Di tích được xếp hạng - Bao giờ phát huy hiệu quả?
Hàng chục di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng trên địa bàn Dak Lak đã được xếp hạng, trong đó có không ít di tích nổi tiếng được Bộ VH-TT-DL công nhận cấp quốc gia. Tuy nhiên, đến nay những di tích này vẫn chưa thật sự trở thành địa chỉ hấp dẫn, thu hút khách tham quan để cùng với ngành du lịch gắn kết và phát huy hiệu quả, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Cổ Tháp Yang Prông vừa mới được "sơn quét" lại. Lo cho di tích này bị xâm hại như trước, các cụ trong Hội người cao tuổi (thôn 5 - Ea Rok) thường tự nguyện đến chăm nom. |
Ví như danh thắng Dray Sáp - Thác Gia Long (huyện Krông Ana) được gắn biển xếp hạng cấp quốc gia hơn sáu năm nay, nhưng hiện tại không có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ, khiến di tích này trở nên hoang phế! Tấm biển gắn tên di tích bị xiêu vẹo, méo mó trước cổng ra vào, nhà bảo vệ cũng như các công trình hạ tầng khác đều hư hỏng vì đã lâu không ai để ý và quan tâm. Hỏi phòng VH-TT huyện Krông Ana thì được trả lời: tỉnh đã giao cho ngành du lịch từ nhiều năm nay. Và như vậy, số phận danh thắng này đã từng “trôi nổi” qua bao lần “thay tên, đổi chủ” của nhiều doanh nghiệp được cấp phép vào đây đầu tư, khai thác du lịch. Được biết đầu tiên là Công ty Du lịch-Thương mại Dam San, sau đó là một doanh nhân ở TP. Hồ Chí Minh lên mua lại được vài năm rồi cũng bỏ vì làm ăn không hiệu quả. Đến giờ, Thác Dray Sáp - Gia Long nằm trong quần thể khu du lịch Đặng Lê, nhưng khi được hỏi ai trực tiếp quản lý, bảo vệ di tích thì những người làm du lịch ở đây lắc đầu: - không biết!
Tương tự, di tích lịch sử cấp quốc gia-Tháp chàm Yang Prông ở xã Ea Rok - Ea Súp cũng vậy. Ông Thiều Lê-Trưởng phòng VH-TT huyện Ea Súp Cho biết: ngành văn hóa ở địa phương thiếu người chuyên trách mảng bảo tồn, trong khi kinh phí không có để bố trí lực lượng quản lý, bảo vệ nên tháp gần như bị bỏ mặc. Bởi vậy, một thời gian dài (từ năm 2007-2012), di tích lịch sử này đã biến thành am thờ cúng “đa thần thánh” với những tín ngưỡng, tâm linh đủ sắc màu của cư dân trên địa bàn. Ông Bùi Đức Nguyệt - Chủ tịch xã Ea Rok ngao ngán: đã là di tích cấp quốc gia thì chí ít cũng có tường rào khoanh vùng để bảo vệ cho tử tế. Đằng này cứ buông cho ai vào làm gì cũng được, kể cả… trâu bò cũng đến đây núp bóng vào những ngày nắng nóng. Năm 2012, tỉnh cũng đã đầu tư, tôn tạo hết 13 tỷ đồng, nhưng những người có chút quan tâm, am hiểu đều cảm giác qua đợt trùng tu và tôn tạo vừa rồi, ngôi cổ tháp chỉ như được “tắm gội” sạch sẽ từ đầu đến chân mà thôi! Bởi như phản ánh của người dân địa phương: đội ngũ trực tiếp làm công việc được gọi là “trùng tu, tôn tạo” di tích này là cánh…thợ nề đúng nghĩa. Họ dùng máy mài đánh bong lớp rong rêu cổ kính của ngôi tháp, chỗ nào nứt nẻ thì lấy vôi ve và phẩm màu trát vào. Đáng nói hơn là trên thân cổ tháp, người ta dùng những sợi dây thép cỡ lớn niềng lại nhiều vòng nhằm phòng khi di tích gãy đổ. Cách trùng tu, tôn tạo này khiến các cụ Lê Viết Thích, Trần Quang Sơn (Hội người cao tuổi thôn 5 - Ea Rok) khôi hài: cổ tháp Yang Prông bây giờ chẳng khác nào ông Tôn Ngộ Không bị Phật bà Quan Âm "ấn" cái vòng Kim cô trên đầu…
Các cụ cao niên trên cũng lo lắng cho số phận ngôi cổ tháp: nếu không được khoanh vùng bảo vệ, không có người coi sóc thì mọi chuyện sẽ quay lại như xưa… Có nghĩa là ai cũng được tự do vào đây và làm những gì tùy thích. Người thì đem hương đèn, sớ điệp… đến cúng vía lên đồng; kẻ đưa cả ông địa, thần tài vào đặt quanh chân tháp cầu lộc, cầu tài khiến cho di tích văn hóa-lịch sử được xếp hạng quốc gia này thêm nhếch nhác.
Trong báo cáo gửi Sở VH-TT-DL mới đây, ông Y Ben Byă - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích đánh giá: các di tích phần lớn nằm rải rác trên địa bàn tỉnh nên công tác quản lý, khai thác và phát huy giá trị của di tích gặp rất nhiều khó khăn. Vai trò, chức năng và nhiệm vụ của ngành văn hóa cũng như chính quyền các cấp ở một số địa phương còn lúng túng, nếu không nói là buông lỏng. Đặc biệt là những di tích được công nhận trước đây (khi Trung tâm quản lý di tích chưa được thành lập), hầu như chưa có văn bản nào giao quyền quản lý rõ ràng cho ai, dẫn đến thực trạng đáng buồn trên.
Câu hỏi đặt ra: từ ngày trung tâm được thành lập (4-9-2009), tình trạng trên có được cải thiện và khắc phục? Câu trả lời từ thực tế là chưa thấy tín hiệu lạc quan nào. Được biết, trong số 15/57 di tích được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng trên địa bàn Dak Lak đã được Sở VH-TT-DL đưa vào danh mục quản lý, bảo vệ và phát huy thì mới chỉ có 4 di tích (Nhà đày Buôn Ma Thuột, Biệt điện Bảo Đại, Đình Lạc Giao và Đồn điền CADA - Phước An) được giao cho trung tâm quản lý và khai thác, còn lại hầu như đang trong tình trạng “vô chủ”. Rõ ràng, đã đến lúc ngành chức năng cần đưa ra cơ chế phân cấp, trách nhiệm quản lý rõ ràng, phù hợp với tính chất và ý nghĩa đặc thù của từng di tích nhằm hạn chế, khắc phục sự xâm hại di tích như đã từng diễn ra trong thời gian qua. Đối với các di tích nằm trong vùng dự án du lịch cũng cần có sự hợp tác, “bắt tay” chặt chẽ giữa hai ngành văn hóa - du lịch để không những làm tốt công tác bảo vệ, trùng tu tôn tạo mà còn đưa di tích vào khai thác như một giá trị văn hóa quý báu của cộng đồng sở hữu nó. Có như vậy, các di tích trên địa bàn Dak Lak mới phát huy được giá trị trên tất cả các mặt văn hóa, kinh tế và xã hội.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc