáo để gây mất đoàn kết dân tộc.
Nam Phương Hoàng hậu còn là người nhiệt thành với cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ. Nhiều người công giáo Việt Nam ngưỡng mộ và cảm phục một tâm hồn dân tộc, một tấm lòng kính Chúa yêu nước.
(Theo Báo điện tử ĐCSVN)
Ý kiến bạn đọc