Hy vọng cho làng gốm Yang Tao
Nét đặc sắc và độc đáo của gốm Yang Tao được trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Dak Lak. Đây cũng là kênh quảng cáo giúp dòng gốm này đi xa hơn. |
Một số nghệ nhân lớn tuổi nhớ nghề, thỉnh thoảng mới làm một vài món đồ (ấm, bát, soong, nồi, ghè, chảo…) để sử dụng, hoặc cho, tặng người thân. Mặc dù “thoi thóp” vậy, nhưng sự nhung nhớ thấm đẫm cội nguồn cũng giúp cho làng gốm ở đây không mất hẳn, mà âm ỉ sống cho đến hôm nay. Sức sống ấy, nói như bà Lương Thanh Sơn - Giám đốc Bảo tàng Dak Lak là “rất cần được những ai quan tâm tiếp sức”. Và có thể nói, bà Sơn là người có động thái “tiếp sức” đầu tiên khi cử cán bộ về Yang Tao tìm hiểu, tổ chức dạy nghề làm gốm cho hàng chục thiếu nữ trong vùng. Ông Y Nê Buôn Krông-Chủ tịch xã Yang Tao phấn khởi: “Làng gốm ở đây có hy vọng sống lại rồi…”. Còn bà Tơ Khoanh, một trong những nghệ nhân lớn tuổi trong buôn Dơng Bắk hào hứng tham gia các lớp dạy nghề được mở ra. Nhiều sản phẩm gốm đầu tiên ở Yang Tao được bà Sơn mang về Buôn Ma Thuột giới thiệu và tìm kiếm đối tác tiêu thụ, nhằm từng bước giải quyết đầu ra cho bà con. Giới truyền thông lúc ấy (vào những năm 2012-2013) cũng góp tiếng nói quảng bá và thông tin về dòng gốm độc đáo và đặc sắc này của người M’nông trên cao nguyên Dak Lak để đến được với mọi người.
Hiệu quả mang lại thật đáng mừng, khi ông chủ trẻ cửa hàng gốm Gia Phong - Nguyễn Văn Giang (số 153, Phan Chu Trinh-TP. Buôn Ma Thuột) chủ động gặp một số người hiểu biết về gốm Yang Tao để xây dựng kế hoạch đưa sản phẩm của dòng gốm này đi xa hơn. Anh Giang đang có ý tưởng về Yang Tao nghiên cứu, khảo sát vùng nguyên liệu (đất) và quy trình kỹ thuật làm gốm ở làng nghề này. Đó là tín hiệu vui cho gốm Yang Tao có mặt trong những cửa hàng gốm sang trọng ở Buôn Ma Thuột và nhiều đô thị khác. Theo ý tưởng của ông chủ cửa hàng gốm Gia Phong, chính sự thô ráp, giản dị của dòng gốm M’nông này là tiền đề để biến nó trở thành sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, có tính trang trí cao và vô cùng đặc biệt trong không gian sống hiện đại ngày nay.
Hiện tại anh Giang đang âm thầm thực hiện ý tưởng của mình. Chị Sơn ở Bảo tàng Dak Lak cũng đang dồn sức xây dựng Đề án nhằm bảo tồn làng nghề truyền thống này trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Có thể nói, những tấm lòng và tâm huyết ấy sẽ là ngọn lửa thắp lên niềm hy vọng cho gốm Yang Tao thật sự sống lại trong nay mai.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc