Multimedia Đọc Báo in

Sách và thế giới mở

15:22, 12/04/2013

Những trang sách có khả năng làm hiện ra trước mắt người đọc một thế giới khác. Đấy không chỉ là thế giới của những cái đã xảy ra, được tác giả phản ánh, mô phỏng, mà còn là thế giới của những giấc mơ, của trí tưởng tượng bay bổng, của những suy tư chiêm nghiệm trước vũ trụ và nhân sinh. Đó thật sự là một thế giới mở, không khi nào hoàn toàn đồng nhất với hiện thực.

Thế giới mở ấy bắt nguồn từ hoạt động đọc. Thoạt nhìn, đọc là một hoạt động có tính vật lý, người đọc có thể ngồi trên ghế, nằm trên võng... cầm và lần giở từng trang sách. Nhưng tính chất vật lý của sự đọc nhanh chóng được thay thế bằng một sự thụ hưởng về mặt tinh thần, khi người đọc hòa nhập tâm hồn và trí tuệ của mình vào trong trang sách. Thế giới sách mở ra, mời gọi độc giả thực hiện cuộc viễn du qua từng câu chữ.

Chấp nhận lời gọi mời của sách, người đọc bắt đầu cảm nghiệm một thế giới mới, với bao điều quen lẫn sự lạ thường, cái có thật và cái không thật, thực và mộng... Khi đọc sử thi Odyssey của Homer, ta như cùng người anh hùng Ulysses trải qua hàng loạt cuộc phiêu lưu thần kỳ với muôn vàn hiểm nguy, trước khi cập bến bờ Ithaca; khi tìm về với Robinson Crusoe, ta cảm nghiệm cuộc sống ngoài đảo hoang với bao điều thú vị... Gấp sách lại, cũng là lúc người đọc thấy tâm hồn và trí tuệ mình được rộng mở trước bao điều chưa biết. Cái thế giới mở của sách đã quay ngược lại, ảnh hưởng, hóa thân vào cuộc đời thực, bằng chính những dưỡng chất bồi đắp trí tuệ và tâm hồn.

Để rồi, đến lúc nào đó, thế giới trong trang sách và thế giới ngoài thực hòa quyện vào nhau trong nếp cảm, nếp nghĩ của người đọc, vừa song hành vừa đối ứng. Người đọc có quyền chiêm nghiệm về cả hai thế giới. Trang sách bắt nguồn từ hiện thực cuộc đời nhưng cuộc đời không phải là thế giới trong sách. Những chuyện cổ tích thường kết thúc có hậu, hoàng tử sẽ thoát khỏi lốt ếch, cô bé Lọ Lem sẽ cưới hoàng tử và sống hạnh phúc... nhưng trong đời thực, lắm khi cái tốt, cái thiện phải chịu thiệt thòi. Ngoài ra, đối với người đọc, sống với sách và sống trong sách là hai điều khác nhau. Sống với sách và sống giữa những quyển sách, như nhân vật Menden – người bán sách cũ, có trí nhớ phi thường trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Áo Stefan Zweig, nhưng sống trong sách là đắm chìm trong thế giới ảo của những trang sách, như chàng hiệp sĩ mặt buồn Don Quixote do đại văn hào Tây Ban Nha Cervantes tạo nên.

Thời đại toàn cầu hóa chuộng tính chất mở. Nhà ký hiệu học người Ý Umberto Eco cũng đã nói về những "tác phẩm mở" trong một “thế giới phẳng”, dân chủ và ngày được kết nối tốt hơn nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông. Vậy sách và thế giới trong sách – với tư cách là một sản phẩm văn hóa – tinh thần – hẳn sẽ được mở rộng về mọi phía, đáp ứng nhu cầu của một nền văn hóa đại chúng. Tính chất mở của sách có thể được nhận thấy về mặt hình thức, như dạng sách điện tử, các thiết bị đọc sách, khuynh hướng văn học mạng... lẫn mặt nội dung: như đề tài, chủ đề, phong cách giãn nở, mở rộng tối đa..., nhằm đáp ứng thị hiếu của mọi tầng lớp độc giả.

Nhưng điều thú vị nằm ở chỗ, trong một thế giới ngập tràn cảm quan hậu hiện đại, mang tính phân mảnh, đổ vỡ, lắp ghép, sách lại là một công cụ kết nối và hàn gắn. Sách kết nối những tâm hồn, những trái tim, hướng về cuộc sống và hành trình kiếm tìm Chân – Thiện – Mỹ. Vậy là thế giới phẳng cuộc đời vẫn quy tụ lại trong nhịp đập con tim, qua từng trang sách. Hiện tượng tác phẩm best seller Harry Potter làm say đắm độc giả toàn thế giới, đánh thức trí tưởng tượng ngỡ đã ngủ yên của con người trong thời hiện đại là một minh chứng. Thế giới sách mở ra để kết nối, để phá bỏ những đường biên giữa các quốc gia, sách trở thành một sứ giả văn hóa mang thông điệp vượt thời gian.

Thế giới mở của sách, do đó, là thế giới của những vòng tay xích lại gần nhau.

Lê Minh Kha


Ý kiến bạn đọc