Multimedia Đọc Báo in

Trả không gian cồng chiêng về với buôn làng

14:45, 27/08/2013

Từ khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại (năm 2005), giá trị văn hóa độc đáo và đặc sắc này được các ngành chức năng quan tâm, tôn vinh hơn. Tuy nhiên, sự quan tâm và tôn vinh di sản văn hóa này không có nghĩa là cứ đua nhau tổ chức các lễ hội cồng chiêng khắp nơi với nhiều quy mô to-nhỏ khác nhau hằng năm, mà vấn đề là phải tạo dựng được môi trường “thiêng” thật sự cho cồng chiêng…

Môi trường “thiêng”

Hầu hết các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trên địa bàn Tây Nguyên đều có chung quan điểm: cồng chiêng của bất kỳ bộ tộc nào ở Tây Nguyên cũng chỉ được diễn tấu trong không gian “thiêng” của nó, là lễ hội truyền thống của cộng đồng, là nghi thức cúng tế trang trọng gắn với tín ngưỡng cổ xưa về đời sống sản xuất nông nghiệp cũng như vòng đời của con người từ khi sinh ra, lớn lên cho đến khi trở về với đất. Có thể nói, không gian ấy được sinh thành một cách tự thân, thuận theo nhu cầu tinh thần trong đời sống và sinh họat của mỗi cộng đồng dân tộc.

Lễ hội mừng lúa mới của người Sê Đăng ở buôn Kon H'rin thực sự là môi trường
Lễ hội mừng lúa mới của người Sê Đăng ở buôn Kon H'rin thực sự là môi trường "thiêng" cho cồng chiêng.

Chính vì thế, nói như tiến sĩ Nguyễn Chi Bền (Viện nghiên cứu KH-XH) là nó có mà như không có, hữu hình mà lại vô hình nên không dễ gì nắm bắt, xác định và “khoanh vùng” theo kiểu tư duy vật lý được. Còn GS-TS Khoa học Tô Ngọc Thanh (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) thì xác quyết: nên hiểu không gian văn hóa này theo phương thức tiếp cận đa ngành, chứ không phải là sự đơn lẻ, hoặc khu biệt một hoạt động, một giá trị văn hóa cụ thể nào đó. Chẳng hạn, khi diễn tấu cồng chiêng, tất nhiên phải ở trong môi trường “thiêng” nói trên, người nghe và thưởng thức không chỉ dừng lại ở mức cảm nhận riêng âm thanh, tiết tấu, nhịp điệu của nó theo tư duy âm nhạc, mà phải hiểu thêm đằng sau đó “tiếng chiêng” nói gì và mang ý nghĩa thông báo ra sao với cộng đồng. Có như thế mới biết rằng, một khi tiếng chiêng ngân lên là mọi người tụ tập lại và hiểu ra ở đó đang diễn ra việc gì: lễ mừng lúa mới, cúng người chết, bỏ mả, lễ thổi tai cho đứa trẻ mới ra đời, hay đón khách xa về… tất cả đều được các cộng đồng dân tộc ở Tây Nguyên “mã hóa” trong từng tiếng chiêng của mình. Chính sự độc đáo và đặc sắc này nên UNESCO mới công nhận Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân lọai. Nếu đánh mất điều đó thì cồng chiêng ở đây không còn ý nghĩa gì nữa, GS-TS Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Không gian văn hóa cồng chiêng ở đâu ?

Từ vấn đề cốt lõi này, nhìn ra các lễ hội cồng chiêng được tổ chức rầm rộ ở nhiều nơi, người ta đặt câu hỏi: không gian văn hóa cồng chiêng ở đâu ? Câu trả lời là không thấy ở đâu cả! Ở đó (các lễ hội cồng chiêng được tổ chức trong thời gian qua) bao giờ cũng là sân khấu hoành tráng với hệ thống âm thanh, ánh sáng màu mè và hiện đại. Nhiều người cho rằng âm hưởng chủ đạo mà các kịch bản của hầu hết các lễ hội bày ra luôn nặng về tính biểu diễn hơn là lễ hội. Mà một khi thiếu yếu tố lễ hội (mang nhiều ý nghĩa như đã nêu) thì cồng chiêng không có không gian đích thực để diễn xướng và âm thanh ấy trở nên vô cảm, vô hồn bởi bản thân nó không mang đến cho cộng đồng một thông điệp nào cả. Xem biểu diễn cồng chiêng trong không gian như thế khiến nhiều người am hiểu cho rằng, đó chỉ là dịp để vui chơi, giới thiệu về cồng chiêng mà thôi, còn giá trị văn hóa của nó để UNESCO căn cứ vào đó mà tôn vinh cồng chiêng Tây Nguyên thì  hoàn toàn  nhạt nhòa, lẫn lộn. Có lần, khi được mời tham dự một Festival Cồng chiêng, GS Trần Văn Khê lưu ý: giá trị văn hóa ấy chỉ được xác lập và thật sự có ý nghĩa trong không gian “thiêng” của nó - và không gian ấy là “hằng số” bất biến để văn hóa cồng chiêng tồn tại và sống mãi với thời gian!

Thiết nghĩ, điều “cốt tử” này phải được quan tâm đúng mức bằng cách khi tổ chức một lễ hội cồng chiêng, người làm kịch bản nên tái hiện lại một lễ hội truyền thống, hay một nghi thức tín ngưỡng nào đó có chiều sâu tâm linh của người bản xứ… giúp công chúng được thưởng thức và cảm nhận ít nhiều giá trị văn hóa thật sự của cồng chiêng. Không nên như lâu nay, cứ tổ chức lễ hội (hoặc Festival) cồng chiêng là đưa lên sân khấu ước lệ một dãy núi, dòng thác, hoặc ngôi nhà dài... Bởi trong không gian đó, nghệ nhân thay nhau diễn tấu dưới âm thanh, ánh sáng được nối ráp và dựng trước, khiến không ai nhận ra và phân biệt được tiếng chiêng nào, của dân tộc nào nữa.

Thế thì phải tìm không gian văn hóa cồng chiêng ở đâu? Còn nhớ, nhiều người tham dự lễ hội cồng chiêng được tổ chức tại buôn Kon H’rin (Cư M’gar) vào năm 2012 nhân dịp lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Sê đăng thì mới vỡ òa ra một lẽ: không gian văn hóa cồng chiêng đích thực là đây. Nó được làm nên bằng chính đời sống tự thân của chủ nhân nền văn hóa đó, không giả tạo màu mè đến xa lạ như lễ hội cồng chiêng đang diễn ra ở nhiều nơi. Ấn tượng và cảm giác đó khiến nhiều người nghĩ ngay đến vấn đề: hãy trả lại cồng chiêng về với buôn làng, nơi chốn hàm chứa đầy đủ, sâu đậm các giá trị văn hóa truyền thống được xây đắp nên từ xưa đến nay, trong đó cồng chiêng là một phần không thể tách rời trong dòng chảy lịch sử, văn hóa của người Tây Nguyên. Phải chăng đây cũng là vấn đề đặt ra cho nhà tổ chức lễ hội cồng chiêng ở các tỉnh trong khu vực phải lưu tâm.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.