Multimedia Đọc Báo in

Triết lý nhân sinh từ chén cổ 500 tuổi

09:02, 14/12/2013
Nằm ở trung tâm thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), ngôi nhà cổ Tấn Ký (ở 101 đường Nguyễn Thái Học, Hội An) từ lâu được du khách biết đến với lối kiến trúc độc đáo.
 
Ngôi nhà cổ hơn 200 tuổi và trải qua 7 thế hệ của dòng họ Lê này được xem là nguyên vẹn và đẹp nhất Việt Nam. Đặc biệt, trong ngôi nhà cổ có chiếc chén cổ tên là chén “tám phần” hay còn  gọi cái tên khác là “chén Khổng Tử”. Chén Khổng Tử được xác định có niên đại hơn 500 năm, gắn với truyền thuyết về Khổng Tử, về những điều huyền bí chưa có lời giải đáp.
Chén Khổng Tử
Chén Khổng Tử

Mỗi ngày, có đến hàng trăm lượt du khách đến tham quan ngôi nhà cổ Tấn Ký, và bí ẩn về chiếc chén cổ luôn thu hút khách trong nước lẫn nước ngoài. Theo ông Lê Dũng, chủ nhân đời thứ 6 của nhà Tấn Ký, đây là chiếc chén do cụ tổ mua của thương nhân ở Trung Quốc cách đây hơn 500 năm về trước. Qua thời gian, chiếc chén cổ vẫn được lưu giữ bởi chiếc chén có chứa lời dạy của cổ nhân về đạo lý làm người. Được xem như một món “bảo vật” quý hiếm của gia tiên để lại nên con cháu nhà họ Lê luôn ra sức gìn giữ, bảo quản. Khách du lịch đến tham quan thì chỉ được xem, không được cầm hoặc sờ vào chén. Chén Khổng Tử được cất giữ cẩn thận trong một gian tủ riêng, cùng với hàng trăm chiếc chén cổ khác.

Chiếc chén có hình dạng bình thường như một tách trà. Điểm khác biệt là chiếc chén cổ này có tượng ông tiên màu trắng đứng giữa, ngay dưới chân ông tiên có một lỗ nhỏ thoát nước thông với bên ngoài. Khi cho nước vào, chiếc chén chỉ chứa được 8 phần nước. Nước ngập đến cổ ông tiên là chén không thể chứa thêm nước được nữa. Nước trong chén lúc này cũng không bị chảy ra ngoài dù dưới chân ông tiên có một lỗ nhỏ thông với đáy chén. Nhưng nếu cố ý hoặc vô tình đổ thêm vài giọt nước vào chén thì nước trong chén sẽ ồ ạt chảy hết ra ngoài qua cái lỗ nhỏ dưới tượng ông tiên, và cái chén sẽ trở nên trống rỗng, không còn dù chỉ một giọt nước.

Chính vì điểm kỳ lạ này nên nhiều người gọi đây là chén “tám phần”. Và hiện tượng kỳ bí này chưa ai có thể giải thích được. Chỉ biết rằng nó có liên quan đến một truyền thuyết về Khổng Tử.

Chuyện rằng: Khi đi chu du thiên hạ, vào năm hạn hán, đói khát, Khổng Tử đã gặp một ông lão và được dẫn tới một dòng sông. Ông lão cho một cái chén để múc nước uống, rồi sau đó biến mất. Trong cơn đói khát, Khổng Tử  xuống múc một chén nước đầy nhưng vừa đưa đến miệng thì nước chảy sạch đi không còn giọt nào. Sau vài lần như thế, ông hiểu ra rằng muốn uống được nước thì chỉ múc hai phần chén, không thể múc đầy nước hơn nữa. Từ đó, Khổng Tử hình thành nên thuyết Trung dung, với nội dung chủ trương con người phải biết kiềm chế hành vi, kiếm chế lòng tham cá nhân, giữ mình ở trạng thái trung hòa, không thái quá.

Qua cái chén Khổng Tử, câu chuyện về đạo làm người, về cách giữ mình trước những cám dỗ của cuộc sống luôn được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Chiếc chén vừa là “bảo bối” gia truyền, vừa là kỷ vật của đời ông tổ để lại để con cháu nhà họ Lê nhìn vào đó giữ mình.

Bí ẩn của chiếc chén Khổng Tử cũng góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa của đất và người Hội An.

Thanh Trâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.