Multimedia Đọc Báo in

"Thầy" thổ cẩm ở buôn Kram

12:25, 29/01/2014

Chị đến với nghề dệt thổ cẩm  như một duyên nợ và gắn bó với nghề cũng chỉ bởi khát khao góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông.  Suốt những năm qua, người phụ nữ ấy đã rảo bước khắp các buôn làng truyền ngọn lửa đam mê dệt thổ cẩm. Chị chính là H’Juen Knul - người được mệnh danh là “thầy” thổ cẩm ở buôn Kram (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin).

Chị H’Juen (bên phải) đang hướng dẫn cách tạo những hoa văn, họa tiết trên chiếc áo thổ cẩm truyền thống cho học viên .
Chị H’Juen (bên phải) đang hướng dẫn cách tạo những hoa văn, họa tiết trên chiếc áo thổ cẩm truyền thống cho học viên.

“Mẹ chỉ có một nỗi lo, rồi đây, cái nghề dệt thổ cẩm này sẽ dần bị mai một vì trong buôn bây giờ, số người biết dệt chỉ còn vài đầu ngón tay”. Lời tâm sự của mẹ chồng - một nghệ nhân dệt thổ cẩm đã khiến cô con dâu trẻ H’Juen Knul luôn trăn trở, đau đáu nỗi niềm phải làm một điều gì đó để giữ lấy nghề. Thế là, ngày tranh thủ lên nương, tối đến chị lại ngồi bên cạnh say sưa xem mẹ chồng dệt từng sợi vải. Năm 2005, khi biết có một lớp dạy nghề dệt thổ cẩm được tổ chức tại huyện Krông Ana, mặc dù đường sá xa xôi nhưng chị đã tình nguyện đăng ký tham gia và vận động thêm các chị trong buôn cùng học. Đã có những hiểu biết nhất định về nghề nên chị học khá nhanh và chỉ sau một thời gian đã có thể dệt thành thạo nhiều hoa văn, mẫu mã thổ cẩm khác nhau. “Sản phẩm đầu tiên của tôi là một tấm chăn thổ cẩm dành tặng mẹ chồng. Lúc đó, mẹ rất vui và bảo tôi rằng mẹ rất hạnh phúc và tự hào vì từ nay đã có người kế nghiệp, duy trì nghề dệt thổ cẩm. Câu nói của mẹ đã trở thành động lực tiếp thêm sức mạnh để tôi vững bước theo nghề”, chị H’Juen bộc bạch. 

Chị H’Juen (bên trái) đã truyền ngọn lửa đam mê nghề dệt thổ cẩm truyền thống đến nhiều chị em ở các buôn làng.
Chị H’Juen (bên trái) đã truyền ngọn lửa đam mê nghề dệt thổ cẩm truyền thống đến nhiều chị em ở các buôn làng.

Khi khóa học kết thúc, chị em trở về với công việc thường ngày; số người tiếp tục làm nghề cứ ít dần đi. Điều này khiến chị H’Juen lo lắng, nếu không có chỗ cho chị em thực hành thì nhiều người lại quên hết, nghề dệt thổ cẩm sẽ không được khôi phục. Sau nhiều ngày trăn trở, suy tính, chị nảy ra ý tưởng thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm và mời một người bạn của mình là anh Y Phun Ni Mlô - người từng làm ở một hợp tác xã dệt thổ cẩm tại TP. Buôn Ma Thuột cùng hợp tác. Với bao công sức của chị vất vả ngược xuôi xin cấp phép, đến từng nhà thuyết phục chị em tham gia, cuối cùng Hợp tác xã dệt thổ cẩm Ea Tiêu cũng được thành lập vào đầu năm 2006, gồm 30 xã viên chính thức và hợp đồng thêm 18 người ở các buôn khác trên địa bàn huyện. Thời điểm đó, các sản phẩm của hợp tác xã như chăn, áo, váy, túi xách, vải cách tân… được bà con ở các buôn làng ưa chuộng. Nhờ nghề dệt thổ cẩm, nhiều chị em đã có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, 2 năm sau, hoạt động của hợp tác xã ngày càng khó khăn do không có vốn, anh Y Phun cũng xin nghỉ để chuyển sang công việc khác. Không thể để bao công sức, nỗ lực của mình trở về con số không, chị H’Juen lại vận động những chị em có tâm huyết với nghề tiếp tục bám trụ và hoạt động trong tổ dệt thổ cẩm gồm 22 thành viên do chị làm tổ trưởng. Bằng đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, chị H’Juen đã dệt được những hoa văn, kiểu dáng có sự kết hợp hài hòa giữa họa tiết cổ xưa và màu sắc trẻ trung mới mẻ rồi truyền đạt, hướng dẫn lại cho các chị em khác cùng làm. Những mẫu thổ cẩm của chị H’Juen và các chị em trong tổ rất hút hàng, dệt đến đâu tiêu thụ hết đến đó. 

Bên cạnh việc duy trì hoạt động của tổ, tìm kiếm các đơn đặt hàng cho tổ viên và chị em trong buôn, chị H’Juen còn ký hợp đồng làm giáo viên cho Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana. Vốn đam mê nghề dệt thổ cẩm, chị đã không quản ngại sớm hôm, mưa nắng lặn lội đến các buôn làng trên địa bàn huyện Cư Kuin, Krông Ana vận động chị em tham gia học nghề dệt truyền thống. Nhờ sự kiên trì, nỗ lực của mình mà chị đã dần truyền ngọn lửa yêu nghề đến đông đảo chị em người dân tộc thiểu số ở các buôn làng, dần làm sống lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống trước nguy cơ bị mai một. Hiện nay, nhiều gia đình ở các buôn: Kram, Tiêu, Êbung, Êga, Knia, Hnuk đều đã có khung dệt và người biết dệt thổ cẩm. Và nếu như trước đây, vào các dịp lễ trọng của người Êđê như: Lễ bỏ mả, cúng bến nước, đặt tên, cưới hỏi, ma chay… mọi người đều phải đi thuê trang phục thổ cẩm thì nay, nhiều phụ nữ ở các buôn đã tự dệt được quần, áo, tấm chăn, khăn địu… cho các thành viên trong gia đình. Chị H’Blim Êban ở buôn Kram cho biết: Trước đây, những lúc nông nhàn, chị em trong buôn không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập. Nay nhờ chị H’Juen tuyên truyền, vận động học nghề dệt thổ cẩm, chị em có thêm việc làm để cải thiện cuộc sống vừa góp phần giữ gìn nghề truyền thống của cha ông.

Cũng nhờ kế nghiệp mẹ chồng, chị H’Juen đã nuôi 4 con khôn lớn, trưởng thành, 3 con gái tuy là những cô giáo mầm non nhưng đều biết và yêu nghề dệt thổ cẩm. Bằng sự nỗ lực của mình, chị đang truyền ngọn lửa, tình yêu nghề dệt thổ cẩm truyền thống đến thế hệ sau với hy vọng sẽ có người tiếp nối và thực hiện ước nguyện của mẹ chồng: “Đừng bao giờ từ bỏ nghề này con nhé”.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc