Y Phôn Ksor - hoang sơ cội nguồn
Đến giờ mà nói, viết về đời sống và con người Tây Nguyên một cách tha thiết, sâu nặng nhất, ngoài một Y Phôn Ksor ra, trước và sau chưa thấy nhạc sĩ nào để lại trong lòng người nghe mối rung cảm thân phận vốn đẹp đẽ và hoang sơ đến như thế!
Trong ca khúc “Cô gái trở về một mình” có thể coi là sự trở về tột cùng của thân phận, một thân phận không phải co lại mà tan ra cùng mênh mông trời đất, núi rừng... “Cô gái trở về một mình, về với ngọn núi xa xăm/ Cô gái trở về một mình, về với dòng thác xô bờ/ Cô gái cúi đầu bằng giọt nước mắt, đôi tay trần đếm từng sợi tóc, ánh mắt nhìn cánh chim bay…”. Người thưởng thức bài hát này sẽ không trọn vẹn, nếu không được nghe Y Phôn tâm sự: Con người ta sống có ý nghĩa hơn khi đối diện với niềm cô đơn và hướng thượng. Khi được cô đơn và hướng thượng, mình sẽ có tất cả: quá khứ - hiện tại - tương lai. Trong dòng chảy miên viễn ấy, không ai là không có cảm thức cội nguồn. Một cội nguồn rất hoang sơ trong lời kể khan: “Một chiều vầng trăng trên đồi cao/ Từng chiều đàn goong mong chờ nhau/ Nhà sàn mông lung bên suối mát, rượu cần say mê theo câu hát…”. Hay trong ca khúc “Đi tìm lời ru mặt trời”, Y Phôn không tìm gì ngoài dấu chân cha ông và câu hát (dân ca) một thời của chính mình và của dân tộc mình. Nghe Y Phôn ôm đàn hát ca khúc này cứ ngỡ như anh là kẻ độc hành ngược miền ký ức để được nghe tiếng thở của đất đai ông bà đồng vọng qua “giọt mưa không có lời” nhưng đầy phục sinh và mơ tưởng nhất. Tâm thế phục sinh ấy đã giúp người nhạc sĩ tài hoa này và người yêu âm nhạc của anh trải đời, trải tình ra để sống: “Hát giữa mọi người không ngại ngần/ Lời hát nữ thần mặt trời, nữ thần mặt trời của tôi/ Tôi đi tìm em…”.
Nhạc sĩ Y Phôn Ksor. |
Rồi đến một ngày nhạc sĩ này nhận ra “Mẹ trồng cây che gió đưa/Mẹ trồng cây che gió mưa/Chim phí bay ngang qua bầu trời/Chim phí vẫn bay về cội nguồn…” thì ám ảnh về cội nguồn trong âm nhạc của Y Phôn dường như vẫn luôn thường trực trong anh. Và chính nhờ ám ảnh ấy mà người nghe, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều thức dậy một ước vọng nhân văn muôn đời, là tìm lại chính mình trong mọi hiện hữu nhân gian rất đỗi bình thường: co - cây – hoa – lá - sông – suối – núi - đồi và cả những bước chân trần lang thang trên mặt đất này.
Quen thân với nhau đã lâu, có lần Y Phôn dốc hết ngại ngần rằng: kể từ khi xa buôn làng - cội nguồn và bao trùm lên tất cả là rừng thì anh không viết nổi những ca khúc đầy ám ảnh như xưa: từ “Hoang sơ lời kể khan”, “Đi tìm lời ru mặt trời”, “Chim phí bay về cội nguồn”, “Tak tà đêm trăng” và sau cùng là “Cô gái trở về một mình”… Những tác phẩm âm nhạc này đã làm nên tên tuổi của Y Phôn Ksor trong những năm 90 về trước. Có điều thật lạ, những ca khúc có sức lay động ấy lại được anh bật ra trong hoàn cảnh chông chênh nhất: lang thang khắp buôn làng, ăn nằm cùng khe suối, núi rừng Ea H’leo, Ayunpa, Chư Pưh… để rồi ký thác vào từng khuôn nhạc (thành tác phẩm). Thế mới biết nhiều khi nghệ thuật đích thực đến từ sự đơn sơ, hay một góc khuất nào đó giữa nhân gian này, ở đó người nghệ sĩ Y Phôn như ngọn gió vô định đi qua. Bây giờ khác rồi, Y Phôn đã tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Hà Nội, tham gia sáng tác và dàn dựng chương trình cho Đoàn ca múa Dak Lak, nhưng chưa có một ca khúc nào để lại dấu ấn cho người yêu âm nhạc của anh. Người nhạc sĩ này đã tâm sự thật lòng điều đó và đôi lần chẳng cần giấu diếm: chắc phải trở về cội nguồn, tan vào rừng và khe suối… may ra mới có thêm những ca khúc như xưa được!
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc