Thêu tranh chữ thập: Thú vui đậm chất nghệ thuật của phụ nữ hiện đại
Xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2004, đến nay tranh thêu chữ thập đã có mặt ở Dak Lak và trở thành trào lưu nghệ thuật trong giới chị em phụ nữ. Với chủ đề đa dạng, đường nét tinh tế, thao tác đơn giản, bộ môn nghệ thuật này không chỉ giúp phái nữ giải tỏa căng thẳng sau giờ làm việc mà còn là món quà quý gửi tặng người thân, gắn kết yêu thương.
Tranh thêu chữ thập đơn giản chỉ là những đường kim, mũi chỉ đan chéo nhau hình chữ thập nhưng dưới bàn tay tỉ mẩn của con người, một thế giới đầy màu sắc đã được mở ra. |
Mỗi bức tranh sau khi thêu xong được nhúng vào nước để các họa tiết in sẵn trên vải tự phai màu, chỉ còn màu của các đường chỉ. Sau đó, người thêu sẽ mang những bức tranh này ra tiệm để đặt khung, nẹp tranh. Tùy theo kích cỡ, chất liệu khung mà giá của các khung tranh khác nhau. Thông thường, giá khung tranh kích cỡ 33x33 cm: 150.000 đồng/khung ; giá khung 40x80 cm: 400.000 đồng/khung… Nhìn chung, để có bức tranh thêu trong các tư gia thì ít nhất cũng phải mất 200.000 đồng, thậm chí vài triệu đồng/bức.
Chị Nguyễn Thị Cúc, chủ một hiệu thuốc nhỏ trên đường Nguyễn Viết Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) vừa thêu tranh vừa kể: “Ban đầu tôi thêu tranh chữ thập vì tò mò, sau thêu dần thấy "ghiền", thêu xong lại mua tranh để thêu tiếp. Tranh thêu chữ thập tuy đơn giản chỉ là những đường kim, mũi chỉ đan chéo nhau nhưng không phải ai cũng làm được, bởi bức tranh được “vẽ” tỉ mỉ và các công đoạn cắt chỉ, muốt chỉ, xâu kim liên tục… Nếu không có tính kiên trì, nhẫn nại cộng thêm một chút khéo léo, đam mê thì người thêu rất dễ bỏ cuộc giữa chừng. Bức tranh “Chim hạc đêm trăng” kích thước 70x75 cm tôi phải thêu gần 4 tháng mới xong”.
Với giới phụ nữ văn phòng, thêu tranh cũng là một thú vui giải tỏa căng thẳng rất tốt. Cứ sau giờ tan sở, chị Cao Thị Vân, nhân viên văn phòng của một công ty cổ phần truyền thông trên đường Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) lại cùng đồng nghiệp ghé quán cà phê vừa thêu tranh vừa nói chuyện. Chị cho biết: “Nhà tôi ở xã Hòa Phú, cách công ty khoảng 15 km, nên việc ngồi nghỉ tại công ty hoặc ghé quán cà phê để thêu tranh là điều khá tuyệt vời. Bởi nó không chỉ giúp tôi thỏa niềm đam mê đối với nghề thêu mà còn tạo ra món quà đầy ý nghĩa do chính mình làm nên để tặng bạn bè…”.
Không chỉ thêu để giải trí, nhiều phụ nữ đã có thu nhập từ nghề này. Bà Nguyễn Thị Xuân, chủ một hiệu tranh trên đường Nguyễn Trãi (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, ban đầu bà mua tranh về thêu cho đỡ nhàm chán, khuây khỏa tuổi già. Dần dần thấy nhiều người hỏi nhờ mua dùm nên bà đã lấy hàng về bán trong nhà. Ban đầu là những bức tranh cỡ nhỏ, rồi sau này bà lấy những bức tranh lớn, tranh quý về vừa bán, vừa thêu, vừa dạy cho khách thêu. Với nguồn vốn ban đầu chỉ 40 triệu đồng, hiện nay bình quân mỗi tháng bà thu về khoảng 3 triệu đồng tiền lãi. Còn chị Đinh Thị Thu Quỳnh, một người nội trợ cho biết, ban đầu chị thêu tranh đồng hồ đặt trong phòng ngủ, thêu dần thấy “ghiền” lại mua tranh phong cảnh về thêu tặng bạn bè, người thân. Thấy thêu đẹp nhiều khách hàng là chỗ quen biết lại đặt hàng nhờ chị thêu. Do thêu quen tay, thêu nhanh nên bình quân mỗi tuần, tranh thủ thời gian rảnh chị thêu xong một bức tranh quý cỡ lớn 60x100cm, lời khoảng 300.000 đồng tiền công.
Trào lưu thêu tranh chữ thập xuất hiện ở các nước châu Âu và dần lan sang châu Á, đặc biệt là các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Hiện nay, bên cạnh tranh chữ thập truyền thống thì còn có loại tranh 3D chỉ thêu những họa tiết chính, tiết kiệm công thêu cho khách hàng, tuy nhiên loại tranh này không nhận được sự ưa chuộng bởi tính sinh động ít hơn.
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc