Multimedia Đọc Báo in

Nhà thơ nổi tiếng và chị ăn xin

08:16, 19/01/2014
Mùa đông năm ấy, một số người ăn xin trú ngụ ở hiên chùa Bà Đá thấy một ông cụ to lớn như Tây, tóc hoa râm, khuôn mặt hồn hậu… vác giá vẽ đến đặt ở sân chùa. Cụ ngắm hoa đào đang ngậm nụ, lơ thơ vài bông nở sớm bẽn lẽn khoe sắc hồng, rồi nheo mắt gật gù vẻ ưng ý. Lúc đầu những người ăn xin còn e dè, sau thấy cụ nghỉ trưa, rút bắp ngô luộc ra ăn, họ “à” lên một tiếng – chắc cũng nghèo như cảnh mình! Rồi họ sán lại cùng ông cụ ngắm bức tranh đang vẽ. Một chị ẵm con trong lòng, lân la hỏi:

-Cụ thợ vẽ ơi! Cụ vẽ hàng chục ngày không xong, thế vẽ đủ rồi thì bán bao nhiêu tiền?

Cụ thợ vẽ ậm ừ: - Cũng tùy. Có khi không bán được, có khi được một vài trăm ngàn.

Chị ăn xin nghĩ ngợi, chau vầng trán vẻ ái ngại:

-Khổ! Thế thì thu nhập còn kém chúng cháu.

Vậy là, sau hàng tuần lễ, cụ thợ vẽ mới biết đây là địa bàn làm ăn của người đi xin để kiếm sống. Cứ sáng chủ nhật, chị có con nhỏ đó lại cùng cả nhóm khoác áo rách đến Nhà thờ Lớn Hà Nội để hành khất. Còn ngày mồng một, ngày rằm họ kiếm sống ở chùa Bà Đá. Cuối tháng chạp trời heo may se lạnh, cụ thợ vẽ vẫn đang hoàn thành bức tranh thì những người ăn xin đã nghỉ Tết. Mãi tới mồng mười tháng giêng, những người hành khất mới quay lại đây sinh sống. Trông thấy cụ thợ vẽ, chị có con mọn reo lên:

-Cháu chào cụ! Cụ ăn Tết có vui không? Sao cụ làm việc sớm thế?!

Chị vội thu xếp hành lý rồi lấy ra một tấm bánh chưng, bóc ra, đưa đôi đũa đến tận tay cụ thợ vẽ, vồn vã mời:

-Cụ nghỉ tay nếm miếng bánh nhà cháu gói, rền lắm!

Cụ thợ vẽ nhìn tấm bánh thật đầy đặn, vuông vức.

Cụ nếm thử một miếng bánh rồi xuýt xoa:

-Trời ơi! Chưa bao giờ tôi được ăn miếng bánh ngon thế này!

Chị ăn xin không giấu được xúc động, vẻ tự hào nhưng chị vẫn nửa đùa, nửa khiêm tốn:

-Cụ quá khen! Bánh của mẹ con nhà ăn mày ấy mà.

Cụ thợ vẽ nhìn lên trời thốt lên:

-Chúng ta đều là ăn mày của trời đất cả, cháu ạ!

Có một điều chắc chắn là chị ăn xin không hề biết “Cụ thợ vẽ” chính là họa sĩ, thi sĩ nổi tiếng Quang Dũng – tác giả của bài thơ “Tây tiến”.

Phạm Duy (St-bs)


Ý kiến bạn đọc