Thông điệp từ lòng đất
Cư dân bản địa ở Tây nguyên là từ biển đảo vào hay chính trên vùng đất này là địa bàn cư trú lâu đời, cách đây hơn 3.500 năm… đang là câu hỏi đặt ra cho giới khảo cổ học Việt Nam. lần theo những di chỉ khảo cổ được khai quật ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Dak Lak và Dak Nông trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu khoa học đã dần trả lời được câu hỏi gây nhiều tranh cãi trên.
Từ những năm 30 của thế kỷ trước, đã có một vài khám phá ban đầu về tiền sử người Tây Nguyên, tuy nhiên những chứng cứ khảo cổ mang lại quá sơ sài. Cho đến sau năm 1975, đặc biệt từ những năm 1990 trở lại đây, một số di chỉ khảo cổ học lớn mới được phát hiện trên vùng đất này đã đem lại những hiểu biết kỳ thú và khá rõ nét về vấn đề này.
Tháng 4-1993, giới khảo cổ đã chính thức khai quật khu vực Biển Hồ (Gia Lai) và đã phát hiện rất nhiều di vật của người xưa để lại gồm hàng trăm rìu đá các loại. Các nhà khảo cổ học nhận định đây là loại rìu đá đặc trưng ở Tây Nguyên. Bên cạnh đó là hàng trăm mảnh gốm (nồi niêu, bình vỡ, bát đĩa) có hoa văn gần giống với thổ cẩm của các dân tộc bản địa ngày nay. Qua những phát lộ ấy, người ta nghĩ ngay đến giả thuyết: phải chăng đây là một điểm cư trú khá tập trung của người Tây Nguyên tiền sử. Đến năm 1995, Viện khảo cổ học Việt Nam do GS-TS Hoàng Xuân Chinh dẫn đầu tiến hành khai quật di chỉ Buôn Triết (Dak Lak) và đã tìm thấy gần 3.300 hiện vật, trong đó phần lớn là gốm được làm từ nguyên liệu đất sét pha bã thực vật - một nguyên liệu mà ngày nay người M’nông Gar, M’nông Kuênh và cả người Êđê M’Thul sinh sống quanh hồ Lak và dưới chân núi Cư Yang Sin đã dùng để làm gốm theo kiểu đặc trưng của mình (nặn tay, chứ không dùng bàn xoay và nung chín bằng bã thực vật như trấu, rơm rạ các loại…). Nhiều người cho đây là một điểm đáng lưu ý trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa - xã hội của các tộc người Êđê, Jrai, M’nông quanh vùng. Ngoài ra, lần khảo cổ này cũng tìm thấy rìu đá, bàn mài và đặc biệt có rất nhiều chài lưới dùng để bắt cá… đã cho phép các nhà chuyên môn nhận định: địa bàn cư trú của người Tây Nguyên giai đoạn hậu kỳ đá mới, có niên đại cách đây khoảng 3.500 năm là vùng đầm lầy lắm sông, nhiều suối. Mối liên hệ này không phải không có cơ sở, bởi nó đã hiện rõ trước mắt: đó là cánh đồng Buôn Triết - huyện Lak ngày nay rộng lớn, ở đây cá tôm nhiều vô kể và tất nhiên con người sống ở đó phải làm ra chài lưới cũng như các vật dụng sinh hoạt bằng gốm để tồn tại và phát triển.
Trống đồng được tìm thấy ở nhiều địa điểm ở huyện Krông Năng. Ảnh: Đ.Đ |
Đặc biệt là vào tháng 9-1999, trong khi làm thủy điện Ya Ly, người ta đã phát hiện nhiều dấu vết hết sức quan trọng về nền văn hóa cổ đã tồn tại ở đây. Nghe thông tin này, lập tức nhà khảo cổ học có uy tín là GS-TS Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) có mặt và cẩn trọng khai quật. Hàng nghìn hiện vật bằng đồ đá và kim khí được phát hiện, cho thấy một số đặc điểm đáng chú ý: các di vật đồ đá và đồ kim khí được tìm thấy ở đây rất gần với văn hóa Đông Sơn, còn đồ gốm lại rất gần với văn hóa Sa Huỳnh. Từ đây, các nhà khảo cổ học đã có cơ sở nhận định: Như vậy, ít ra có thể thấy nền văn hóa tiền sử ở Tây Nguyên có giao thương rộng rãi với cả hai nền văn hóa lớn này ở phía Bắc và phía Nam. Riêng GS-TS Nguyễn Khắc Sử, sau khi “quên ăn, quên ngủ” với di chỉ Lung Leng (Sa Thầy - Kon Tum) đã có những kết luận ngược lại với quan điểm trước đây cho rằng: Nguồn gốc của cư dân Tây Nguyên là từ biển đảo vào (?) Theo ông, nếu đem sự kiện này để soi rọi và nhìn lại trong mối tương quan, cởi mở và hòa nhập về không gian văn hóa của người Tây Nguyên cổ xưa qua một vài di chỉ khảo cổ trước đây sẽ giúp chúng ta phần nào trả lời được câu hỏi trên: Tây Nguyên đúng là chiếc nôi của người tiền sử!
Về góc độ khác để chứng minh cho điều này (đang ngày càng thuyết phục) là vào những năm 1998-2000, Viện Khảo cổ học cùng với Bảo tàng Dak Lak đã đến xã Cư Huê - Ea Kar, nơi một người nông dân trong khi đào giếng đã phát hiện một số xương cốt động vật nằm ở độ sâu gần 9 mét. Qua tiếp cận và phân tích, GS-TS Nguyễn Khắc Sử cho rằng đó là số xương của những con vật: hươu, lợn, trâu, bò do con người giết thịt, chúng có tuổi khoảng 60 vạn năm và đây là di tích cổ sinh đầu tiên trong địa tầng dưới lớp nham thạch núi lửa ở nước ta. Còn TS Vũ Thế Long - chuyên gia sinh thái cổ, sau khi tiếp xúc với số xương động vật hóa thạch nói trên đã cho biết thêm: nó có niên đại vào đầu đệ tứ kỷ và một khi đã tìm thấy được trong các “trầm tích hóa thạch của người cổ” thì có thể nói giả thuyết nguồn gốc cư dân Tây Nguyên từ biển đảo vào không còn đứng vững được nữa, đã bắt đầu bị “đảo lộn”.
Có thể nói, những gì tìm thấy được từ lòng đất Tây Nguyên, đặc biệt là di chỉ Lung Leng với vị trí trung tâm nhất của cả vùng Đông Nam Á - lục địa trên các mặt đồ đá, kim khí trong giai đoạn hậu kỳ đá cũ sang hậu kỳ đá mới đến sơ kỳ kim khí đã dần hiển lộ nhiều điều kỳ thú về con người và vùng đất này.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc