Multimedia Đọc Báo in

Nghệ nhân - Những đại sứ văn hóa

15:26, 12/04/2013

Thời gian gần đây, cứ vào đầu tháng ba cho đến hết tháng năm…nhiều nghệ nhân dân gian (múa hát, diễn tấu cồng chiêng và chế tác nhạc cụ) lại trở nên bận rộn. Họ được mời tham gia biểu diễn tại các lễ, hội khắp nơi. Thông qua hoạt động này, những chủ nhân của nền văn hóa ấy đã góp phần quảng bá, giới thiệu nét văn hóa độc đáo và đặc sắc của dân tộc mình đến với mọi người…


Đội chiêng buôn Kô Sia.
Đội chiêng buôn Kô Sia.

Mấy bận, tôi tìm về nhà nghệ nhân A Míp (buôn Kô Sia) nhưng không gặp. Người nhà bảo rằng, cả tháng ba vừa qua ông đi suốt, hết nơi này mời đến chỗ kia đón… thành ra không mấy khi A Míp ở nhà. Đầu tháng tư này, tôi hẹn mãi mới gặp được ông sau chuyến lưu diễn ở miền Trung trở về.  Trong câu chuyện với nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng tài danh ấy, mới biết ông bận rộn đến nhường nào. Hết tham gia ngày hội VH-TT các buôn đồng bào dân tộc của thành phố, lại tiếp tục có mặt trong các chương trình biễu diễn cồng chiêng nhân dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4-2013, rồi kỷ niệm Ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột 10-3…khiến nghệ nhân A Míp cũng như các thành viên trong đội chiêng buôn Kô Sia không có thời gian nghỉ ngơi. Ông cho biết, trong tháng tư này cũng thế, bận rộn không kém bởi đã có nhiều đối tác “đặt hàng” và mời biểu diễn cồng chiêng ở trong và ngoài tỉnh nhân dịp lễ 30-4 và 1-5 sắp đến.


Nghệ nhân A Míp - người được coi là sứ giả văn hóa  của người Êđê.
Nghệ nhân A Míp - người được coi là sứ giả văn hóa của người Êđê.

Bận rộn thế mà vui! Tất nhiên, niềm vui lớn nhất - theo A Míp tâm tình là được sống hết mình trong dòng chảy văn hóa của dân tộc mình. Mỗi nhịp chiêng, điệu hát ngân lên, dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào: trên sân khấu ước lệ, trên đường phố hay chính trong không gian buôn làng… đều mang thông điệp chân thành, hòa điệu tâm hồn của người Êđê gửi đến bạn bè muôn nơi. Điều mà nghệ nhân này tâm niệm là qua những lần đi lưu diễn nơi buôn xa, làng gần hay trong Nam, ngoài Bắc…đội chiêng buôn Kô Sia của ông bao giờ cũng lấy yếu tố chân thật làm đầu. Vì chỉ có chân thật mới giúp người xem hiểu thấu đáo và trọn vẹn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc. Cũng từ sự chân thật này mà đội chiêng buôn Kô Sia được nhiều người mến mộ đến vậy! Ông Trần Văn Phụng-Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh đánh giá: ai đến Dak Lak cũng muốn được thưởng thức một vài bài chiêng cổ (đón khách, mừng mùa…) do bảy nghệ nhân của đội chiêng này diễn tấu. Theo ông Phụng, hiện nay trên địa bàn Buôn Ma Thuột nói riêng và cả tỉnh nói chung, các nghệ nhân buôn Kô Sia có tần suất biểu diễn nhiều nhất, có khi dày đặc trong những dịp lễ lượt, hội hè. Ngoài sân khấu biểu diễn của Trung tâm Văn hóa tỉnh, họ thường xuyên có mặt tại những tụ điểm sinh hoạt cộng đồng khác (như nhà hàng, khách sạn và các điểm đến lữ hành…) để phục vụ du khách. Thông qua hoạt động này, họ không những có điều kiện để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà hơn thế họ còn là những “sứ giả” mở ra “cánh cửa” giao lưu, hội nhập… giúp mọi người tiếp cận và hiểu biết sâu sắc hơn hình ảnh con người Tây Nguyên và vốn văn hóa lâu đời, đặc sắc của các tộc người bản địa.

Cùng chung suy nghĩ ấy, nghệ nhân Y Ngoan Êban (buôn Kô Tam-TP Buôn Ma Thuột) không giấu được niềm vui khi được nhiều địa phương và các ban, ngành trong tỉnh mời dàn dựng các chương trình nghệ thuật để dự thi, hoặc phục vụ du khách khi đến Dak Lak vui chơi, thăm thú. Ông Y Ngoan tâm sự: trong tháng 3 và tháng 4-2013, lịch làm việc của ông (cùng cô con gái H’Mai-một nghệ nhân trẻ hát múa dân gian khá nổi tiếng của Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Dak Lak) dường như kín mít. Hai cha con nghệ nhân Y Ngoan vừa dàn dựng xong chương trình văn nghệ cho buôn Kô Tam tham gia ngày hội VH-TT thành phố xong, lại bắt tay thiết kế “sô” đánh chiêng và múa hát cho các điểm du lịch văn hóa-sinh thái như Trinh Nữ, thác Dray Sáp, Làng cà phê Trung Nguyên…nhằm giúp những đơn vị kinh doanh du lịch này có thêm sản phẩm mới phục vụ du khách. Nghệ nhân trẻ H’Mai chia sẻ: được đem vốn hiểu biết văn hóa của dân tộc mình đi phục vụ cho cộng đồng và bạn bè là một niềm vui thật sự. Vui vì nhận ra vốn văn hóa ấy đang sống dậy và lan tỏa sâu rộng đến với mọi người. Dù sao, dưới hình thức diễn “sô” như thế của các nghệ nhân cũng là một trong những “kênh” thông tin góp phần quảng bá, giới thiệu vốn văn hóa truyền thống của dân tộc thêm sinh động và hữu hiệu- H’Mai nhìn nhận thêm.

Những nghệ nhân khác, như Y Thim Byă (buôn Ea Bông-xã Cư Ê bur), Y Kít Ê Nuôl (buôn Chua Káp) và Y Nắc (buôn Tu)-TP Buôn Ma Thuột cũng đều nghĩ thế! Họ cho rằng, được mời biểu diễn hay tự tổ chức “sô” diễn nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng lãm văn hóa của mọi người… thì cũng không ngoài mục đích trên. Y Thim thừa nhận: niềm đam mê, trân trọng vốn văn hóa của cha ông mình và lấy đó làm kế sinh nhai là điều đáng khuyến khích, tự hào... Và đến nay, không ai phủ nhận một hiện thực sinh động rằng, những nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng và hát múa dân gian kia đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống một cách thiết thực và hiệu quả nhất. Những giá trị văn hóa đó đang nuôi sống họ - và ngược lại, chính họ đã làm thăng hoa thêm cho những giá trị văn hóa ấy bằng sự hiểu biết và nỗ lực của mình. Nói thêm về điều này, ông Nay Phi La-Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột đánh giá: mối giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc đang ngày càng được mở rộng theo hướng đa chiều và phong phú hơn, nên đã tạo ra nhiều cơ hội cho nghệ nhân tham gia. Và dù ở dưới hình thức nào, phục vụ cho việc chung, hay việc riêng cũng đều vì mục đích nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con, để trên cơ sở đó thúc đẩy mạnh mẽ việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn. Việc tạo điều kiện, cơ hội cho họ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ theo hướng xã hội hóa như hiện nay là vấn đề cần quan tâm. Các cấp chính quyền địa phương và đặc biệt là ngành VHTT&DL cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện thêm thiết chế văn hóa hiện hành nhằm khơi gợi, phát huy tiềm năng hơn nữa từ các nghệ nhân trong công cuộc bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc ta.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.