Multimedia Đọc Báo in

Phía ngày loang nắng – phía của niềm tin

21:44, 02/08/2014

(Nhân đọc tập thơ Phía ngày loang nắng của Huệ Nguyên - NXB Hội Nhà văn 2013)

Năm 2010, Huệ Nguyên ra mắt tập thơ đầu tay: Thơ và tôi. Tôi đọc và cảm nhận được sự khao khát sống có ích, khao khát đến với đời, với người để được chia sẻ; cảm nhận được người viết thật giàu nghị lực, giàu cảm xúc và điều đọng lại là sự cảm thông - cảm thông với một số phận không may mắn: Bệnh loạn dưỡng cơ Duchenme đã khiến cho chàng trai Huệ Nguyên (tên thật là Nguyễn Văn Hợp, hiện ở Buôn Triết, huyện Lak) teo tóp dần thịt da, không đi đứng được, mọi sinh hoạt chỉ quanh quẩn trên chiếc giường nhỏ vài mét vuông. Riêng về phần sáng tạo thơ, tức là sáng tạo của chữ nghĩa, của thi ảnh, thi tứ thì tôi chẳng cảm nhận được gì nhiều. Nói cụ thể hơn là ở thời điểm ấy thơ Huệ Nguyên viết rất cũ, cũ từ cách lập tứ đến ý thơ, hình ảnh thơ…

Ngay trong bài Thơ và tôi được Huệ Nguyên chọn làm tên cho cả tập thơ đã thấy rõ điều đó: Đã có lúc tôi rơi vào tuyệt vọng/ nhìn đời chỉ thấy một màu đen/… chẳng bạn bè chẳng người chia sẻ/ chiếc giường đơn lạnh lẽo một mình thôi… Đấy chỉ là sự kể lể về thân phận và những nỗi niềm của Huệ Nguyên bằng những câu thơ rất ít hình ảnh. Hồi ấy tôi đã rất thực lòng khuyên Huệ Nguyên phải thay đổi cách viết: dùng từ sáng tạo hơn, tìm những hình ảnh mới hơn cho thơ… và Huệ Nguyên đã làm được điều đó.

Ở tập thơ tiếp theo: Mùa gọi, Huệ Nguyên  đã đổi mới mình mạnh mẽ. Nhờ vậy mà năm 2012 Huệ Nguyên đã đoạt giải B – Giải thưởng hằng năm của Hội Văn học – Nghệ thuật Dak Lak và được tặng Giải Tác giả trẻ của Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam. Đấy là động lực để Huệ Nguyên đẩy sự nỗ lực sáng tạo của bản thân lên cao hơn. Đến năm 2013 Huệ Nguyên cho ra đời tiếp tập thơ Phía ngày loang nắng với rất nhiều sự vượt thoát thú vị của chữ nghĩa, khiến giới chuyên môn không thể không khen ngợi.

Đọc bài đầu tiên của tập thơ ta đã thấy ngay “sự mới”, “sự lạ” ở cách nói, cách dùng từ: 

Có những hôm bầy ngựa gió đi hoang

chạy tướp ngày tháng chạp

chúng lao qua cánh đồng thon dáng chị

gặm manh áo sờn nâu

mật nắng rám trên lưng mẹ

gánh ngày còng tuổi già nua…

                                               (Sải vó)

Đoạn thơ trên rất giàu hình ảnh, hình ảnh nào cũng mới mẻ, có nhiều cách dùng từ lạ, lạ nhưng hợp lý, lạ nhưng không “tù mù” khó hiểu. Bầy ngựa gió đi hoang, chạy tướp ngày, mật nắng rám, gánh ngày còng tuổi… đủ cho thấy sự dày công của Huệ Nguyên trên từng con chữ.

Hay một đoạn thơ khác, Huệ Nguyên viết:

Nhận diện giọng nói của ngày

lũ chim sâu nghi hoặc từng mắt lá

nhặt nỗi buồn vắt qua giọng hót

rã lời ru lả cánh cò mơ

những đàn bướm rủ nhau về tắm nắng

 bay cạn ngày tháng tư

 sắc vàng loang khắp núi

phấn thơm trải ngang mùa…   

                               (Nụ nắng sớm mai mọc đầy)                

Nhận ra giọng nói của ngày, thấy được lũ chim sâu đang nghi hoặc trong lá, nghe được giọng hót của con chim là vắt ra từ nỗi buồn mà chim nhặt hằng ngày…  đó không chỉ là vấn đề dùng từ, chơi chữ của Huệ Nguyên mà còn thể hiện sự tinh tế trong quan sát, cảm nhận sự vật, hiện tượng một cách rất thơ.

Liên tiếp thời gian gần đây Huệ Nguyên được các tờ báo văn học (viết và mạng) như Văn nghệ, vanvn.net (Hội Nhà văn Việt Nam), Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, Cư Yang Sin… giới thiệu tác phẩm. Điều đó chứng tỏ thơ Huệ Nguyên đang đổi mới đúng hướng và có những bước tiến dài.

Khác với các tập thơ trước, đề tài trong thơ của Huệ Nguyên cũng được mở rộng hơn, ngoài các đề tài quen thuộc, gần gũi như: cha, mẹ, những người thân yêu, làng quê, Huệ Nguyên đã có nhiều bài viết về đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, về biển đảo, bảo vệ môi trường… Điều đó chứng tỏ Huệ Nguyên đang mở rộng biên độ cảm xúc, đang dần dần chuyển từ “cái tôi” nhỏ hẹp sang “cái ta” rộng lớn hơn.

Có người nói đổi mới trong thơ hiện đại là phải “đập nát” vũ trụ thơ cũ, “đập nát” cả bản thân mình ra, gồm cả cái tôi, gia đình và xã hội; gia đình không còn là tổ ấm quyến rũ mà là “nơi cư trú của cô đơn”… Làm được như vậy thì thơ mới siêu thoát, mới ám ảnh. Quả thật tôi không thể hiểu nổi và không tin vào sự “đổi mới” đó. Tôi tin vào cách đổi mới của Huệ Nguyên và hy vọng anh tiếp tục có nhiều sáng tạo mới theo hướng trên và ta sẽ còn được đọc của anh nhiều bài thơ mới với những câu thơ ám ảnh thực sự như “vết sẹo ngã trâu một ngày trở giấc/ rủ rỉ thứ ngôn từ lặng câm” (Trở giấc ngày tuổi dại).

Đặng Bá Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.