Hướng về đất Tổ Hùng Vương
Hằng năm, cứ đến ngày 10-3 (Âm lịch) con dân đất Việt ở khắp mọi miền lại hướng về đất Tổ để tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước. Trải suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giữ nước và mở mang bờ cõi của dân tộc ta, truyền thống thờ cúng các Vua Hùng luôn được gìn giữ và phát huy, trở thành nét văn hóa sâu đậm và quý báu trong đời sống tâm linh mọi người, mọi cộng đồng dân tộc.
Đông đảo người dân về dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3. |
Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng năm nay được tỉnh Phú Thọ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức long trọng và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với thời gian kéo dài 8 ngày, từ ngày 13 đến 20-4 (tức nhằm ngày mồng 4 đến 11-3 năm Quý Tỵ). Dak Lak được Ban tổ chức chọn làm địa phương đại diện cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên tham gia sự kiện văn hóa, lịch sử này. Bà Mai Hoan Niê K’Dăm-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đây là một vinh dự đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn, bởi trong số 9 khu vực trong cả nước, chỉ có 9 tỉnh thành tiêu biểu được mời tham dự Lễ dâng hương và cung tiến lễ vật lên các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên (ở đền Thượng vào ngày 9-3), trong đó có Dak Lak. Lễ vật Dak Lak thành kính cung tiến trong dịp này là các sản vật đặc trưng của vùng đất bazan: cà phê, mật ong, hồ tiêu, bơ trái và rượu cần... Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã trích ngân sách 100 triệu đồng để tham gia kinh phí tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và tiếp tục tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Có thể nói sự đóng góp tinh thần cũng như vật chất của các cá nhân, tổ chức ở các tỉnh thành trên cả nước trong nhiều năm qua đã góp phần trùng tu, tôn tạo và mở rộng Khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng to đẹp, khang trang hơn. Theo ngành văn hóa tỉnh Phú Thọ, những công trình di tích Đền Hùng còn lại đến nay trên núi Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương-TP. Việt Trì) đều đã được Nhà nước và nhân dân đóng góp tiền của và công sức trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Đợt lớn nhất là vào năm 1922, một số nhà tư sản Bắc bộ thời kỳ thuộc Pháp đã cung tiến hơn hai vạn đồng Đông Dương để lát lại gần 198 bậc đá từ đền Trung lên đền Thượng như hiện nay; đồng thời tôn tạo một số đền thờ, am tự tại đây đã bị hư hại sau khi được xây dựng chủ yếu vào thời kỳ hậu Lê và Nguyễn. Sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hòa bình được lập lại ở miền Bắc (1954), Khu di tích lịch sử Đền Hùng được đầu tư kinh phí tôn tạo, mở rộng nhiều lần nữa. Đặc biệt là những năm 1980-1985, dự án khoanh vùng bảo tồn và xây dựng khu di tích lịch sử này đã được Nhà nước và chính quyền địa phương quy hoạch, triển khai với ý nghĩa và quy mô to lớn hơn, đúng như lời của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Cả nước hướng về Đền Hùng và Đền Hùng trong lòng cả nước!” Đến nay, Khu di tích lịch sử Đền Hùng là một quần thể kiến trúc - lịch sử - văn hóa to đẹp, bao gồm nhiều công trình được xây dựng mới như Đồi Công quán, Bảo tàng Hùng Vương, Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và Tổ mẫu Âu Cơ… được con cháu tiên rồng muôn nơi về thăm viếng và hương khói quanh năm.
Nói như bà Mai Hoan Niê K’Dăm-Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Dak Lak về dự Lễ dâng hương các Vua Hùng năm nay rằng: trong thành tựu, ý nghĩa ấy có phần đóng góp và kính ngưỡng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn Dak Lak. Hướng về đất Tổ là nghĩa cử và cũng là hoạt động nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, qua đó củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hăng hái thi đua lao động, nêu cao tinh thần xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Về tham gia Lễ hội Đền Hùng lần này, đoàn Dak Lak cũng mang theo dàn chiêng buôn Kô Sia cùng các nghệ nhân tham gia biểu diễn cồng chiêng nhằm quảng bá, giới thiệu vốn văn hóa truyền thống độc đáo và giàu bản sắc của mình.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc