Multimedia Đọc Báo in

Mấy suy nghĩ về văn học mạng

09:18, 15/06/2013

Bước sang thời đại thông tin bùng nổ, khi mạng Internet đã nối kết cả thế giới lại với nhau thông qua đường truyền, mặt phẳng màn hình; khi các blog, forum, các trang web liên tục nở rộ trên mạng thì sáng tác văn học nghệ thuật cũng nằm trong dòng chảy “số hóa”. Và văn học mạng đã được ra đời, gắn kết với những đặc điểm rất riêng về tác giả - người đọc, sáng tạo và tiếp nhận, những thuộc tính gắn liền với tính chất “mạng” của văn học…

Văn học mạng (network literature) thường được hiểu trong thế đối sánh với văn học sáng tác theo kiểu truyền thống (traditional literature) - tức là văn học được viết và in trên giấy, sản phẩm cho ra đời là những cuốn sách gắn liền với tên tuổi của tác giả, của nhà xuất bản… Có nhiều ý kiến cho rằng, văn học mạng là một phương thức sáng tác mới của văn học, một cách biểu hiện mới bằng việc ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin. Về hoàn cảnh ra đời, có thể nói, nó gắn chặt với sự bùng nổ của các blog, forum văn nghệ, các trang web văn học, đi kèm với nhu cầu sáng tác, bộc lộ, giao lưu tư tưởng tình cảm của con người trong thế giới ảo… Văn học mạng phát triển rất mạnh ở Trung Quốc cách đây đã hơn chục năm; đã có một số hội thảo quy mô về văn học mạng, nhiều bài viết, bài nghiên cứu về đặc trưng của văn học mạng. Gắn với nền văn học mạng của Trung Quốc, có hàng loạt những cây viết trẻ tuổi 8X như Tào Đình, Quách Kính Minh, Bukla… với những tác phẩm thu hút sự quan tâm đông đảo của hàng triệu cư dân mạng. Nhiều tác phẩm đã đi từ thế giới ảo vào những cuốn sách, trở thành những ấn phẩm best – seller, “con ngỗng đẻ trứng vàng” của nhiều nhà xuất bản.

Ở Việt Nam, văn học mạng hình thành và phát triển trong vòng 7, 8 năm gần đây. Lớp tác giả của dòng văn học mạng ở Việt Nam hầu hết đều là những người trẻ - thế hệ nhanh nhạy nhất với sự phát triển của khoa học công nghệ, với cái mới. Có thể kể đến những cái tên như: Trang Hạ (Những đốm lửa trên vịnh Tây Tử), Trần Thu Trang (Phải lấy người như anh), Hà Kin (Chuyện tình New York), Phan Anh (Giường), Keng (Dị bản)… Trong đó, có những hiện tượng xuất bản như “Chuyện tình New York”, như tập truyện “Dị bản”, tạo được những cơn sốt - đặc biệt là đối với độc giả trẻ, ở một mức độ nào đấy.

Văn học mạng, với đặc điểm xóa bỏ những rào cản về không gian, thời gian sáng tác - tiếp nhận, phát huy mạnh mẽ tính dân chủ trong sáng tạo, đã thu hút khá đông những người viết truyện, viết tiểu thuyết cả ở Việt Nam và thế giới. Nó trở thành một trào lưu mạnh mẽ, góp phần ảnh hưởng đến văn học chính thống, đòi hỏi một cách nhìn mới, cách viết, cách đọc mới. Ở Việt Nam, cũng đã có hội thảo về văn học mạng, một số nhà nghiên cứu văn học cũng đã có những ý kiến về dòng văn học này. Chung quy lại, trong mối quan hệ biện chứng, bất cứ hiện tượng nào cũng đều tồn tại những mâu thuẫn, có tính hai mặt của nó. Văn học mạng cũng vậy, bản thân nó bao gồm cả những khả năng lẫn bất cập. Bên cạnh rất nhiều tiềm năng như đã nói, việc mở rộng cửa cho mọi đối tượng tham gia sáng tác, việc quá dân chủ về đề tài, những đặc trưng của các dạng viết “như một lời tâm sự” trên các blog, việc ứng dụng quá mức dạng văn học “hypertext” (một dạng sáng tác mang dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại, sử dụng các hiệu ứng âm thanh, hình ảnh, video clip ngay trong tác phẩm…) khiến cho lắm lúc người viết và người đọc như lạc vào một mê cung không định hướng, không có cơ sở, hệ quy chiếu để nhìn nhận đánh giá giá trị đích thực của tác phẩm.

Dĩ nhiên, khi đọc tác phẩm được sáng tác trên mạng, cũng cần thấy rằng, văn học mạng có những đặc trưng riêng. Chẳng hạn, nó thường mang tính giãi bày, gắn với tính chất tự truyện. Vì nó thường bắt nguồn từ những câu chuyện, lời tâm sự của những người trẻ trên các blog về những vấn đề của cuộc sống, được mọi người quan tâm, chú ý nhiều (thể hiện qua số lượng truy cập cao). Điều đó khiến cho ngôn ngữ của văn học mạng là ngôn ngữ đời thường, là lời ăn tiếng nói hằng ngày. Hà Kin cho rằng những tác phẩm của cô là một lời tâm sự, tác giả Keng nhận thấy ngôn ngữ trong sáng tác của mình không được trau chuốt như ngôn ngữ trong các tác phẩm của nhiều nhà văn khác sáng tác theo phương thức cổ điển. Đấy là điều đương nhiên khi văn học mạng hiện nay dường như không chú trọng đến tính chất hàn lâm, tính tư tưởng và nghệ thuật cao (trừ một số ít trường hợp đặc biệt); nó chú trọng đến sự giãi bày, đồng cảm. Nó mang tính đại chúng cả trong sự viết và sự đọc.

Hiện nay, Việt Nam đã có một số website văn học có đăng sáng tác trên mạng, nổi bật nhất có lẽ là trang vannghesongcuulong… Đã có một số tác phẩm trên mạng được chuyển “từ ảo sang thực”, trở thành sách in; ngoài những tác phẩm của các tác giả trẻ kể trên, có thể kể đến những tập truyện ngắn từ các trang web văn học như tuyển tập Truyện ngắn từ trang web vannghesongcuulong.org, Tuyển tập Văn học mạng hay một số cuốn khác. Dẫu chúng ta chưa thể so sánh được với những trang web và tạp chí văn học mạng mang tính chuyên môn cao trên thế giới như The New River, The Little Magazine… nhưng đây cũng đã là những tín hiệu đáng mừng cho những người viết và người đọc Việt Nam trong thế giới số.

Nhìn chung, thế giới văn học mạng có sự hòa trộn giữa cái ảo và cái thật. Văn học mạng nằm trên những đường biên, những ranh giới giữa được và mất, khả năng và bất cập… Như một phương thức sáng tác mới của văn học, nó có khả năng hiện thực hóa những điều tưởng chừng không thể, mở rộng môi trường sáng tạo - tiếp nhận văn học, mở rộng những cơ hội và cả thách thức… Dẫu sao, dù sáng tác theo phương thức truyền thống hay sáng tác trên mạng, điều cần nhất vẫn là chất lượng của tác phẩm, nói cách khác, cách thức không thể thay thế được giá trị. Nếu đấy là những tác phẩm hướng con người đến chân - thiện - mỹ, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật thì sẽ có sức sống theo dòng thời gian, nếu không, nó sẽ chỉ là hiện tượng nhất thời, một mai tan biến. Nói như nhà văn Milan Kundera, văn chương luôn nằm trong tình thế “lưỡng lự”. Và thời gian sẽ luôn là nhà phê bình tốt nhất…

Lê Minh Kha


Ý kiến bạn đọc